Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gỗ trái Luật Lacey có thể bị phạt đến 500.000 USD
25 | 08 | 2010
Việt Nam đã có tên trong 5 quốc gia hàng đầu trên thế giới về tăng diện tích rừng, 10 nước hàng đầu về xuất khẩu đồ gỗ trên thế giới.

Theo lộ trình thực hiện đạo luật Lacey - đạo luật nghiêm cấm nhập khẩu, bán hoặc kinh doanh gỗ và sản phẩm gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp vào Hoa Kỳ - từ tháng 9/2010 các công ty nhập khẩu lâm sản tại Hoa Kỳ sẽ yêu cầu các công ty cung cấp đảm bảo rằng sản phẩm của họ được sản xuất từ gỗ có nguồn gốc hợp pháp.
Ngày 23/8, tại Hà Nội, Mạng lưới kinh doanh lâm sản toàn cầu (GFTN), Mạng lưới kiểm soát buôn bán động thực vật hoang dã (TRAFFIC), Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức một chuỗi các cuộc hội thảo với các công ty cung cấp lâm sản ở Việt Nam để thảo luận các biện pháp chống buôn bán gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp.

TS. Hà Công Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, Việt Nam đã có tên trong 5 quốc gia hàng đầu trên thế giới về tăng diện tích rừng, 10 nước hàng đầu về xuất khẩu đồ gỗ trên thế giới. Hàng loạt các thay đổi về luật pháp, thể chế, chính sách phát triển lâm nghiệp của Việt Nam ngày càng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ông Francis Donovan, Giám đốc USAID ở Việt Nam nhận định, Việt Nam là một trung tâm sản xuất đồ gỗ lớn và vì thế đóng vai trò quan trọng trong dòng lưu chuyển lâm sản trên thế giới. Hợp tác trong công tác đấu tranh chống lại khai thác gỗ trái phép sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam có thể tiếp cận thị trường bằng cách tăng cung cấp lâm sản hợp pháp. Hoa Kỳ cam kết hợp tác với các công ty sản xuất ở Việt Nam trong việc cung cấp sản phẩm hợp pháp và bền vững để đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường quốc tế.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp.HCM cho biết, năm 1997 Chính phủ đã cấm xuất khẩu gỗ, nhưng chỉ sau đó vài năm lại mở cửa cho xuất khẩu gỗ và đề ra chiến lược đưa chế biến gỗ thành một ngành nghề hàng hóa xuất khẩu mũi nhọn.

Chỉ hơn 10 năm hình thành và phát triển một ngành kỹ nghệ đồ gỗ, theo số liệu của tổ chức FSC (Hội đồng quản trị rừng thế giới), đến nay cả nước đã có 191 nhà máy được chứng nhận FSC, dẫn đầu trong khu vực Đông Nam á. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật khác như: tiêu chuẩn CARB, REACh... Thử nghiệm sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn US, EU, JP. Tuy nhiên đến nay, việc triển khai đạo luật Lacey vẫn còn gặp phải muôn vàn khó khăn, trở ngại. Xuất khẩu gỗ có nguy cơ sẽ phải bơi trong bể giấy tờ pháp lý...

Theo lộ trình thực hiện đạo luật Lacey, từ tháng 5/2008 đến nay là thời gian để các DN xuất khẩu gỗ làm quen với đạo này và Chính phủ các nước liên quan nghiên cứu để đưa ra hệ thống quy chuẩn triển khai sao cho phù hợp với pháp luật của từng nước. Từ tháng 9/2010, các công ty nhập khẩu lâm sản tại Hoa Kỳ sẽ yêu cầu các công ty cung cấp đảm bảo rằng sản phẩm của họ được sản xuất từ gỗ có nguồn gốc hợp pháp và họ sẽ đòi hỏi một số giấy tờ kèm theo sản phẩm gỗ. Từ năm 2011, đạo luật Lacey sẽ được thực thi một cách toàn diện với đầy đủ các điều khoản theo quy định.

Ông Chen Hin Keong, Phụ trách Chương trình Thương mại Lâm sản toàn cầu của TRAFFIC nêu vấn đề, trong thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào Mỹ đã phải thực hiện việc khai báo nguồn gốc gỗ nguyên liệu trong sản phẩm, nhưng lộ trình mới chỉ yêu cầu các doanh nghiệp khai báo chứ chưa bắt buộc phải trình các giấy tờ liên quan.

Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp tưởng là thực hiện Lacey rất đơn giản nên họ tha hồ “bịa” ra số liệu để khai báo. Thậm chí, các cơ quan chức năng ở Mỹ đã phát hiện ra rất nhiều những khai báo rất vô lý, phản khoa học. Chẳng hạn có giấy tờ do UBND một xã cấp để chứng minh cho nguồn gốc gỗ của một doanh nghiệp ghi là: khối lượng gỗ 2.500 m3 được khai thác từ 7,5 ha rừng đã được cấp chứng chỉ FSC, trong khi, mỗi ha rừng không thể cho quá 70 m3 gỗ.

Một doanh nghiệp có thể chỉ mua một ít gỗ hợp pháp, nhưng xin chính quyền địa phương ghi khống số lượng gỗ lên nhiều lần, để họ sẽ dễ dàng hợp pháp hóa những nguồn gỗ khác chưa có giấy tờ. Thực tế, diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC tại mỗi địa phương ở Việt Nam đều được các cơ quan chức năng trên thế giới nắm rõ.

Sắp tới, mọi mắt xích trong chuỗi cung cấp sản phẩm đều sẽ được áp dụng các biện pháp kiểm soát phù hợp để loại gỗ lậu ra khỏi thị trường trên toàn cầu. Mọi giấy tờ cấp không chính xác, mọi sự khai báo không đúng đều sẽ bị lật tẩy.

Ông George White, Giám đốc của Mạng lưới Kinh doanh Lâm sản toàn cầu (GFTN) phát biểu: “Nếu bạn xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, bạn cần hiểu Đạo luật Lacey tác động đến khách hàng của bạn ở Hoa Kỳ như thế nào, ai sẽ phải chịu những chế tài xử phạt nặng, bị tịch thu hàng hóa hoặc bị bỏ tù nếu họ không thể chứng minh gỗ sử dụng trong sản phẩm họ nhập khẩu có nguồn gốc hợp pháp”. Nếu cố ý vi phạm đạo luật này, sẽ bị phạt tối đa tới 500 nghìn USD đối với doanh nghiệp, bị phạt tới 250 nghìn USD đối với cá nhân.

 
“Với lịch sử hoạt động lâu dài thúc đẩy quản lý rừng và kinh doanh lâm sản có trách nhiệm, GFTN đã giúp các nhà cung cấp Việt Nam hiểu về đạo luật quan trọng này, học hỏi từng bước cụ thể để chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp và quan trọng hơn cả là tìm kiếm nguồn nguyên liệu có trách nhiệm thông qua mua gỗ có chứng chỉ”, ông George White nói.



Theo Vneconomy
Báo cáo phân tích thị trường