Trước thực trạng thị trường đồ gỗ nội địa với doanh số ước tính khoảng 3 tỉ USD/năm đang dần rơi vào tay các doanh nghiệp (DN) ngoại, nhiều DN trong nước đã ít nhiều thức tỉnh. Một số DN đang cố gắng giành giật từng thị phần nhỏ bằng cách mở nhiều cửa hàng bán lẻ trong nước. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, các DN gỗ trong nước muốn giành lại thị phần là không hề đơn giản, nếu không có những chính sách hỗ trợ.
Chính sách thuế bất lợi
Một trong những vấn đề đang gây nhiều bức xúc cho các DN gỗ hiện nay là chính sách thuế đang có lợi cho đồ gỗ ngoại nhập. Trước đây, thuế nhập khẩu đồ gỗ từ 10% trở lên thì từ đầu năm 2009, mức thuế này đã giảm chỉ còn 0%-3%, tùy mặt hàng.
Đây là áp lực rất lớn đối với hàng nội địa cạnh tranh yếu thế trước áp lực hàng ngoại tràn về áp đảo (do hàng ngoại sản xuất công nghiệp, số lượng lớn nên giá thành hạ). Còn gỗ nguyên liệu từ rừng trồng trước đây cũng áp dụng mức thuế xuất khẩu hơn 10% nhưng hai năm qua giảm còn 0% nên một số DN nước ngoài thi nhau nhập khẩu làm cho giá gỗ nguyên liệu tăng cao, DN sản xuất gỗ trong nước mất đi lợi thế cạnh tranh ngay cả trên sân nhà.
Lợi dụng chính sách thuế, các DN nước ngoài đua nhau thu mua gỗ nguyên liệu từ VN về sản xuất rồi sau đó ồ ạt xuất thành phẩm ngược trở lại để hưởng chênh lệch cao...
Đồ gỗ Trung Quốc bày bán nhiều tại thị trường TPHCM. Ảnh: XUÂN THẢO
Trước thực trạng trên, Hội Chế biến Lâm sản Đồng Nai và Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa) đã nhiều lần kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu gỗ nguyên liệu cũng như tăng thuế nhập khẩu đồ gỗ thành phẩm để hạn chế tình trạng hàng ngoại tràn ngập thị trường nhưng đến nay vẫn chưa thấy các cơ quan chức năng có động tĩnh gì.
Nhiều DN sản xuất gỗ cho biết nếu tình trạng này còn kéo dài, không ít DN sản xuất đồ gỗ sẽ chết, chứ nói gì đến chuyện giành lại thị trường nội địa... Ông Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc Công ty Đồ gỗ Hiệp Long (Bình Dương), than: Thuế xuất khẩu gỗ nguyên liệu giảm còn 0% đã gây thiệt hại rất lớn cho DN vì giá gỗ liên tục tăng (gỗ rừng trồng từ mức 3,5 triệu- 4 triệu đồng/m3 lên trên 6 triệu đồng/m3) trong khi lợi nhuận của các DN gỗ thường chỉ khoảng 10%. Với mức tăng giá của gỗ nguyên liệu như hiện nay, DN càng sản xuất càng bị lỗ nặng.
Cần sự phối hợp
Ông Đặng Quốc Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Đồ gỗ Kim Bôi (TPHCM), bức xúc: Đồ gỗ của VN xuất khẩu sang các nước đang phải chịu mức thuế từ 10%-15%. Nước nhập khẩu còn đòi hỏi DN xuất khẩu sản phẩm gỗ phải chứng minh rõ được nguồn gốc nguyên liệu; sản phẩm gỗ phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe, trong đó có cả tiêu chuẩn về an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng (có giám định độc lập)... Trong khi đó, đồ gỗ nhập khẩu gần như cứ thoải mái tuồn vào thị trường VN.
Hawa sẽ lập trung tâm đồ gỗ Hawa cùng nhiều DN gỗ thành viên đang xúc tiến tìm kiếm mặt bằng nhằm đầu tư, xây dựng trung tâm đồ gỗ quy mô lớn tại TPHCM để các DN gỗ trưng bày sản phẩm thu hút khách hàng trong nước. Đồng thời xúc tiến hình thành sàn giao dịch đồ gỗ nội địa, cũng như nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng trong nước, kể cả xu hướng và thiết kế mới. Liên kết với các nhà sản xuất cũng như nhà phân phối để tạo dựng sản phẩm đồng bộ. |
Đồ gỗ nội đang thua ngay trên sân nhà ai cũng biết nhưng làm thế nào để chiếm lĩnh lại thị trường trong nước thì hầu hết các DN sản xuất đồ gỗ đều lắc đầu ngao ngán. Họ cho rằng làm hàng xuất khẩu “sướng” hơn, mẫu mã thì có người thiết kế sẵn, đơn hàng thì lớn (có khi hàng chục container). Còn làm hàng nội địa bán lẻ từng cái giá thành cao, không cạnh tranh được với hàng ngoại nhập dù chất lượng hơn hẳn.
Ông Điền Quang Hiệp, Giám đốc Công ty Đồ gỗ Minh Phát (TPHCM), cho biết DN trong nước rất muốn quay lại thị trường nội địa nhưng lực bất tòng tâm do phải đầu tư lớn cho hệ thống phân phối; phải điều tra lại thị trường, thị hiếu của từng đối tượng tiêu dùng, thiết kế mẫu riêng... Điều này rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hawa, cái khó hiện nay là DN sản xuất rất yếu trong khâu phân phối. Do đó cần có những DN chuyên phân phối mặt hàng đồ gỗ vào cuộc để liên kết với các nhà sản xuất tạo ra sản phẩm đồng bộ cũng như đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng. Nhà phân phối đặt hàng với các nhà sản xuất để tập hợp đa dạng và phong phú mẫu mã. Khi đó các nhà sản xuất sẽ có đơn hàng lớn với giá thành thấp mới hy vọng cạnh tranh được với hàng ngoại nhập.