Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhật Bản tiếp tục thông báo tôm Việt Nam nhiễm kháng sinh
23 | 07 | 2007
Dường như việc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản thông báo tiếp tục phát hiện dư lượng chất Chloramphenicol trong sản phẩm tôm của Việt Nam đã trở thành “bài học thuộc lòng” đối với các DN XK thủy sản nước ta.
Chỉ trong vòng mấy tháng gần đây, không dưới 5 lần Bộ Thương mại nhận được cảnh báo của phía Nhật Bản về chuyện tôm Việt Nam nhiễm kháng sinh. Nội dung này cũng đã được các cơ quan hữu trách nước bạn gửi trực tiếp tới Bộ Thủy sản với những lời khuyến cáo khá trầm trọng.

 

Không ít lần Bộ Thương mại, Bộ Thủy sản đã phải bàn những biện pháp nhằm xử lý dứt điểm thực trạng này. Bộ Thủy sản cũng đã ra hàng loạt các công văn, chỉ thị tới các DN, người nuôi trồng thủy sản…; phía Nhật Bản từ cảnh báo đến đưa ra lệnh kiểm tra 50% đến 100% sản phẩm tôm NK từ Việt Nam.

Tuy nhiên, trong khi các cơ quan quản lý như “ngồi trên đống lửa” thì một số DN vẫn thản nhiên để “lọt” các lô hàng sang Nhật Bản. Mới đây nhất, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản thông báo lô hàng của Công ty XNK nông sản Cà Mau (CaMau Agricultural Products Import Export Company) có dư lượng chất Chloramphenicol là 0,0008ppm. Đây là lần vi phạm thứ hai của công ty này trong vòng chưa đầy một tuần. Cũng chỉ trước đó vài ngày, lô hàng của Công ty Nam Can Seaproducts Import - Export Co. (SEANAMICO) cũng bị phát hiện dư lượng chất Chloramphenicol là 0,0006ppm. Như vậy, kể từ khi mặt hàng tôm của ta bị kiểm tra 100% (ngày 25/10/2006) đến nay, có tới 15 công ty tiếp tục vi phạm 24 lần. Những lô hàng bị phát hiện dư lượng chất kháng sinh đều bị phía Nhật Bản trả lại, hủy tại chỗ hoặc không được dùng làm thức ăn cho người. Thực trạng trên đang ảnh hưởng lớn đến uy tín chất lượng hàng thủy sản Việt Nam nói chung và mặt hàng tôm nói riêng.

Nhật Bản đang là thị trường NK lớn nhất của Việt Nam, bởi vậy, nếu các DN và các cơ quan chức năng của ta không có biện pháp mạnh thì việc đánh mất thị trường tiềm năng này là rất có thể xẩy ra. Ngày 3/1/2007, thêm một lần nữa, Bộ Thương mại đã gửi công văn số 0448/BTM-KV1 thông báo cho Bộ Thủy sản và cho các DN vi phạm. Bộ Thương mại cũng đề nghị Bộ Thủy sản có biện pháp xử lý mạnh, hữu hiệu và đề nghị các Sở Thương mại/Thương mại Du lịch và Hiệp hội ngành hàng thông báo cho DN liên quan biết để có biện pháp kịp thời đảm bảo thực hiện đúng quy định về VSATTP của Nhật.



Nguồn tin: E-Trade News
Báo cáo phân tích thị trường