Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Long đong đảo tỏi
21 | 07 | 2009
Mặc dù là loại cây trồng chủ lực của người dân huyện đảo Lý Sơn, mùi vị đặc trưng “có một không hai” nhưng cây tỏi Lý Sơn hiện đang đứng giữa...ngã ba đường.

I. Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có 3 thôn: An Hải, An Vĩnh và An Bình (cù lao Bé) với hơn 4.100 hộ dân (22.000 nhân khẩu). Chiếm 80% dân số ở đây là những người có nghề trồng tỏi cha truyền con nối từ suốt nửa thế kỷ này, từ khi nơi đây còn được gọi là Cù lao Ré.

Theo lời kể của các bậc cao niên thì người khai sáng cho cây tỏi ở Lý Sơn không phải là những nhà nông mà là những…thương nhân. Ấy là những thương nhân đường dài: Lý Sơn-Huế. Tiếp xúc nhiều với đất Thần Kinh, một số thương nhân “nghiện ăn tỏi” nhận ra đất này có loại tỏi khá ngon nên kiếm 1 ít giống mang về trồng quanh vườn nhà để cải thiện bữa ăn hằng ngày.

Khi ấy tỏi được trồng thành vồng như bây giờ nông dân trồng khoai lang. Từ đất thịt đồng bằng (Huế) về “sinh sống” trên đất cát biển, “hít thở” bầu không khí trong lành của biển trời mênh mông, giống tỏi được mang về từ Huế bỗng thay đổi cả “hình thức lẫn nội dung”: không to lắm, không cay lắm, mùi nồng dìu dịu chứ không hắc lắm làm nên 1 hương vị đặc trưng mà sau này người tiêu dùng nhận ra tỏi Lý Sơn là “có 1 không 2” ở Việt Nam. Sau khi nhận được lời bình phẩm của dân thập phương về hương vị độc đáo của tỏi Lý Sơn, nhiều người dân ở đây liền phát triển từ hình thức “trồng để ăn” tiến lên thành “trồng để bán”, diện tích cây tỏi tăng dần được 26ha.

Ông Nguyễn Văn Lê- Trưởng phòng Kinh tế huyện Lý Sơn nhớ lại: “Hồi ấy bà con trồng tỏi, Cty Thương nghiệp thu mua, chỉ với cái giá “quốc doanh” nhưng người trồng tỏi đã thấy lợi nhuận rõ rệt. Ấy là không kể đến chuyện “bán chui”, ai mà mang được 1 bao tỏi ra khỏi đảo bán cái giá “chợ đen” thì tiền thu từ bao tỏi sẽ cất được 1 cái nhà”. Thế là nhiều hộ dân bắt tay khai phá đất hoang hóa để trồng tỏi, chẳng mấy chốc diện tích cây tỏi tăng tốc lên đến 92ha.

Đến đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, đây là thời điểm Lý Sơn rộ lên phong trào “nhà nhà trồng tỏi” để đến bây giờ, tổng diện tích cây tỏi trên hòn đảo này đã lên đến gần 300ha. Không có gì ngạc nhiên khi người dân Lý Sơn “hít” cây tỏi nhanh đến như vậy. Theo tính toán của ngành chuyên môn thì người trồng tỏi có thu nhập cao hơn người trồng lúa trong đất liền là gấp đến 6 lần.

II. Ngồi đọc báo cáo 6 tháng đầu năm 2009 của Phòng Kinh tế huyện Lý Sơn, vụ ĐX năm nay nông dân Lý Sơn trồng được 277/295ha tỏi, năng suất khô gần 59 tạ/ha, sản lượng đạt 1.616 tấn, tăng 569,6% so cùng kỳ năm trước. Tôi không thể không buộc miệng nói: “Thế là cây tỏi Lý Sơn “trúng đậm” rồi”. Vừa dứt lời thì vị Trưởng phòng Kinh tế huyện Nguyễn Văn Lê lắc đầu: “Trúng gì mà trúng, năng suất, sản lượng đạt cao nhưng giá thì chỉ còn 25.000đ/kg, trong khi đó cách đây vài năm giá tỏi Lý Sơn có giá đến 50.000đ/kg”.

Tôi nghĩ bụng: “Mất đứt 1 nửa thu nhập. Mà 1 nửa thu nhập ở đây không phải là nhỏ. Với giá hiện nay 25.000đ/kg tỏi khô, sau khi trừ mọi chi phí, người trồng tỏi chỉ còn lãi được 20 triệu đồng/ha/vụ. So với lúc tỏi có giá 50.000đ/kg thì mỗi ha tỏi bị thất thu 20 triệu. Với gần 300ha tỏi hiện nay người trồng tỏi mất dứt gần 6 tỷ đồng”.

Chị Phạm Thị Bé ở thôn Tây, xã An Hải (Lý Sơn) đang theo đuổi nghề trồng tỏi truyền thống của gia đình giải thích: “Trước khi có nguồn tỏi của Trung Quốc ồ ạt nhập vào Việt Nam thì “đường đi” của tỏi Lý Sơn rộng lắm. Những năm ấy tỏi Lý Sơn vào Nam, ra Bắc lên đến Tây Nguyên. Ngoài cung ứng cho người tiêu dùng, tỏi Lý Sơn còn được các cơ sở làm nem, chả trong cả nước thu mua rất mạnh. Từ khi tỏi Trung Quốc tràn qua với giá cực rẻ, lập tức thị trường tỏi của Lý Sơn bị co hẹp lại, hầu hết các cơ sở làm nem chả liền “quay lưng” với tỏi Lý Sơn”.

“Hiện nay, người trồng tỏi ở Lý Sơn thu hoạch xong gánh đến chợ bán cho những người mua gom như những năm về trước. Rồi từ người mua gom, tỏi Lý Sơn chỉ còn loanh quanh đến với người tiêu dùng nhỏ lẻ ở các tỉnh lân cận. Trước tình hình này, chính quyền địa phương các cấp đã nỗ lực tạo điều kiện cho tỏi Lý Sơn có thương hiệu, đồng thời tổ chức quảng bá rộng rãi về nét đặc trưng của tỏi Lý Sơn để tạo nhiều thị trường mới thông qua Hiệp Hội “Sản xuất, kinh doanh hành tỏi”. Thế nhưng trong 50 thành viên của Hiệp hội đang hoạt động chỉ có 1 người là thương nhân, số còn lại đều là những người sản xuất chưa có kinh nghiệm tìm kiếm thị trường nên hiện nay đầu ra cho tỏi Lý Sơn vẫn rất “mịt mờ”.

III. Không chỉ bí đầu ra mà đầu vào của cây tỏi Lý Sơn còn bí hơn. Đầu vào là: nước, đất và giống. Vì địa hình trắc trở nên hiện tại trên địa bàn huyện đảo này chưa xây dựng được 1 hệ thống cung cấp thủy lợi nào, chỉ có hệ thống thoát nước. Để cung cấp nước cho cây trồng, người dân ở đây phải đóng giếng bơm tưới. Có những vùng phải gắn ống bơm nước lên với độ cao 2.000-3.000m. Điện ở đây thì rất “dập nhả”. Mỗi ngày, người dân ở huyện đảo này chỉ được “hưởng” điện có 6 tiếng đồng hồ từ 5 giờ chiều đến 11 giờ đêm. Ban ngày, các cơ quan ban ngành thì có nơi không được cung cấp điện. Một số cơ quan được cấp mỗi ngày 4 tiếng, sáng 2 tiếng, chiều 2 tiếng. Chỉ ở những cơ quan “đầu não” mới có điện suốt giờ làm việc.

Vậy thì dân lấy diện ở đâu mà dùng để bơm tưới cho cây tỏi. Chỉ biết bơm dầu, mà dầu thì đắt. Người trồng tỏi ở đây cho biết: “Bơm tưới cho những vùng tỏi xa mỗi giờ phải chi phí đến 75.000đ (3 máy), vùng gần từ 25.000- 30.000đ/giờ. 1 sào tỏi phải chạy hơn 1 giờ mới đủ nước (6 khối). Những vùng tỏi cao thì phải 6-7 ngày mới được tưới 1 lần, vùng thấp chi phí ít hơn nên được tưới nhiều hơn: 2-3 ngày/lần. Tình trạng này đã hạn chế không ít về năng suất của cây tỏi Lý Sơn.

Cái bí thứ 2 là cát. Năm nào người trồng tỏi ở Lý Sơn phải cải tạo đất 1 lần bằng cách thay đất. Họ múc đất cũ lên, thay vào đó 1 lớp đất đỏ bazan dày khoảng 1,5-2cm rồi đầm chặt. Xong, rải lên 1 lớp phân chuồng và phả đều 1 lớp đất cát đá vôi lấy từ biển lên dày khoảng 2-3 cm. Thống kê sơ bộ của ngành chức năng thì từ trước đến nay Lý Sơn đã mất hơn 50.000 ha đất do nạn xâm thực của triều cường mà “thủ phạm” chính là nạn lấy cát trồng tỏi. Đơn cử như ở phía Bắc và phía Đông xã An Hải, nạn lấy cát đã biến những nơi này thành những cái hố sâu hoắm tạo điều điện cho triều cường vào tàn phá. Ông Trưởng phòng Kinh tế huyện Lý Sơn bộc bạch: “Nạn lấy cát triền miên đã dần làm sập bờ biển, làm mất đi hệ sinh thái nghiêm trọng. Thế nhưng đến nay nghành chức năng vẫn chưa tìm ra cách nào để thay thế cho cách làm cũ và người trồng tỏi vẫn phải cứ đi mua cát hằng năm để cải tạo đất”.

Giống cũng là 1 cái bí của người trồng tỏi Lý Sơn. Sau nhiều năm, giống tỏi ở đây đã có biểu hiện thoái hóa và hiện phải mua giống từ Ninh Thuận về với giá cao. Tỏi Lý Sơn bí luôn cả cách bảo quản sau thu hoạch nên trong những giai đoạn tỏi ế, sản phẩm tồn đọng lâu bị hư thối hầu khiến nhiều hộ lâm cảnh “công cốc” sau nhiều tháng đầu tư sản xuất.


(Theo NNVN)


Báo cáo phân tích thị trường