Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tranh cãi về việc phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu gạo
28 | 04 | 2009
Không nên phân bổ chỉ tiêu hợp đồng theo diện tích. Cần kiểm tra lại thực tế các công ty có thật sự mua lúa của địa phương mình hay không để phân bổ một cách công bằng.

Hôm qua, tại cuộc họp hội đồng quản trị mở rộng của Hiệp hội Lương thực Việt Nam tại Cần Thơ, nhiều vấn đề liên quan đến xuất khẩu gạo đã được mổ xẻ. Trong đó, các thành viên và hiệp hội đã đề cập nhiều đến vụ hơn 53 ngàn tấn gạo xuất của Công ty Du lịch-Thương mại Kiên Giang bị ách lại.

Hiệp hội Lương thực cho biết tiến độ ký kết hợp đồng xuất khẩu vượt cân đối nên ngày 20-2, hiệp hội thông báo yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ ký hợp đồng mới có thời hạn giao hàng từ tháng 7 trở đi. Theo ý kiến của Tổ điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ và kết luận của Thủ tướng, các hợp đồng chưa đăng ký, vượt cân đối sau ngày thông báo của hiệp hội là 350.000 tấn, được đề nghị chuyển sang giao hàng từ tháng 7. Yêu cầu đó đã gặp phải sự phản ứng của một vài doanh nghiệp, trong đó có Công ty Du lịch-Thương mại Kiên Giang.

Không nên phân bổ theo diện tích

Công ty Du lịch-Thương mại Kiên Giang đề nghị hiệp hội đăng ký xuất 130.000 tấn gạo giao hàng trong tháng 3 và 4, tức là sau ngày thông báo của hiệp hội. Ông Nguyễn Hùng Linh, Giám đốc công ty, cho rằng mình ký kết hợp đồng trước ngày hiệp hội ra thông báo.

Giải thích vấn đề này, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực, cho biết theo quy định, sau ba ngày ký kết hợp đồng thì phải đăng ký ngay. Ở đây công ty đã đăng ký sau ngày thông báo của hiệp hội là ngày 20-2. Tuy nhiên, trước khó khăn của công ty, hiệp hội cũng đã giải quyết đăng ký hợp đồng cho công ty 63.500 tấn.

Tại cuộc họp, động thái này đã bị các thành viên hiệp hội không đồng tình, đề nghị giải quyết hết phần còn lại trong tổng số 350.000 tấn chưa đăng ký vượt cân đối sau ngày thông báo của hiệp hội (20-2) để tạo công bằng cho tất cả các công ty.

Về việc hiệp hội cũng đã cảnh cáo công ty ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo giao hàng vào Malaysia. Bởi việc làm này đã làm ảnh hưởng đến việc giao dịch và ký kết hợp đồng tập trung với thị trường này do Tổng Công ty Lương thực miền Nam làm đầu mối, theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Công thương.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hùng Linh, Giám đốc Công ty Du lịch-Thương mại Kiên Giang, lý giải rằng ông bán cho một thương nhân Singapore 53.000 tấn gạo, còn việc doanh nghiệp này chuyển đi Malaysia hay một nước nào là quyền của doanh nghiệp.

Một vấn đề được đặt ra là không hẳn tỉnh có diện tích lớn là phân bổ chỉ tiêu hợp đồng cho doanh nghiệp nơi đó nhiều. Nhiều doanh nghiệp chỉ hô hào mua hết lúa của tỉnh mình, song thật ra họ mua của tỉnh ngoài rất lớn. Một số công ty đề xuất cần kiểm tra lại thực tế các công ty có thật sự mua lúa của địa phương mình hay không để phân bổ một cách công bằng.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang, chứng minh: “Tiền Giang mỗi năm sản suất khoảng 1,2 triệu tấn lúa, trong đó lượng lúa hàng hóa chỉ khoảng 700-800 ngàn tấn, tương đương 300-400 ngàn tấn gạo nhưng bình quân tỉnh xuất khẩu từ 900 đến trên một triệu tấn, gấp 2-3 lần sản lượng gạo của tỉnh”.

Duy trì giá sàn để tránh hạ giá

Ông Nguyễn Hùng Linh, Giám đốc Công ty Du lịch-Thương mại Kiên Giang, cho rằng giá hướng dẫn không hợp lý, lúc nào cũng cao hơn giá thị trường khoảng 20 USD. Tuy nhiên, các thành viên của hiệp hội cũng đề xuất duy trì hướng dẫn giá sàn để hạn chế tình trạng hạ giá, cạnh tranh không lành mạnh, vô hình trung gây thiệt thòi cho nông dân.

Theo nhận định của Hiệp hội Lương thực, giá thị trường thế giới tiếp tục giảm trong tháng 4 và xu hướng còn giảm tiếp. Thị trường sáu tháng cuối năm còn diễn biến phức tạp do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, nhất là các nước nghèo nhập khẩu gạo. Yếu tố quan trọng trong ảnh hưởng đến giá thị trường sáu tháng cuối năm là Ấn Độ sẽ đẩy mạnh xuất khẩu gạo trắng sau bầu cử, chủ yếu là loại gạo cấp thấp 25% tấm. Thái Lan bán ra tồn kho vụ cũ cũng chủ yếu là gạo trắng. Hai yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo vụ hè thu của Việt Nam, đặc biệt là loại gạo cấp thấp 25% tấm, tiêu thụ sẽ gặp khó khăn vì Thái Lan vừa công bố chuẩn bị bán ra 3,7 triệu tấn gạo tồn kho để cắt giảm chi phí dự trữ gần bốn triệu USD/tháng.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch hiệp hội Lương thực, cho biết chuyện giải quyết tiếp 350.000 tấn gạo đã ký hợp đồng trước thời hạn Hiệp hội sẽ báo cáo Thủ tướng và sẽ đề xuất thêm lãnh đạo một số tỉnh có lượng lúa hàng hóa nhiều vào Tổ điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ. Ông cho biết năm 2009 có thể sẽ xuất khẩu đạt 5,2 triệu tấn nếu sản lượng vụ hè thu và thu đông không thay đổi nhiều.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tháng 4 này sẽ xuất khẩu 700.000 tấn gạo. Đây là đợt xuất khẩu trong tháng cao nhất từ trước đến nay, vượt mức kỷ lục xuất khẩu gạo tháng 3 trước đó. Bốn tháng qua, xuất khẩu đạt gần 2,3 triệu tấn gạo. Đây cũng là mức xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay, tăng 65,4% so cùng kỳ năm 2008 và tương đương lượng gạo xuất khẩu sáu tháng của năm 2007 và 2008.



Nguồn: www.phapluattp.vn
Báo cáo phân tích thị trường