Kể từ 1/1/2007, giá bán lẻ điện tăng bình quân hơn 7,6% so với hiện hành. Một loạt những động thái cũng cho thấy, giá nhiều mặt hàng thiết yếu như than, giấy, xi măng... dự kiến tăng ngay từ đầu năm 2007. Điều hành thị trường theo cơ chế nào để ổn định thị trường trong nước đang là câu hỏi đặt ra đối với các cơ quan quản lý nhà nước.
Mặt hàng nào sẽ tăng giá?
Tại Hội nghị ngành Tài chính ngày 23/11/2006, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá cho rằng: năm 2007, Chính phủ sẽ điều hành giá cả các mặt hàng thiết yếu linh hoạt theo tín hiệu thị trường, đưa hệ thống giá trong nước tiệm cận với giá thị trường thế giới. Theo đó, các mặt hàng như xi măng, sắt thép, phân bón sẽ kinh doanh theo giá thị trường và Chính phủ không bù lỗ giá xăng, đồng thời giảm mạnh bù lỗ giá dầu; hạn chế XK than và không bù lỗ giá than (trừ than cung cấp cho phát điện); đồng thời thực hiện lộ trình điều chỉnh hợp lý giá bán điện, không bao cấp tràn lan.
Trước hết, từ 1/1/2007, giá điện bình quân là 842 đồng/kWh, tăng cao hơn 7,6% so với hiện hành; giá điện sản xuất giờ thấp điểm và bình thường không tăng, chỉ tăng 20% giờ cao điểm. Với khối hành chính sự nghiệp và kinh doanh dịch vụ, mức tăng là 12%-14%. Điện sinh hoạt nông thôn tiếp tục áp dụng cơ chế giá trần 700 đồng/kWh như hiện nay. Các ngành sản xuất đặc thù như luyện thép, sản xuất nước sạch, u rê sẽ thực hiện ngay việc xóa bỏ trợ giá điện từ 1/1/2007. Từ 1/7/2008, giá điện bình quân sẽ tăng lên 890 đồng/kWh, năm 2010 sẽ áp dụng cơ chế điều chỉnh theo biến động của giá phát điện xác định trên thị trường phát điện cạnh tranh.
Đối với mặt hàng than đá, Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam cho biết, mức giá than hiện hành vẫn thấp hơn giá thành. Do vậy, dự kiến từ tháng 1/2007, giá bán than đối với 4 hộ tiêu thụ lớn là điện, xi măng, phân bón, giấy sẽ được điều chỉnh tăng lên 44%. Song Cục Quản lý giá Bộ Tài chính đề xuất, giá than chỉ nên tăng ở mức 20%: than bán cho sản xuất giấy tăng, phân bón, xi măng cần tổ chức hiệp thương và dự kiến tăng khoảng 20%, còn than bán cho sản xuất điện sẽ do Chính phủ quyết định...
Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam dự báo năm 2007, giá giấy báo cũ và giấy thải hỗn hợp ở thị trường trong nước có khả năng tăng 5%, riêng bột giấy tới 15%, do giá nguyên liệu trên thị trường thế giới và chi phí đầu vào tăng cao. Mức tăng này có thể cao hơn nữa nếu cả hai loại đầu vào của sản xuất giấy là điện và than cùng tăng giá vào thời điểm đầu tháng 1/2007. Bởi chỉ tính riêng việc tăng giá than thêm 20%, chi phí sản xuất giấy tăng tương ứng khoảng 6,5%-8%. Tuy nhiên, các loại giấy làm bao bì sẽ không tăng giá nhiều vì sử dụng nguyên liệu thu gom trong nước và một phần NK có giá ổn định. Các loại giấy khác chịu ảnh hưởng nhiều của những biến động về giá bột và giấy phế thải nên mức tăng sẽ cao hơn.
Phân bón: Theo tính toán, giá điện tăng thêm 7,6% sẽ khiến đầu vào sản xuất phân bón tăng khoảng 8-9%. Bên cạnh đó, do giá than sẽ tăng 20% (trong khi giá than chiếm tới 25-45% giá thành sản xuất phân bón) nên việc tăng giá sản phẩm phân bón là khó tránh khỏi. Có khả năng ngay đầu năm 2007, các loại phân lân và NPK sẽ được tăng giá khoảng 3%; giá đạm có thể chưa phải tăng ngay vì ít bị ảnh hưởng hơn do nguyên liệu đầu vào dùng than cám. Mức giá này sẽ còn tiếp tục được điều chỉnh tăng do giá than cho sản xuất phân bón sẽ vẫn tiếp tục tăng vào cuối năm 2007. thép và xi măng cũng có khả năng sẽ tăng trong năm 2007. Trong đó, giá thép sẽ tăng từ 0,6-1%. Giá phôi thép NK đang có xu hướng tăng cao. Bộ Thương mại cho biết, các nhà sản xuất và NK thép trên thế giới đang bắt đầu thương lượng về giá và dự báo giá ấn định sẽ tăng thêm 20-30 USD/tấn so với giá hiện hành, bởi chi phí sản xuất đang tăng mạnh. Hai nguyên nhân trên sẽ khiến giá thép trong năm 2007 chắc chắn không dừng ở mức như hiện nay. Tuy nhiên, theo dự báo của Tổ Điều hành thị trường, giá thép sẽ không tăng mạnh do thép trong nước đang phải cạnh tranh khốc liệt với thép Trung Quốc có giá rẻ hơn.
Về mặt hàng xi măng, Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhận định, ngành xi măng sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu thực hiện các phương án điều chỉnh giá than và điện- hai nguồn nhiên liệu chính trong sản xuất xi măng. Theo tính toán, bình quân mỗi tấn xi măng sẽ phải tăng chi phí sản xuất thêm khoảng 30.000 đồng. Vì vậy, ngành xi măng cũng đang đề nghị được điều chỉnh giá bán xi măng trong nước để đảm bảo có tích lũy phục vụ tái đầu tư.
6 giải pháp bình ổn giá thị trường
Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại trước khả năng tăng giá của các mặt hàng nói trên sẽ tác động mạnh đến việc tăng giá của nhiều mặt hàng khác, khiến thị trường thiết lập mặt bằng giá mới và đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng cao.
Để đảm bảo chỉ số giá tiêu dùng năm 2007 tăng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, Bộ Tài chính đã đề xuất 6 giải pháp bình ổn thị trường, trong đó nhấn mạnh đến chính sách điều hành giữ vững cân đối vĩ mô, đảm bảo cung- cầu; điều hành mặt bằng giá bình ổn ở mức hợp lý, phù hợp với tín hiệu khách quan của thị trường. Bên cạnh đó, nhiều khả năng cho thấy, để tránh tác động tiêu cực đến nền kinh tế, sau khi tăng giá điện vào 1/1/2007, phương án tăng giá than có thể bị lùi lại đến giữa hoặc cuối năm sau.