Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu hồ tiêu: Cờ đã đến tay, "phất" thế nào?
25 | 01 | 2008
- Tổ chức Hồ tiêu Thế giới (IPC) đã đưa ra nhận định, năm 2008, Việt Nam sẽ tiếp tục "dẫn dắt" thị trường hồ tiêu thế giới. Đây chính là cơ hội để chúng ta nâng cao vị thế của ngành. "Cờ đã đến tay" nhưng quan trọng là "phất" thế nào?

Hơn 50% thị phần thế giới là của Việt Nam

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), với hơn 100.000 tấn hạt tiêu cung cấp cho thị trường, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu hạt tiêu số 1 thế giới, chiếm hơn 50% thị phần mặt hàng này trên toàn cầu. Sở dĩ hạt tiêu nước ta có ảnh hưởng lớn đối với giá hạt tiêu toàn cầu vì nguồn cung ở nhiều nước sản xuất lớn đang giảm dần như Ấn Độ, Brazil và Indonesia. Sản lượng hạt tiêu thế giới được dự báo sẽ tiếp tục giảm 15 - 20% do diện tích hồ tiêu đang bị thu hẹp cộng với thời tiết bất lợi và dịch bệnh lan rộng tại nhiều nước xuất khẩu lớn. Trong tình hình như vậy, giá hạt tiêu Việt Nam xuất khẩu liên tục tăng cao trong vài tháng trở lại đây. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam dự báo, giá hạt tiêu xuất khẩu sẽ tiếp tục cao và có thể lên đến trên 5.000 USD/tấn. “Nguồn cung hạt tiêu đen năm 2008 chắc chắn sẽ giảm do sản lượng ở các nước Ấn Độ, Brazil và Việt Nam đều có xu hướng giảm” - Tổ chức Hạt tiêu Thế giới khẳng định. Tại Ấn Độ, niên vụ 2007- 2008 dự kiến sẽ bị chậm lại vì mưa nhiều và kéo dài ở những khu vực trồng tiêu. Sản lượng dự báo sẽ giảm 15-20%, sản lượng của Việt Nam dự kiến cũng sẽ giảm 10-15%, xuống 85.000-90.000 tấn so với mức 100.000 tấn năm trước. Theo báo cáo mới nhất, sản lượng của Brazil sẽ chỉ đạt 30.000 - 35.000 tấn, giảm so với mức dự báo 40.000 - 45.000 tấn. Ngoài ra, tại Ấn Độ, phần lớn hạt tiêu dự trữ đã và đang được đem ra sử dụng nên nguồn dự trữ năm 2007 cạn kiệt, ảnh hưởng tới tổng cung vào năm 2008.

Sự sụt giảm sản lượng của các quốc gia dẫn đầu về hạt tiêu chắc chắn sẽ tác động mạnh tới thị trường thế giới. Theo các chuyên gia của IPC, sản lượng tiêu thụ hạt tiêu thế giới ước tăng 3,46% mỗi năm nhưng hầu hết lượng dự trữ của các nước sản xuất đã được bán ra khi giá tăng cao trong hai tháng qua. Những yếu tố này sẽ là cơ sở để giá hạt tiêu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Có thể thấy, đây là những tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp và người trồng tiêu nước ta. Các chuyên gia khẳng định, người trồng tiêu Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu đang nắm trong tay thời cơ "vàng" nhưng để tận dụng và khai thác tối đa cơ hội này, các doanh nghiệp cần phối hợp với người nông dân để chủ động dự trữ và chọn thời điểm tốt nhất để bán ra thị trường.

“Bán cái khách hàng cần chứ đừng bán thứ chúng ta có”

Theo ước tính của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu năm nay sẽ đạt 310 triệu USD. Hiện, dự trữ hồ tiêu xuất khẩu còn đang rất dồi dào. Vì vậy, sẽ không có tình trạng cháy hàng như một số mặt hàng xuất khẩu khác. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho rằng, chúng ta đang giữ vai trò quan trọng trên thị trường hồ tiêu thế giới nhưng các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu vẫn chưa biết làm ăn theo đúng quy luật kinh doanh, đó là “bán cái khách hàng cần” chứ không bán những gì chúng ta có. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, thương hiệu của cây tiêu Việt Nam còn mờ nhạt trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, với việc nắm giữ hơn một nửa thị phần xuất khẩu, chiếm lĩnh gần như toàn bộ thị trường Tây Á và châu Phi, tính ổn định tại các thị trường rất cao... thì chúng ta có thể nhìn nhận rằng, cây tiêu Việt Nam đã và đang xây dựng được thương hiệu của mình trong mắt người tiêu dùng và bạn hàng quốc tế.

Vấn đề tồn tại của ngành hồ tiêu hiện nay là tính ổn định trong chất lượng sản phẩm và việc đầu tư để tăng cường chất lượng còn chưa thỏa đáng. Trong khi đó, mối liên kết giữa DN và nông dân còn yếu và lỏng lẻo. Với giá tiêu cao như hiện nay, nông dân gặp thuận lợi nhưng các DN lại phải đau đầu về giá cả. Một vấn đề nữa là khi hạt tiêu mất giá, nông dân đua nhau phá bỏ, còn khi được giá, lại đổ xô trồng, mở rộng diện tích. Vì vậy, rủi ro là điều không thể tránh khỏi. Để hạn chế những điều này, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo và khuyến cáo nông dân, chỉ nên giữ diện tích hồ tiêu vào khoảng 50.000ha.



Nguồn: chebien.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường