Sau nhiều năm trì trệ, giá hạt tiêu thế giới bắt đầu tăng từ đầu tháng 7/2006, đặc biệt mạnh trong tháng 9/2006 do nhu cầu tăng, đặc biệt là hạt tiêu chất lượng cao, trong khi nguồn cung trên thị trường quốc tế khan hiếm. Giá tiếp tục tăng tới tháng 10/2006 và chỉ giảm nhẹ vào 2 tháng cuối năm, sau đó lại bắt đầu tăng trở lại. Bắt đầu từ tháng 10, giá giảm dần, song cũng vẫn ở mức cao.
Sản lượng hạt tiêu thế giới năm 2007 ước giảm 25-30% so với năm trước, xuống 272.000 tấn, so với 289.230 tấn năm 2006, do nguồn cung giảm tại các nước sản xuất lớn. Nguồn cung hạt tiêu thế giới năm 2007 ước đạt 329.000 tấn, trong khi nhu cầu lên tới 376.500 tấn, tức là thiếu 47.500 tấn.
Xuất khẩu khẩu hạt tiêu thế giới năm 2007 ước đạt 201.700 tấn, so với 245.741 tấn năm 2006, do sản lượng giảm. Trong suốt mấy tháng đầu năm, trên thị trường hạt tiêu thế giới chỉ có Việt Nam còn hàng dự trữ. Sản lượng của Ấn Độ hầu như chỉ tiêu thụ trên thị trường nội địa.
Việt Nam - nước xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 33% tổng cung hạt tiêu toàn cầu năm 2007. Khối lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt nam năm 2007 ước giảm 14% so với năm 2006 do nguồn cung eo hẹp bởi thời tiết không thuận lợi, tuy nhiên trị giá lại tăng 73%. Giá hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam trung bình năm 2007 là 3.760 USD/tấn, so với chỉ 1.540 USD/tấn của năm trước. Việt nam vẫn giữ vị trí nước xuất khẩu hạt tiêu số 1 thế giới với 50% thị phần toàn cầu. Đứng thứ 2 là Braxin với 15% và Indonexia 13%. Việt Nam và Indonexia chủ yếu xuất khẩu hạt tiêu sang các nước châu Âu và Mỹ. Sản lượng hạt tiêu Braxin năm 2007 chỉ đạt 36.000 tấn, trong khi của Việt nam chỉ đạt khoảng 90.000 tấn, giảm mạnh so với 100.000 tấn của năm 2006, do thời tiết bất lợi và sâu bệnh. Ở Indonexia, với sản lượng khoảng 25.000 tấn, nguồn cung năm 2007 đạt 35.000 tấn, tăng 17% so với 30.000 tấn năm 2006, nhưng chủ yếu do lượng tồn kho chuyển sang từ năm trước lớn chứ không phải năng suất tăng. Sản lượng hạt tiêu Ấn Độ năm 2007 chỉ khoảng 45.000-50.000 tấn. Cộng với lượng dự trữ gối vụ 20.000 tấn và lượng nhập khẩu khoảng 15.000 tấn, tổng cung tiêu năm 2007 chỉ vào khoảng 72.000 tấn. Tiêu thụ nội địa ước khoảng gần 60.000 tấn, vậy là sau khi xuất khẩu khoảng 12.000 tấn thì lượng dự trữ cuối vụ giảm xuống chỉ 10.000 tấn. Trong khi sản lượng suy giảm như vậy thì tiêu thụ từ ngành chế biến lại liên tục tăng, nhất là từ Trung Quốc, Nga và Ấn Độ.
Dự báo giá hạt tiêu thế giới năm 2008 sẽ tiếp tục vững ở mức cao do nguồn cung khan hiếm sau khi sản lượng của nhiều nước sản xuất lớn giảm. Thị trường hạt tiêu thế giới 2008 sẽ thiếu khoảng 55.000 tấn.
Tổ chức hạt tiêu Quốc tế (IPC) dự báo sản lượng hạt tiêu thế giới năm 2008 sẽ giảm xuống 262.400 tấn, so với 272.040 tấn năm 2007, chủ yếu do sản lượng giảm ở Ấn Độ, Braxin, Indonexia và Việt Nam. và dự báo sẽ đạt 190.800 tấn năm 2008. Xuất khẩu hạt tiêu thế giới năm 2008 dự báo sẽ chỉ đạt 190.800 tấn, trong khi nhu cầu sẽ lên tới 245.000 tấn, tức là khoảng cách cung - cầu năm 2008 sẽ lên tới khoảng 55.000 tấn. Kết quả là dự trữ hạt tiêu cuối vụ sẽ giảm xuống 61.719 tấn vào năm 2008, so với 73.404 tấn năm 2007 và 88.384 tấn năm 2006.
Sản lượng hạt tiêu Ấn Độ năm 2008 dự báo sẽ chỉ đạt bằng hoặc thấp hơn năm 2007, vào khoảng 40.000 50.000 tấn. Tiêu thụ nội địa ở Ấn Độ năm 2007 ước đạt 55.000 tấn, và sẽ giảm 10.000 tấn xuống 45.000 tấn vào 2008, bởi giá tăng làm hạn chế tiêu dùng. Giá hạt tiêu Ấn Độ cao hơn so với các xuất xứ khác trong bối cảnh đồng Rupi cao giá so với USD đang và sẽ tiếp tục kích thích hoạt động nhập khẩu hạt tiêu chất lượng thấp và giá rẻ ở các xuất xứ khác vào thị trường Ấn Độ. Sản lượng hạt tiêu Braxin năm 2008 được dự báo là 33.000 tấn, so với 36.000 tấn năm 2007, trong khi của Indonexia sẽ đạt 15- 20.000 tấn, so với 25.000 tấn của năm 2007. Sản lượng hạt tiêu Việt Nam năm 2008 dự báo sẽ giảm 10.000 tấn so với mức 90.000 tấn của năm 2007, xuống 80.000 tấn. Năm 2006, Việt nam sản xuất 100.000 tấn hạt tiêu. Sản lượng của Malaysia năm 2008 dự báo đạt 23.000 tấn, so với 20.000 tấn năm 2007, trong khi của Sri Lanka sẽ tăng mạnh lên 14.900 tấn, so với 14.640 tấn năm 2007.