Từ giữa thập kỷ 1990 đến nay, tốc độ tăng trưởng của ngành này ở mức 4-6%/năm. Năm 2008, mặc dù gặp khó khăn do tác động từ cả hai phía đầu vào (chi phí chăn nuôi) và đầu ra (giá sản phẩm và tình hình dịch bệnh, thời tiết diễn biến phức tạp...) nhưng ngành chăn nuôi vẫn đạt mức tăng trưởng 6% (đạt 30.940 tỉ đồng - theo giá so sánh năm 1994), chiếm 19,94% tỷ trọng của ngành nông nghiệp.
So với tỷ trọng 19,84% của năm 2007 (tương đương 29.200 tỉ đồng), tỷ trọng của ngành chăn nuôi trong nông nghiệp gần như không đổi trong năm 2008, chỉ tăng 0,1%. Còn nếu so với kế hoạch đề ra cho năm 2008 (chăn nuôi chiếm 27%) thì tỷ trọng còn thấp hơn rất nhiều.
Sáu tháng đầu năm 2008, do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, rồi đến đợt rét đậm, rét hại tại các tỉnh miền núi phía Bắc và dịch bệnh tai xanh liên tục xảy ra trên diện rộng, ngành chăn nuôi chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 0,034%. Trong đó, quí 1 tăng 1,2% (giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2007), quí 2 là -1,2% (giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2007).
Sáu tháng cuối năm 2008, tình hình dịch bệnh được khống chế cùng với việc giá thức ăn chăn nuôi hạ thấp và thuế suất thuế nhập khẩu thịt được nâng lên đã tác động tích cực giúp ngành chăn nuôi hồi phục trở lại. Tốc độ tăng trưởng sáu tháng cuối năm 2008 đạt 11,675%, trong đó quí 3 là 6,3% (tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2007), quí 4 là 16,8% (gấp 3,35 lần so với mức tăng trưởng 5% của năm 2007).
Từ cuối năm 2007, do những lo ngại về ảnh hưởng suy giảm nguồn cung có thể gây áp lực đến mặt bằng giá thực phẩm và đẩy lạm phát lên cao, Chính phủ đã điều chỉnh hạ thuế trước cả lộ trình cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Tác động của chính sách này đã làm thịt nhập khẩu tăng mạnh. Kim ngạch nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt năm 2008 đạt 189 triệu đô la, tăng 177,9% so với năm 2007 (đạt 68 triệu đô la), đưa thịt trở thành mặt hàng có tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu lớn trong năm 2008. Trước thực trạng nhập khẩu thịt ồ ạt năm 2008 gây mất cân đối cung cầu trong nước, kéo giá thịt rớt mạnh, những điều chỉnh về thuế quan trở lại mức ban đầu đã được thực hiện. Kim ngạch nhập khẩu thịt sáu tháng đầu năm 2009 giảm xuống chỉ còn 58,58 triệu đô la, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2008. Tuy nhiên, điều này cho thấy áp lực của hội nhập đối với ngành chăn nuôi là rất gay gắt.
Trong xu thế Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ, các nhà sản xuất và kinh doanh quốc tế sẽ nhảy vào thiết lập hệ thống phân phối hiệu quả, đẩy mạnh các chương trình quảng cáo, tiếp thị để thay đổi thói quen tiêu dùng có thể là một lực đẩy mạnh cho thịt và thực phẩm nhập khẩu trong tương lai.
Liên kết thị trường có một ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển bền vững. Nếu các thị trường liên thông với nhau, giá cả sẽ thay đổi cùng nhịp, giúp nó vận hành một cách nhịp nhàng, nhất là khi có biến động về giá đầu vào và đầu ra.
Tuy nhiên, hiện nay các thị trường trong ngành chăn nuôi vẫn thiếu sự liên kết. Xu hướng thị trường dường như luôn tạo ra những bất lợi cho người chăn nuôi và đây là nguyên nhân khiến thị trường thịt trong nước không ngừng biến động.
Năm 2008, sau khi có những đợt tăng mạnh theo xu hướng chung thì giá thịt đã có xu hướng giảm. Bước sang năm 2009, mặt bằng giá thịt tiếp tục đi xuống. Theo Báo cáo thị trường thịt và thực phẩm quí 2 của Trung tâm Thông tin nông nghiệp và phát triển nông thôn (AGROINFO), nếu so sánh giá nguyên liệu đầu vào và giá đầu ra thì có thể thấy người chăn nuôi trong nước tiếp tục phải chịu sức ép về giá thành.
Trong thị trường nội địa, nếu lấy mức giá tháng 1-2009 = 100%; giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi ở mức đỉnh của năm 2008 tăng lên đến gần 200%, và hiện nay ở mức 142%. Trong khi đó, giá thịt ở mức đỉnh năm 2008 chỉ đạt 135%, và hiện nay cũng chỉ xấp xỉ như mức tháng 1- 2009.
Như vậy, có thể thấy sức ép lớn nhất đối với ngành chăn nuôi hiện nay chính là bài toán về chi phí đầu vào. Công cụ thuế chỉ có thể bảo vệ phần nào cho ngành chăn nuôi trong ngắn hạn và sẽ được dỡ bỏ theo cam kết với WTO. Ngoài ra, việc Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ bắt đầu từ năm 2009 sẽ là một sức ép lớn đối với ngành chăn nuôi khi thịt nhập khẩu tràn vào dễ dàng hơn. Như vậy, ngành chăn nuôi trong nước chỉ còn cách giảm chi phí đầu vào và tăng cường mối liên kết giữa các chủ thể theo chuỗi giá trị mới có thể đứng vững khi phải cạnh tranh với thịt nhập khẩu và những biến động của thị trường.