Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thanh Hóa sau bài học dịch bệnh "tai xanh"
16 | 07 | 2009
Đã một năm qua đi, nhắc lại câu chuyện dịch “tai xanh” trên đàn lợn ở Thanh Hoá, người ta vẫn cứ ngỡ như mới diễn ra hôm qua, hôm kia vậy.

Còn nhớ, lúc đó, người ta vẫn nghe được những phát biểu của các nhà quản lý rằng nguyên nhân dịch bệnh phát tán rộng trở thành đại dịch chính là công tác tiêm phòng quá yếu kém và mạng lưới thú y viên cơ sở chưa được quan tâm. Nghe ra có lý bởi sau bài học ấy, Thanh Hoá đã có những cách làm mạnh, ráo riết hơn trong công tác tiêm phòng và quan tâm tới đội ngũ thú y viên cơ sở.

Ngày 03/4/2008, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá ban bố lệnh có dịch “tai xanh” ở lợn trên địa bàn. Lúc này số lợn ốm được thông báo là 4.527 con ở 33 xã của 6 huyện. Khi tỉnh này công bố hết dịch “tai xanh”, tổng số lợn bị ốm là 193.980 con ở 473 xã của 26/27 huyện, gần 10.000 tấn thịt lợn hơi được chôn vùi trong đất, thiệt hại trên 300 tỷ đồng. Kết quả tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm thì chỉ đạt mấy chục phần trăm, không đợt nào vượt nổi 50% trong diện phải tiêm.

Còn mạng lưới thú y viên cơ sở thì không thể thực thi được theo chính sách của Chính phủ vì lý do tỉnh còn nghèo. Phải chăng vì thế mà khi có lợn ốm, các thú y viên cứ hành nghề tự do, đoán mò và tiến hành tiêm đủ các loại thuốc, mãi đến khi số lượng lợn ốm không thể kiểm soát được thì mới cấp báo cho UBND xã. Một số nguyên nhân khác nữa dẫn đến thiệt hại lớn đến kinh tế chăn nuôi của tỉnh trong năm 2008: Tại thời điểm có dịch “tai xanh” ở lợn, cùng với Thanh Hoá còn có 10 tỉnh thành khác nhưng số lượng lợn tiêu huỷ của 10 tỉnh kia cộng lại không bằng tỉnh Thanh Hoá. Đây chính là bài học cần được rút ra để thấy được kinh nghiệm trong chỉ đạo chăn nuôi, phát triển kinh tế ở một tỉnh có tiềm năng chăn nuôi như Thanh Hoá.

Ngày 11/5/2008, Sở NN- PTNT Thanh Hoá đã triệu tập một cuộc họp bàn giải pháp phục hồi đàn lợn sau dịch bệnh “tai xanh”. Tư tưởng chỉ đạo của tỉnh lúc đó nêu rõ: “Tập trung phục hồi đàn lợn nái, lợn đực giống ngoại sau dịch. Phục hồi phải gắn với phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, động viên khuyến khích các hộ chăn nuôi nhỏ nên mở rộng quy mô chăn nuôi. Tiếp tục chỉ đạo đánh giá đàn lợn nái chưa bị dịch, chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hơn để chọn lợn hậu bị nhân đàn. Các huyện rà soát lại quy hoạch khu trang trại chăn nuôi tập trung, định hướng cho dân xây dựng trang trại và cụm trang trại chăn nuôi tập trung đảm bảo an toàn, dịch bệnh”. Triển khai các biện pháp này, ngành nông nghiệp chỉ đạo các huyện phải giải ngân hết tiền hỗ trợ tiêu huỷ lợn bị dịch “tai xanh” để người dân có vốn đầu tư tái chăn nuôi. Hiện nay, Sở NN- PTNT đang làm tờ trình gửi UBND tỉnh để HĐND tỉnh biểu quyết đưa ra chính sách mới trong phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung quy mô lớn. Dự kiến sẽ đầu tư không quá 600 triệu đồng cho một trang trại đủ tiêu chuẩn, trong đó có từ 200 lợn nái ngoại hoặc có từ 1.500 lợn thịt trở lên.

Có thể nói sau 1 năm tiến hành các biện pháp quyết liệt thì tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có những khởi sắc. Từ đầu năm lại nay không xuất hiện một dịch bệnh nào đáng báo động, chỉ có xẩy ra cục bộ ở một vài xã của huyện Bá Thước là có dịch cúm gia cầm nhưng đã được kịp thời khống chế, dập tắt. Còn gia súc không xuất hiện dịch, bệnh. Tổng số đàn lợn hiện nay của toàn tỉnh là 995.000 con, với 1.300 trang trại tập trung có quy mô lớn.

Huyện Triệu Sơn đã có một cách làm độc đáo bằng sáng kiến của ông Trần Bình Quân-PCT UBND huyện là chỉ đạo cho anh em tiến hành tiêm phòng tận từng hộ dân vào ban đêm.

Theo ông Lê Văn Thu - Trưởng trạm thú y Triệu Sơn thì đi tiêm vào ban đêm có 2 cái hay: một là chủ hộ ở nhà nên không thể từ chối việc tiêm phòng, hai là vật nuôi đều đã về chuồng, nhất là gia cầm nên được tiêm đầy đủ. Một cách làm hay của Triệu Sơn nữa là đã chọn lựa các điều khoản trong pháp lệnh thú y, tác hại của việc không tiêm phòng để in thành tờ rơi phát tận các hộ chăn nuôi và tuyên truyền liên tục trên đài truyền thanh huyện, xã, thôn.

Tiêu biểu cho công tác khắc phục đàn và có kết quả chăn nuôi cao phải kể đến các huyện Yên Định có 72 trang trại nuôi lợn nái ngoại; huyện Thọ Xuân có 68 trang trại nuôi lợn nái ngoại. Có rất nhiều trang trại chăn nuôi thu nhập hàng trăm triệu đồng tiền lãi trong năm. Điển hình như chủ trang trại Nguyễn Hồng Phước - thôn Yên Định 1, xã Định Tân, huyện Yên Định. Trang trại anh Phước rộng 7.000 m2 với 110 con lợn nái ngoại và duy trì trong chuồng 400-750 con lợn thịt, bình quân mỗi năm xuất bán 9 lứa lợn thịt, có lứa 6 tấn thịt hơi và bán trên 500 con lợn giống. Năm 2008 tổng thu từ trang trại của nhà anh Phước là 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 9 lao động có thu nhập từ 1,2-2,5 triệu đồng/tháng.

Về công tác tiêm phòng đợt I năm 2009, Thanh Hoá được ghi nhận là tỉnh làm rất tốt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện. Ngày 09/01/2009, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai tiêm phòng vacxin cho đàn gia súc, gia cầm. Kế hoạch này đã được phổ biến sâu, rộng đến tận các ban, ngành, các đơn vị, các huyện và nhân dân trong toàn tỉnh, nhất là đối với người chăn nuôi.

Kết quả tiêm phòng đợt I năm nay ở cả 27 huyện của Thanh Hóa chuyển biến tích cực. Cụ thể: Tiêm vacxin dại cho chó, mèo 81%; tiêm vacxin tụ huyết trùng cho trâu, bò 67,8%; vacxin LMLM 70,4%; vacxin dịch tả lợn bằng 233,7% so với đợt I năm 2008; vacxin tụ dấu lợn tăng 90%; tiêm phòng cho đàn gia cầm đạt trên 91% diện phải tiêm.

(Nguồn tin: NNVN)



Báo cáo phân tích thị trường