Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nguồn cung eo hẹp giúp giữ giá hạt tiêu thế giới
13 | 06 | 2011
Giá hạt tiêu tương lai giao dịch tại Ấn Độ có thể trở thành tham chiếu khuynh hướng giá hạt tiêu thế giới do tất cả các nước cung cấp hạt tiêu lớn đều theo dõi sát sao diễn biến thị trường hạt tiêu Ấn Độ và thường đặt giá thấp hơn một chút so với giá hạt tiêu của các nhà chào bán Ấn Độ, sau khi đã xem xét nhu cầu thế giới.

Giá hạt tiêu loại Asta sản xuất tại Việt Nam, Indonesia và Brazil đang được chào bán ở mức giá CF 6.000 USD/tấn những ngày gần đây. Cùng với diễn biến giá hạt tiêu tại Ấn Độ, giá hạt tiêu chào bán từ Việt Nam cũng đang giữ giá.

Sức mạnh thị trường của các nhà cung cấp lớn đang giữ giá hạt tiêu dao động ở mức cao và duy trì khuynh hướng giá lên trên thị trường trong tuần vừa qua. Đồng thời, trên thị trường nội địa án Độ, giá hạt tiêu của Karnataka đang chào bán ở mức 260 – 265 Rs/kg, giá giao dịch áp dụng ở tất cả các điểm giao hàng nội địa.

Trong khi đó, những người trồng tiêu tại Kerala cũng đang chào bán với giá 270 -275 Rs/kg cho các nhà đầu tư ký gửi tại kho. Nhưng những người bán ở mức giá cao hơn đang lưỡng lự với mức giá khoảng 280 Rs/kg. Đồng thời, những nhà giao dịch trên thị trường quan tâm tới các đơn hàng khối lượng lớn với đa dạng chủng loại hạt tiêu ở các mức giá khác nhau. Để đáp ứng mức giá chào, một vài người bán tiêu Idukki ở các mức giá cao đang mua tiêu Kodagu, để trộn theo tỷ lệ nhất định trước khi tung ra thị trường.

Diễn biến dự trữ

Mặc dù vậy, hiện những nhà giao dịch trên thị trường cho biết kho dự trữ tiêu vẫn trong tình trạng thiếu hụt do ngày càng nhiều nhà giao dịch tham gia thị trường và chế biến tiêu thô, rồi gửi kho với mức phí 9 Rs/kg. Những người bán cũng thực hiện chốt lời khi giá tăng cao. Ngược lại, các nhà giao dịch tiếp tục mua ngay cả trong những tháng mùa mưa tới. Những yếu tố này sẽ giúp duy trì giá tiêu trong thời gian tới.

Giá giao dịch tiêu trong tuần kết thúc vào ngày 12/6 tăng đều ở các chủng loại. Giá tiêu giao tháng 6, 7, 8 lần lượt tăng 1.059 Rs, 1.311 Rs và 1.189 Rs, lên mức 30.249 Rs, 30.135 Rs và 30.018/quintal.

Giá tiêu giao ngay cũng tăng 700 Rs, lên mức 27.800 Rs/quintal (chưa phân loại) và 28.600 Rs/quintal (MG1) trong phiên giao dịch ngày 11/6.

Tương đương giá nội địa Ấn Độ trên thị trường thế giới chạm mốc giá CF 7.000 USD/tấn. Việt Nam cũng đang chào mức giá 5.600 USD/tấn.

Khuynh hướng tại các nước sản xuất khác

Theo Cộng đồng các nhà sản xuất hạt tiêu quốc tế (IPC), tại một số nước sản xuất khác, giá hạt tiêu cũng tăng nhưng giao dịch rất hạn chế do nguồn dự trữ căng thẳng tại một số nước sản xuất lớn như Ấn Độ và Lampung, Indonesia.

Tại Lampung, giá tiêu giao dịch tại địa phương tăng 2.000 IDR/kg, lên 44.000 IDR/kg. Tuy vậy, hoạt động giao dịch tại đây khá im ắng  do những nhà giao dịch đang tích cực dự trữ. Mùa thu hoạch vào tháng 7-8 sẽ mang tới cho thị trường một nguồn cung bổ sung.

Tại Việt Nam, giá giao dịch tại TP.HCM giảm 3%, xuống mức giá FOB 5.250 USD/tấn cho loại 500g/l và 5.750 USD/tấn cho loại 550g/l.

Tại Sarawak, Malaysia, giá tiêu nội địa giảm nhẹ, trong khi giá FOB giữ ổn dịnh. Tại Sri Lanka, giá hat tiêu tại các vùng trồng tập trung tăng 1%.

Tại Brazil, thị trường khá trầm lắng. Dự trữ tiêu tại Brazil vẫn trong tình trạng căng thẳng và các nhà xuất khẩu không muốn gánh rủi ro khi đặt các giao dịch tương lai ngắn hạn.

Diễn biến thị trường hạt tiêu trắng

Tại Bangka và Việt Nam, giá hạt tiêu trắng giữ ổn định; trong khi đó, giá mặt hàng này tại Sarawak giảm nhẹ.

Xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam

Trong năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 116.500 tấn, so với mức 134.300 tấn vào năm 2009; trong đó, 80% là tiêu đen và 20% còn lại là tiêu trắng. Kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong năm 2011 dự đoán sẽ thấp hơn năm 2010.

Tính đến hết tháng 5/2011, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 50 ngàn tấn, giảm 9 ngàn tấn so với cùng kỳ năm 2010. Mỹ và Đức là hai thị trường chính của các nhà xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam. Kế tiếp là Hà Lan, các Tiểu vương quốc Ả Rập và Ai Cập.

Kim Dung AGROINFO

Theo The Hindu Business Line



Báo cáo phân tích thị trường