Để bình ổn thị trường giá cả, không để xảy ra tình trạng tăng đột biến về giá hàng hóa, dịch vụ trong dịp tết, ông Nguyễn Duy Thiện, Trưởng phòng Quản lý giá, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết Bộ Tài chính đang soạn thảo chỉ thị về bình ổn hàng hóa trong dịp tết Canh Dần. Dự kiến sang tuần tới Bộ sẽ ban hành chỉ thị này.
Không để xảy ra mất cân đối cung cầu
Theo ông Thiện, dự kiến sẽ có một số giải pháp chỉ đạo: Bộ yêu cầu giám đốc Sở Tài chính theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường trên địa bàn, đề xuất kịp thời các biện pháp bình ổn giá thuộc thẩm quyền địa phương, trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện, không để xảy ra tình trạng đột biến về giá tại địa phương. Đồng thời, cơ quan quản lý giá kiểm tra thường xuyên việc thu các loại phí dịch vụ, không để các doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng tăng giá, phí dịch vụ tùy tiện, trái pháp luật trong dịp tết.
Dự thảo chỉ thị cũng nhấn mạnh đến biện pháp kiên quyết xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân cố tình vi phạm các quy định: không niêm yết giá, bán hàng cao hơn giá niêm yết, đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, buôn lậu và gian lận thương mại trước, trong và sau dịp tết Nguyên đán. Theo ông Thiện, tùy theo mức độ sai phạm, nhẹ thì nhắc nhở, phạt hành chính, còn nặng thì rút giấy phép kinh doanh...
Điểm cần lưu ý trong việc bình ổn hàng hóa trong dịp tết là việc dự báo nhu cầu tiêu dùng, kết hợp với nắm tình hình chuẩn bị lực lượng hàng hóa, dịch vụ phục vụ tết Nguyên đán (lương thực, thực phẩm, bánh mứt kẹo, bia, rượu, quần áo, thuốc phòng, chữa bệnh, văn hóa phẩm và phương tiện đi lại...). Liên quan đến việc kiểm soát thị trường, các địa phương cần phát hiện kịp thời các hiện tượng kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng chất lượng kém, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; thịt gia súc, gia cầm và các sản phẩm của gia cầm chưa qua kiểm dịch...; xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
Cũng theo ông Thiện, Bộ Tài chính sẽ giao cho các sở Tài chính địa phương nghiên cứu, trình UBND tỉnh quyết định phương án sử dụng nguồn vốn ngân sách tạm thời nhàn rỗi của địa phương cho các doanh nghiệp có thị phần lớn trên địa bàn vay vốn ưu đãi để dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tết. “Nên có chính sách ưu đãi mạnh nhằm khuyến khích các doanh nghiệp bán hàng Việt chất lượng cao. Mục tiêu không để xảy ra mất cân đối cung cầu, gây đột biến giá cả vào dịp trước và sau tết Nguyên đán” - ông Thiện đề xuất.
Giá nước sạch, than... sẽ theo cơ chế thị trường
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10-2009 so với tháng 12-2008 tăng 4,49%. CPI 10 tháng đầu năm 2009 tăng 7,17% so với 10 tháng đầu năm 2008 (thấp hơn mức tăng 23,15% cùng kỳ năm trước). Dự kiến cả năm 2009, CPI ước tăng khoảng 6,5%. |
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp, dự kiến tăng trưởng năm 2010 sẽ đạt khoảng 6,5% nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó đáng chú ý là lạm phát có nguy cơ tăng cao trở lại vì các nguyên nhân sau: Sức mua trong dịp tết tăng cao; việc tăng lương tối thiểu đối với công chức, viên chức, tăng trợ cấp cho người nghỉ hưu và các đối tượng hưởng từ nguồn ngân sách trong lộ trình tăng lương tối thiểu giai đoạn 2008-2012 đã được phê duyệt sẽ làm tăng sức mua có khả năng thanh toán của một bộ phận dân cư. Hơn nữa, nguyên nhân đẩy giá thị trường có xu hướng tăng là do giá điện, than, nước sạch cho sinh hoạt, xăng dầu... theo giá thị trường. Để thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự quản lý của nhà nước, cũng theo ông Nghiệp, năm 2010 sẽ thực hiện giá thị trường đối với điện, than bán cho điện và cho toàn bộ nền kinh tế, nước sạch cho sinh hoạt... Chính sách điều hành giá sẽ kiên quyết tránh các hiện tượng “neo giá”, để giá cả của những hàng hóa ở mức cao bất hợp lý bất chấp sự giảm giá trên thị trường thế giới; hoặc “đông giá”, để giá ở thị trường trong nước quá thấp trong khi giá thị trường thế giới đã tăng và các yếu tố hình thành giá đã thay đổi. Bộ Tài chính điều hành giá nhất quán, phù hợp tín hiệu của thị trường thế giới: có lên, có xuống nhưng không thụ động, không thả nổi hoàn toàn giá trong nước mà cần có những biện pháp điều hành vĩ mô nhất định.
Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ kiểm soát chặt chẽ các phương án giá, mức giá của các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục nhà nước định giá, bình ổn giá, đăng ký giá, kê khai giá như sữa, gạo, thuốc chữa bệnh, phân bón, cước vận tải... Để kiểm soát được giá các mặt hàng trên, Bộ Tài chính sẽ yêu cầu các doanh nghiệp phải có thuyết minh về giá, yêu cầu kê khai các chi phí đầu vào như mức thuế nhập khẩu, giá nhập, chi phí vận tải...