Như Báo NLĐ đã thông tin, do tỉ giá USD tăng cao, cộng với giá nguyên liệu, chi phí vận chuyển nhích lên do giá xăng dầu tăng đã kích hoạt các loại hàng hóa trên thị trường đua nhau tăng giá. Điều đáng lo ngại là số lượng mặt hàng tăng giá ngày càng lan rộng (tuần qua đã có thêm nhiều mặt hàng như hàng nhựa gia dụng, sữa và nhiều loại thực phẩm chế biến... tăng giá) khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng.
Hàng hóa tăng giá dây chuyền
Theo ông Châu Nhật Trung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ, khi có biến động về tỉ giá, giá xăng dầu, người chăn nuôi cũng bị tác động đáng kể. Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, chi phí chăn nuôi nhích lên thì giá bán thịt gia súc, gia cầm buộc phải tăng, nếu không người chăn nuôi sẽ bị lỗ nặng.
Thực tế cũng cho thấy giá heo tại các trại chăn nuôi hiện đang rục rịch tăng 2.000 đồng/kg so với tháng trước, lên 34.000 đồng- 35.500 đồng/kg. Ông Nguyễn Trí Công, chủ trại heo Trí Công (Đồng Nai), khẳng định nếu giá thức ăn còn tiếp tục tăng thì người chăn nuôi sẽ phải bán chạy để cắt lỗ, khi đó sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn hàng cung cấp cho thị trường Tết.
Ông Diệp Nam Hải, Phó Giám đốc Công ty Cholimex, cho biết: “Giá cả đầu vào tăng chóng mặt. Để đối phó với giá cả tăng cao dịp cuối năm, Cholimex đã chủ động mua trữ trước nguyên liệu thủy sản nhưng cũng chỉ đáp ứng được một phần thôi nên thời gian tới chúng tôi cũng phải tăng giá bán”.
Hai nhóm ngành hàng liên quan đến giá nguyên liệu tăng cao là bánh kẹo và mặt hàng sữa. Ông Phan Văn Thiện, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bibica, cho biết giá nguyên liệu (đường, đậu, bột...) biến động mạnh nên một số mặt hàng bánh hộp của đơn vị đã phải điều chỉnh tăng 5%. Hiện giá đường tiếp tục tăng cao buộc đơn vị phải tăng giá mặt hàng kẹo thêm 5% ngay trong tháng 12 này...
Đối với mặt hàng sữa, nhiều hãng sản xuất đã điều chỉnh tăng 6%- 10% từ ngày 1- 12 hoặc từ 7-12. Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc đối ngoại Vinamilk, cho biết đơn vị chỉ điều chỉnh sữa bột, sữa đặc tăng giá 6%, riêng các mặt hàng sữa nước chưa tăng giá. Việc tăng giá là bất khả kháng. Nguyên nhân là do giá đường tăng 100%, cũng như tỉ giá tăng 6%. Đáng lý ra Vinamilk phải tăng giá đến 35%- 40% mới đủ vào mức tăng giá của giá đường...
Phải có giải pháp đồng bộ
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng ở VN, giá cả bị chi phối nhiều từ tâm lý người tiêu dùng. Thông lệ, đến quý IV và dịp lễ, Tết cuối năm (Noel, Tết Dương lịch, Âm lịch) thì giá cả hàng hóa sẽ tăng. Ngoài ra, tình trạng đầu cơ làm giá còn tồn tại, chính sách kiểm soát đầu cơ còn hạn chế.
Kinh tế thế giới phục hồi, giá nhiều loại hàng hóa tăng; nước ta nhập siêu nên chịu tác động trực tiếp từ biến động giá cả trên thế giới. Tỉ giá USD tăng mạnh, chỉ mới bình ổn từ ngày 26-11 khi Ngân hàng Nhà nước có động thái can thiệp; giá vàng thế giới tăng kéo theo giá vàng trong nước tăng... Tất cả những yếu tố đó kết hợp, tác động lẫn nhau làm cho giá cả trong nước tăng.
Cũng theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, để giữ ổn định giá trong thời gian tới, Nhà nước cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Đó là: Lãnh đạo các tỉnh, thành có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, bình ổn giá; UBND, Sở Công Thương và lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm soát thị trường, tránh tình trạng đầu cơ; Ngân hàng Nhà nước quản lý tỉ giá ngoại hối theo hướng ổn định lâu dài; bảo đảm các mặt hàng thiết yếu ổn định; hệ thống bán lẻ của các siêu thị bảo đảm đủ nguồn hàng cung ứng cho thị trường. Bên cạnh đó, cần triển khai có hiệu quả cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt...
PGS-TS Trần Hoàng Ngân dự đoán, thu nhập của người dân trong năm 2009 không tăng nên sức cầu sẽ không lớn, do đó nếu kiểm soát tốt sẽ không có tình trạng tăng giá đột biến...
Theo TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế: Từ nay đến cuối năm, xu hướng tăng giá là khó tránh khỏi. Ngoài lý do chịu tác động của tình hình kinh tế thế giới, nguyên nhân chính khiến giá cả tiêu dùng trong nước tăng là do VN chưa có cải tiến bài bản về sản xuất, phân phối. Chúng ta chưa xây dựng được các tổ chức phân phối chuẩn mà phải qua nhiều khâu trung gian, chi phí vận chuyển cao. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm cách nào để cải tiến tiền lương, để người lao động có thu nhập cao tương ứng với mức tăng giá cả thì việc tăng giá thị trường sẽ không gây tác động lớn.
Nhiều doanh nghiệp tham gia bình ổn giá Năm nay, UBND TPHCM hỗ trợ hơn 422 tỉ đồng để các doanh nghiệp (DN) bình ổn giá cả thị trường cuối năm, nhất là thị trường Tết. Đến thời điểm này, các DN mới chuẩn bị được từ 50%- 70% lượng hàng.
Các DN tham gia bình ổn giá cho biết tốc độ giải ngân của TP quá chậm nên gây khó khăn cho việc trữ hàng, họ phải tự tìm nguồn vốn nên hiệu quả không đạt như mong muốn. Cơ hội thu mua hàng với mức giá thấp không nhiều, đến khi giá cả tăng cao lại càng khó tìm nguồn hàng thích hợp. Căng thẳng nhất hiện nay là giá đường trên thị trường đã tăng lên 17.000 đồng- 18.000 đồng/kg, có nơi bán lẻ đến 19.000 đồng- 20.000 đồng/kg.
Công ty CP Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn (đơn vị tham gia bình ổn 2 mặt hàng dầu ăn và đường) mới chuẩn bị được hơn 50% kế hoạch do nguồn hàng không dồi dào, giá cả tăng cao. Đơn vị chỉ mua được 20% lượng đường RE trực tiếp từ nhà máy nên phải thu mua đường thô để gia công tại các nhà máy.
|