Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
"Trắng" bản quyền trong lĩnh vực nông nghiệp
21 | 07 | 2007
Ông Nguyễn Văn Bộ - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ NN&PTNT), Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết một thực tế đáng ngại: Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long là đơn vị cung ứng 70% thị phần lúa giống trong cả nước, nhưng tất cả đều không được bảo hộ về mặt bản quyền.
Đó một thực tế mà các nhà quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp biết từ lâu nhưng khó tìm cách giải quyết tình trạng "trắng" bản quyền.

Sản phẩm KH-CN nông nghiệp: Dễ "copy"

Theo ông Bộ, để "phân tích" tình trạng này, trước hết phải đánh giá trình độ phát triển của nền nông nghiệp, nhận thức của nông dân và đối tượng hưởng thụ sản phẩm khoa học đó thì mới nhận định chính xác về tình hình bảo hộ sản phẩm trong nông nghiệp ở nước ta hiện nay được. Đối tượng được hưởng lợi thành quả KH-CN trong nông nghiệp là nông dân, đó là những người nghèo, sản xuất nhỏ, manh mún. Với họ còn phải mời, rồi cho thêm tiền thì họ mới nghe thuyết trình về những công nghệ mới nên khó mà... đòi hỏi hơn.

Còn nguyên nhân thứ hai của tình trạng này là do sản phẩm KH-CN trong nông nghiệp rất dễ "copy". Có thể hình dung sản phẩm phổ biến nhất hiện nay tập trung ở các giống cây trồng, trong đó loại giống mà nông dân đang sử dụng đại trà là giống thuần mà họ có thể tự nhân giống được.

Một nguyên nhân tiếp theo có thể lấy một thí dụ cụ thể: Đó là hiện tượng các nhà KH trong quá trình khảo nghiệm, nếu họ đưa giống cho nhau chỉ bằng động tác thay tên đổi họ loại giống được khảo nghiệm, thì bản quyền lại thuộc về người khác.

Hiện nay, những giống lúa mà chúng ta đang sản xuất lại ra đời trước khi có các văn bản quy định về sở hữu trí tuệ được ban hành. Theo quy định bảo hộ giống cây trồng mới thì những giống đã được biết đến rộng rãi trong sản xuất không được quyền đăng ký, do đó vấn đề là phải đăng ký bảo hộ trước khi được thương mại hóa. Nhưng nó rất khó thực thi vì chưa có giám sát.

Bảo vệ quyền lợi bằng cách nào?

Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, có hàng loạt những văn bản liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ rất được quan tâm. Trước đây Chính phủ đã ban hành Nghị định về bảo hộ giống cây trồng và mới đây là Luật Sở hữu trí tuệ. Nhưng vấn đề là hệ thống giám sát việc thực thi thì chưa có. Cho đến nay, gần như chưa có tác giả giống nông nghiệp nào thu được tiền bản quyền, dù có đăng ký bảo hộ.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Bộ, muốn bảo đảm thực thi sở hữu trí tuệ trong nông nghiệp có hiệu quả, các nhà khoa học phải tạo ra được sản phẩm có khả năng bảo hộ cao, đặc biệt là các giống lai. Thứ hai là phải tổ chức lại sản xuất: Các hệ thống cung ứng giống và dịch vụ làm các đầu mối để mình ký hợp đồng và quan trọng hơn là phải nâng cao dân trí của người nông dân để họ hợp tác thực thi vấn đề bảo hộ đó. Thường mỗi loại giống theo quy định của quốc tế được bảo hộ trong 20 năm. Nhưng với nước ta, nếu làm tốt thì chỉ thu được năm đầu, mùa sau người dân đã có thể tự nhân giống.

Tình trạng "trắng" bản quyền ở một góc độ nào đó cũng bắt nguồn từ chính những người tạo ra sản phẩm. Do đó, theo ông Nguyễn Văn Bộ thì nhà khoa học buộc phải cảnh giác với nhau, những giống nào mà có triển vọng thì phải tự tổ chức khảo nghiệm lấy, phải khảo nghiệm tính đồng nhất, tính khác biệt của giống đó để khi đưa ra kịp thời phản biện những sản phẩm nhái của mình. Về phía cơ quan chức năng cũng phải tổ chức lại thành các nhóm khảo nghiệm, có tác giả trong những nhóm như thế để họ giám sát được việc này và có giống lưu lại  bảo đảm giống đấy là của ai, khó có thể thay tên đổi họ được.

Chuyện bản quyền trong nông nghiệp, xem ra không thể giải quyết trong một sớm một chiều...


(Nguồn: Nông thôn ngày nay)
Báo cáo phân tích thị trường