Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phê duyệt Chiến lược phát triển giống cây lâm nghiệp giai đoạn 2006 - 2020
30 | 09 | 2007
Chiến lược xác định rõ, mục tiêu cụ thể là cung cấp giống đến năm 2010 bảo đảm cung cấp 60% giống từ nguồn giống được công nhận, trong đó 40% giống từ nhân giống sinh dưỡng cho trồng rừng; chọn tạo được nhiều giống mới có năng suất cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh hại và các điều kiện bất lợi. Đảm bảo rừng được trồng từ sau năm 2020, đối với cây mọc nhanh năng suất bình quân 30m3/ha/năm, cây gỗ lớn đạt 15m3/ha/năm.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã ký quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển giống cây lâm nghiệp giai đoạn 2006 - 2020.

Chiến lược xác định rõ, mục tiêu cụ thể là cung cấp giống đến năm 2010 bảo đảm cung cấp 60% giống từ nguồn giống được công nhận, trong đó 40% giống từ nhân giống sinh dưỡng cho trồng rừng; chọn tạo được nhiều giống mới có năng suất cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh hại và các điều kiện bất lợi. Đảm bảo rừng được trồng từ sau năm 2020, đối với cây mọc nhanh năng suất bình quân 30m3/ha/năm, cây gỗ lớn đạt 15m3/ha/năm.

Trong đó, ưu tiên phát triển giống nhóm cây lấy gỗ phục vụ trồng rừng kinh tế, cây gỗ lớn là Dầu rái, Tếch, Xoan ta, Thông caribe, Sao đen, Keo các loại và gỗ nhỏ là các giống được công nhận của các loài Bạch đàn, Keo, Tràm. Nhóm cây trồng làm giàu rừng, trồng bổ sung trong khoanh nuôi rừng như Giổi xanh, Giổi nhung, Lát hoa, Re rừng, Chiêu liêu, Sồi phảng, Huỷnh, Vạng Trứng, Xoan đào, Muồng đen...

Chiến lược phát triển giống cây trồng lâm nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 chú trọng đến việc xây dựng hệ thống nguồn giống trong phạm vi cả nước trên cơ sở rà soát đăng ký lại nguồn giống hiện có và tuyển chọn bổ sung nguồn giống mới. Xây dựng khoảng 2.900 ha rừng giống, vườn giống mới chất lượng cao, nhập giống còn thiếu và giống mới cho chương trình phát triển rừng trong tương lai. Bên cạnh đó, xây dựng 3 vườn ươm bằng công nghệ nhân giống và công nghệ vườn ươm hiện đại ở 3 vùng Bắc Bộ, Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ. Xây dựng thêm 65 vườn ươm từ hạt với công suất 1 triệu cây/năm và 158 vườn ươm giâm hom, 57 phòng nuôi cấy mô.

Chiến lược này cũng đưa ra các giải pháp chủ yếu về quản lý và tổ chức sản xuất, về tổ chức sản xuất, cung ứng giống, giải pháp về khoa học công nghệ, giải pháp về nguồn lực, hợp tác quốc tế và giải pháp về cơ chế chính sách. Đặc biệt, đối với chính sách về đất đai và thuế, ưu tiên giành đất tốt cho nghiên cứu khảo nghiệm và xây dựng nguồn giống. Chủ kinh doanh giống được nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; miễn giảm thuế theo quy định của các luật thuế hiện hành của Nhà nước.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát sản xuất, cung ứng và chất lượng giống trên địa bàn tỉnh, điều phối sản xuất và cung ứng giống. Hội đồng khoa học kỹ thuật giống và đơn vị nghiên cứu, phòng kiểm nghiệm chất lượng giống thuộc tỉnh hỗ trợ cho Sở.

Website Chính phủ (23/08/2006)



Báo cáo phân tích thị trường