Cụ thể, chiều hướng giảm giá sẽ bắt đầu từ khoảng nửa cuối tháng 7, xu hướng giảm mạnh và giữ giá sẽ tiếp tục trong tháng 8, 9, 10 và sẽ tăng nhẹ trong các tháng cuối năm, nhất là thịt heo hơi. Cơ sở để đưa ra dự báo này là do nguồn cung thực phẩm đang được cải thiện. Trong sáu tháng đầu năm, thịt heo tăng giá tương đối mạnh do nguồn cung thiếu và chi phí đầu vào tăng. Dự kiến tới cuối năm, nguồn cung thịt heo trong nước tăng khoảng 5 – 6%. Trong hai tháng gần đây, nguồn heo giống cung ứng cho thị trường đã tăng khoảng 15 – 17%. Ngoài thịt heo, tổng đàn gia cầm đến cuối tháng 6 là 298 triệu con, tăng trên 7% so với cùng kỳ năm trước. Giá đầu vào sản xuất nhiều loại thực phẩm khác cũng đã tăng nhanh. Khảo sát của cục Chăn nuôi còn cho thấy, có tới 22 – 25% số hộ chăn nuôi, trang trại không vay được vốn sản suất; lãi suất quá cao cũng tác động không nhỏ tới giá thực phẩm cung ứng ra thị trường.
Ngày 19.7, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, từ đầu tháng 7 tới nay, hàng ngày có khoảng 24 tấn heo hơi từ Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam qua biên giới Lạng Sơn theo đường mòn, lối mở thuộc khu vực cửa khẩu Chi Ma. Việc nhập lậu thịt động vật không qua kiểm dịch sẽ gây nguy cơ lây lan dịch bệnh và không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bộ này đề nghị các cơ quan như: biên phòng, hải quan, quản lý thị trường… kiểm soát chặt việc nhập lậu heo hơi vào Việt Nam, nếu phát hiện nhập lậu, phải cho cách ly, kiểm dịch, đảm bảo chất lượng mới được đưa đến các lò giết mổ.
Theo SGTT