Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tạm trữ 1 triệu tấn gạo
11 | 02 | 2011
Nhằm giữ giá lúa gạo trong nước ở mức có lợi cho nông dân, Hiệp hội Lương thực VN (VFA) vừa chỉ đạo các thành viên mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân (tương đương 2 triệu tấn lúa) kể từ ngày 1-3.

Ông Trương Thanh Phong, chủ tịch VFA, khuyến cáo các doanh nghiệp không nên vội xuất khẩu gạo giá thấp vì phân tích cung cầu cho thấy giá gạo sẽ đứng ở mức cao như hiện tại, hoặc tăng lên trong các tháng cuối năm nếu thời tiết tiếp tục bất lợi ở nhiều nơi.

Áp lực giảm giá xuất khẩu

Trong cuộc họp đánh giá tình hình tiêu thụ lúa gạo vụ đông xuân tổ chức ngày 10-2 tại TP.HCM, VFA nhận định tình hình xuất khẩu gạo hiện tại của VN đang gặp khó do giá xuất khẩu giảm, nhiều hợp đồng tập trung vẫn chưa thể ký kết. So với thời điểm này năm ngoái, VN đã trúng thầu 1,5 triệu tấn gạo của Philippines trong khi đến nay thị trường này vẫn án binh bất động. Lợi dụng thông tin trên, các doanh nhân nước ngoài tìm cách ép giá gạo xuất khẩu của VN. Hiện giá gạo 5% tấm của VN được khách hàng nước ngoài chào ở mức 440 USD/tấn, trong khi gạo 25% tấm chỉ ở mức 390 USD/tấn.

Trước khó khăn trên, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo đề nghị VFA giảm giá sàn xuất khẩu gạo, đồng thời điều hành theo phương thức linh hoạt nhằm tìm đầu ra cho lượng gạo hàng hóa vụ đông xuân đang chuẩn bị thu hoạch.

Giá lúa gạo tăng nhẹ

Sau tết, các doanh nghiệp xuất khẩu đã đẩy mạnh mua gạo nên giá lúa gạo ngày 10-2 có tăng nhẹ trung bình 100 đồng/kg so với những ngày tết. Ông Nguyễn Văn Đôn, giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), cho biết doanh nghiệp của ông đang mua gạo lứt với giá 7.200-7.300 đồng/kg và có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu.

Cùng ngày, thương lái tại huyện Tân Thạnh (Long An) mua lúa của nông dân đang thu hoạch với giá 4.400 đồng/kg (lúa tươi), 5.200-5.300 đồng/kg (lúa khô). Theo VFA, một số tỉnh đã thu hoạch lúa đông xuân sớm với diện tích khoảng 250.000ha, năng suất 6,3-6,5 tấn/ha. Vụ đông xuân năm nay, ĐBSCL xuống giống 1,546 triệu ha, lượng gạo hàng hóa khoảng 3 triệu tấn. v.tr.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khác cho rằng giảm giá sàn quá nhiều sẽ ngay lập tức làm giảm giá lúa gạo trong nước. Ông Phạm Thái Bình, giám đốc Công ty TNHH Trung An (Cần Thơ), cho rằng đây chỉ là chiêu bài của các khách hàng nước ngoài để ép giá gạo VN. “Chỉ cần một hợp đồng vài ngàn tấn ký với giá thấp thì nước ngoài sẽ theo đó giảm giá hàng triệu tấn gạo còn lại của cả nước” - ông Bình khẳng định. Ông Bình đề nghị các doanh nghiệp trong nước phải chủ động trong xuất khẩu chứ không thể cứ bị động như các năm trước, dẫn đến thiệt hại cho cả công ty lẫn người dân.

Đồng tình quan điểm này, ông Cao Minh Lãm, giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu An Giang, cho rằng các thương nhân nước ngoài chỉ dựa vào việc VN chưa ký được hợp đồng với Philippines để ép giá, nhưng cân đối cung cầu gạo của toàn thế giới thì kể cả năm nay không có Philippines cũng không thừa gạo. Hơn nữa, thế giới đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng lương thực như năm 2008 thì không có lý do gì VN lo không bán được gạo.

Tạm trữ để chủ động điều tiết thị trường

Theo ông Phong, dù chưa ký được hợp đồng với Philippines nhưng lại được bổ sung bằng hợp đồng với Indonesia và Bangladesh từ cuối năm 2010 đến nay (khoảng 1,3 triệu tấn). Về dài hạn, Philippines buộc phải mua gạo trong năm nay với số lượng tối thiểu 1,5 triệu tấn và mua ở VN là chính vì giá cả thuận lợi.

Việc Indonesia mua 820.000 tấn gạo của Thái Lan cũng chưa có quyết định cuối cùng, hơn nữa họ yêu cầu giao hàng ngay trong tháng 2 nên VN không thể đáp ứng được về bốc xếp. Nước này sẽ tiếp tục phải nhập khẩu nhiều gạo hơn vào tháng 6, 7 năm nay. “Nhu cầu gạo thật sự sẽ có và nguồn cung không thừa. Giá gạo xuất khẩu có khả năng không giảm mà còn tăng nếu thời tiết một số nước tiếp tục bất lợi” - ông Phong nói.

Dù vậy, theo VFA, việc chưa ký được hợp đồng với Philippines đã ảnh hưởng đến giá gạo VN do tâm lý đầu cơ giá xuống. Hiện số lượng hợp đồng đã ký chỉ còn giao hàng trong quý 1, còn quý 2 hầu như không có gây áp lực đầu ra cho tiêu thụ lúa đông xuân. Các khách hàng nước ngoài còn đợi để gây sức ép cho VN phải bán giá rẻ. Do đó chiến lược tốt nhất để giữ giá trong nước ở mức cao, đồng thời điều tiết các hợp đồng xuất khẩu chính là mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân. Vì vậy VFA chỉ đạo các thành viên mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa) sẽ được bắt đầu từ ngày 1-3 và kết thúc vào ngày 15-4, thời điểm thu hoạch rộ lúa đông xuân tại ĐBSCL.

Các doanh nghiệp sẽ mua theo giá thị trường nhưng không thấp hơn 5.000 đồng/kg (lúa khô đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, giao tại kho doanh nghiệp). Sẽ có khoảng 60 doanh nghiệp (tối đa 65 doanh nghiệp) tham gia mua tạm trữ đợt này (năm 2010 số doanh nghiệp mua tạm trữ là 49), thời gian tạm trữ lúa sẽ kéo dài khoảng ba tháng. VFA cho biết họ chưa kiến nghị Chính phủ hỗ trợ lãi suất mua tạm trữ, nhưng đề nghị có chính sách từ ngân hàng về vốn để các doanh nghiệp thực hiện tạm trữ.

Nhiều nước tăng cường mua gạo

Trước dự báo giá lương thực thế giới sẽ tiếp tục tăng cao, các quốc gia châu Á đang tìm cách mua thêm gạo để tích trữ do quan ngại tình trạng lạm phát, bảo vệ mậu dịch và bất ổn xã hội sẽ gia tăng.

Ngày 9-2, Chính phủ Indonesia đã nhóm họp để thảo luận tình hình an ninh lương thực. Bộ trưởng Kinh tế Hatta Rajasa đề nghị nội các chấp thuận cho ký các hợp đồng nhập khẩu để nâng mức gạo dự trữ lên tới 2 triệu tấn so với mức 1,5 triệu tấn hiện nay, tức nâng lượng gạo dự trữ lên hơn 1/3. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy chính quyền Indonesia lo ngại giá thực phẩm tăng cao và nguồn cung ngày càng giảm sút. Tháng 1-2011, Indonesia cũng khiến thị trường quốc tế ngạc nhiên khi mua gần gấp năm lần số gạo dự kiến trước đó và tạm ngưng đánh thuế nhập khẩu lương thực. Trong khi đó, chính quyền Bangladesh đặt mua 200.000 tấn gạo của Thái Lan.

Tại Trung Quốc, Quốc vụ viện ngày 9-2 đã thông qua quyết định tăng giá mua lương thực từ nông dân lên mức tối thiểu 21,9% đối với các loại lúa và lúa mì nhằm đẩy mạnh sản lượng lương thực của nước này.

Tân Hoa xã cho biết mục đích của việc tăng giá mua nhằm khuyến khích nông dân trồng thêm và tăng năng suất cây lương thực trong bối cảnh vùng nguyên liệu lúa mì ở miền bắc nước này đang rơi vào tình trạng hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 60 năm qua. Quốc vụ viện Trung Quốc đã phê chuẩn tăng giá mua loại lúa japonica lên 128 nhân dân tệ (19,4 USD)/50kg, tăng lần lượt 102 nhân dân tệ và 107 nhân dân tệ/50kg lúa loại indica.

“Tình hình lương thực của Trung Quốc quyết định phần còn lại của thế giới nếu họ bị buộc phải bỏ thị trường thế giới để đảm bảo nguồn cung tương đối trong nước, điều này sẽ gây biến động mạnh trên thị trường lúa gạo thế giới” - báo New York Times trích lời ông Robert S. Zeigler, tổng giám đốc Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế, nhận định.



Theo tuoitre.vn
Báo cáo phân tích thị trường