Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu điều: lung lay nền tảng
17 | 02 | 2011
Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ để giành vị trí số 1 trong “làng xuất khẩu điều thế giới” với khối lượng đạt 126.800 tấn, chiếm 37,3% thị trường thế giới.

Công bằng mà nói dù không được coi trọng đúng mức nhưng hạt điều nhân xuất khẩu lại chính là mặt hàng Việt Nam thành công nhất trong xuất khẩu trong hơn hai thập kỷ qua. Tuy vậy việc tạo nền tảng để giữ vững thành tựu này vẫn còn khiếm khuyết.

Kỳ tích có một không hai

Trước hết, cho dù có “mỏi mắt” tìm số liệu thống kê chính thức cũng không ai có thể biết diện tích và sản lượng điều từ năm 1991 trở về trước là bao nhiêu, còn theo Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), năm 1961 Việt Nam mới có 1.000 héc ta điều với sản lượng là 700 tấn. Phải tới 25 năm sau, khối lượng điều nhân xuất khẩu mới tăng lên 1.300 tấn, đạt trên 5 triệu đô la Mỹ. Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường thế giới với tư cách quốc gia xuất khẩu loại nông sản hiếm và rất đắt giá này.

Thế nhưng, như các số liệu thống kê của FAO và Việt Nam cho thấy đây là mặt hàng xuất khẩu, có lẽ là duy nhất, mà Việt Nam vừa có những bước tiến ngoạn mục vừa về lượng, vừa về giá.

Trước hết, từ 1.300 tấn, chỉ chiếm 1,7% tổng khối lượng điều xuất khẩu của thế giới năm 1986, phải mất tròn một thập kỷ Việt Nam mới gần chạm ngưỡng 20.000 tấn, chiếm 14,5% tổng khối lượng và giành vị trí quốc gia xuất khẩu điều thứ ba thế giới năm 1995 (sau Ấn Độ và Brazil). Nhưng chỉ năm năm sau, khối lượng xuất khẩu đã tăng lên 34.200 tấn, chiếm 22,2% (năm 2000), vượt qua Brazil để giành vị trí thứ hai.

Và cũng chỉ mất sáu năm, đến năm 2006, Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ để giành vị trí số 1 trong “làng xuất khẩu điều thế giới” với khối lượng đạt 126.800 tấn, chiếm 37,3% thị trường thế giới, Như vậy, tính bình quân từ đó đến nay, Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng 26,7%/năm, cao gấp 3,3 lần nhịp độ tăng trưởng bình quân 7,9%/năm của thế giới nói chung và càng cao hơn so với 5,4%/năm của Ấn Độ và 2,3%/năm của Brazil. Không những vậy, thành công về giá xuất khẩu loại hàng này càng đáng được phân tích. Các số liệu thống kê cho thấy, trong 23 năm qua, Việt Nam đã xuất khẩu được trên 1 triệu tấn điều ra thị trường thế giới với giá bình quân 4.351 đô la Mỹ/tấn, cao hơn giá bình quân của thế giới 26 đô la/tấn.

Tuy mức giá này vẫn thấp nhất trong nhóm “tứ đại gia” (giá bình quân của Brazil đạt 4.381 đô la/tấn; của Ấn Độ 4.867 đô la/tấn và của Hà Lan là 5.039 đô la/tấn), nhưng đó vẫn là thành công ngoạn mục của Việt Nam. Sở dĩ như vậy là vì trong vòng hơn 20 năm, Việt Nam rơi vào hai trạng thái bất lợi về giá hoàn toàn trái ngược nhau.

Đó là, những năm đầu gia nhập “làng xuất khẩu điều thế giới”, với “rổ hàng xuất khẩu” còn hết sức khiêm tốn, lại “lạ nước lạ cái” trên thị trường, việc bán hàng với giá “mềm” hơn hẳn các “đại gia” là điều đương nhiên. Thế nhưng, khi đã “bén duyên” trên thị trường này, khối lượng xuất khẩu tăng rất mạnh qua từng năm thì nó cũng đồng nghĩa với áp lực giảm giá càng lớn.

“Ngày vui ngắn chẳng tày gang”?

Mặc dù tăng tốc xuất khẩu ngoạn mục và cũng được giá như vậy, nhưng vị thế của cây điều trong các loại cây trồng của Việt Nam lại đang bị lung lay. Trước hết, các số liệu thống kê của Việt Nam cho thấy cho dù đạt được nhịp độ tăng bình quân xấp xỉ 10%/năm trong 17 năm qua, đứng thứ ba về nhịp độ tăng trong số sáu loại cây công nghiệp lâu năm (gồm: cao su, cà phê, dừa, chè, điều và hồ tiêu), nhưng tỷ trọng của cây điều trong tổng diện tích cây công nghiệp lâu năm đã từ 24,1% năm 2006 giảm chỉ còn 20,6% năm 2009. Về số tuyệt đối thì giảm từ kỷ lục 440.000 héc ta xuống chỉ còn 398.000, tức là mất 42.000 héc ta.

Đây chính là nguyên nhân quan trọng hàng đầu khiến cho ngành công nghiệp chế biến điều vốn là niềm tự hào của Việt Nam những năm gần đây lâm vào tình trạng thiếu nguyên liệu.

Dù năng suất điều đã tăng bình quân 5,4%/năm trong 17 năm qua, nhưng do diện tích giảm như nói trên, nên sản lượng điều thô trong cùng kỳ chỉ tăng bình quân gần 16%/năm, trong khi nhịp độ tăng xuất khẩu điều nhân của Việt Nam lên đến 18,2%/năm trong cùng thời gian. Điều này có nghĩa là, trong những năm gần đây khối lượng điều thô nhập khẩu để chế biến ngày càng lớn.

Khởi điểm thiếu điều thô cho công nghiệp chế biến có nhiều khả năng là năm 2005. Và khối lượng bị thiếu trong hai năm 2006 và 2007 cũng chỉ mới khoảng trên 10.000 tấn, nhưng năm 2008 đã tăng vọt lên hơn 60.000 tấn, năm 2009 là trên 70.000 tấn, năm 2010 lập kỷ lục với 194.000 tấn và được bù đắp bằng điều nhập khẩu. Các con số nói trên cũng chưa có dấu hiệu dừng lại.

Có thể khẳng định rằng, dù có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất khiến cây điều thất thế so với các cây công nghiệp lâu năm khác nói riêng và cây trồng nói chung của Việt Nam là do năng suất điều của nước ta vẫn còn quá thấp.Các số liệu thống kê của nước ta và FAO cho thấy, trong 17 năm gần đây, năng suất điều của nước ta tăng bình quân 5,4%/năm và với nhịp độ tăng như vậy thì có lẽ phải mất khoảng ba thập kỷ nữa năng suất điều của Việt Nam mới theo kịp năng suất điều bình quân của thế giới.

Trong khi đó, một tính toán đơn giản sau đây cũng đủ cho thấy việc nông dân Việt Nam ruồng bỏ cây điều để chạy theo các loại cây trồng khác là điều hoàn toàn dễ hiểu.Đó là, nếu chia đều tổng kim ngạch xuất khẩu ở thời điểm năm 1992 cho mỗi héc ta diện tích bốn loại cây công nghiệp lâu năm chủ yếu được trồng tại các vùng đất trù phú của Tây Nguyên và Đông Nam bộ thì cây tiêu đạt kỷ lục 2.391 đô la Mỹ, cây cà phê về nhì với 832 đô la Mỹ, cây điều đứng áp chót với 523 đô la Mỹ và cây cao su “đội sổ” với 315 đô la Mỹ. Còn ở thời điểm cây điều đạt kỷ lục năm 2007 thì chính nó lại ở vị trí “đội sổ” vì chỉ tăng được 964 đô la Mỹ, trong khi cây cao su cũng tăng được 2.189 đô la Mỹ, còn cà phê tăng được 2.871 đô la Mỹ và cây tiêu tăng kỷ lục 3.209 đô la Mỹ.

Tất cả những điều nói trên cho thấy, cho dù điều nhân là thứ nông sản đắt tựa vàng trên thị trường thế giới, nhưng nếu không có những giải pháp đủ mạnh, diện tích điều không những thiếu hụt so với năng lực chế biến như hiện nay, mà sẽ tiếp tục “co lại” nhanh hơn. Như vậy ngành công nghiệp chế biến điều của Việt Nam sẽ phải tiếp tục tăng nhập khẩu điều thô và một khi điều này không thể tiếp tục, công nghiệp chế biến điều tất yếu cũng lập tức phải “co lại” và vị trí cường quốc xuất khẩu điều số 1 của Việt Nam cũng sẽ chấm dứt.



Theo TBKTSG
Báo cáo phân tích thị trường