Trên thực tế, hiện thị trường lúa gạo các tỉnh ĐBSCL vẫn sôi động, và giá lúa gạo liên tục diễn biến theo hướng tăng cao.
Giá lúa gạo tăng mạnh
Hơn nửa tháng trước, thị trường lúa gạo thế giới có những thông tin bất lợi đã khiến cho nhiều chuyên gia nhận định giá lúa gạo sẽ đi xuống vào những tháng cuối năm. Tuy nhiên, mấy ngày qua, giá lúa gạo nguyên liệu trong nước chẳng những không giảm mà còn có xu hướng tăng mạnh.
Theo các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo tại cụm công nghiệp An Thạnh (Cái Bè, Tiền Giang), nhiều nước trên thế giới đang có nhu cầu nhập khẩu gạo rất lớn, trong khi đó quốc gia cung ứng gạo lớn nhất thế giới là Thái Lan lại đưa ra mức giá xuất khẩu quá cao, nên quyết định bán 1 triệu tấn gạo của Ấn Độ với giá 400 USD/tấn đã không làm ảnh hưởng đến giá lúa gạo trong nước.
Mặt khác, các thị trường quan trọng là Indonesia, Bangladesh và Trung Quốc đang có ý định đẩy mạnh nhập khẩu gạo Việt Nam nên đã đẩy giá lúa gạo trong nước tăng mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, thương lái chuyên cung ứng gạo nguyên liệu chế biến xuất khẩu tại chợ Bà Đắc (Cái Bè, Tiền Giang), giá các loại gạo nguyên liệu dùng chế biến xuất khẩu đều tăng trung bình 250-300 đồng/kg so với tuần trước, đặc biệt gạo phẩm cấp thấp có tốc độ tăng giá nhanh nhất. Cụ thể, gạo nguyên liệu dùng chế biến gạo 5% tấm có giá 8.650-8.750 đồng/kg, chế biến gạo 25% tấm có giá từ 8.500-8.600 đồng/kg.
Giá gạo nguyên liệu tăng nên đã kéo giá thu mua lúa của nông dân lên theo. Cũng theo ông Thành, hiện giá lúa thường khô (IR 50404) được thu mua với giá dao động từ 6.200-6.300 đồng/kg, giá lúa hạt dài tiếp tục ổn định với mức giá 6.350-6.400 đồng/kg. Đặc biệt với giống lúa thơm chất lượng cao như 2514, có giá 6.100-6.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; giống lúa thơm Jasmine thu mua với giá từ 6.800-6.900 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg.
Tại thị trường các tỉnh có trữ lượng lúa lớn như Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, giá lúa tươi cũng được các thương lái nâng lên với mức cao hơn 50-100 đồng/kg so với tuần trước. Cụ thể, các giống lúa hạt dài có giá 5.750-5.850 đồng/kg, còn đối với giống lúa tươi thường IR 50404 có giá 5.650-5.750 đồng/kg (tùy địa phương).
Nguồn cung gạo không còn nhiều
Mấy ngày nay, giá lúa gạo tăng liên tục, nhưng các doanh nghiệp tranh nhau mua làm cho thị trường lúa gạo càng sôi động thêm. Theo bà Lê Thị Thanh Mai, chủ DNTN Liên Hiệp, lúa gạo trong vụ hè thu này có khả năng thiếu hụt, nên đã nảy sinh tình trạng tranh nhau giữa các đơn vị thu mua.
Điển hình như hôm trước, doanh nghiệp này đã thỏa thuận giá chuẩn bị mua một lượng gạo với giá 8.600 đồng/kg, chưa kịp mua vào thì lượng gạo đó đã bị doanh nghiệp khác mua với giá cao hơn 50 đồng/kg. “Giá cao nhưng lượng gạo mua vào cũng không được nhiều, nếu như trước đây tôi mua được trên 200-250 tấn gạo nguyên liệu thì giờ chỉ mua được 50-60 tấn. Nguyên nhân là do nguồn cung lúa gạo không còn nhiều, lúa đã được thu hoạch gần dứt điểm" - bà Lê Thị Thanh Mai cho biết.
Một nguyên nhân khác khiến cho giá lúa gạo tăng mạnh trong thời gian qua, theo các doanh nghiệp kinh doanh gạo ở Tiền Giang, là do một lượng gạo không nhỏ được xuất theo đường tiểu ngạch.
Tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết gần đây các thương lái mua gạo xuất khẩu theo đường tiểu ngạch thường tăng cường đặt hàng tại các đầu mối cung ứng gạo tại cụm công nghiệp An Thạnh và Chợ Bà Đắc (huyện Cái Bè) với giá cao hơn hẳn so với mặt bằng giá lúa gạo chung.
Chẳng hạn, giá gạo nguyên liệu trung bình trên thị trường từ 8.500-8.600 đồng/kg, thì các thương lái mua gạo xuất tiểu ngạch luôn cho giá ở mức 8.750-8.800 đồng/kg. Một chủ doanh nghiệp chỉ đoàn xe container nối dài trong cụm công nghiệp An Thạnh cho biết: "Đó là xe của các thương nhân nước ngoài đến để chờ nhận hàng từ các cơ sở cung sở cung ứng gạo ở chợ Bà Đắc, cụm công nghiệp An Thạnh. Sau đó, đoàn xe này sẽ vận chuyển gạo ra ngoài Bắc”.
Với diễn biến giá lúa gạo thời gian qua, nông dân trồng lúa đã có mức lãi khá. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang gặp khó vì giá gạo xuất khẩu chưa tăng kịp giá lúa gạo trong nước. Hi vọng trong thời gian tới, với những nỗ lực của nông dân trồng lúa, doanh nghiệp, đặc biệt là sự quan tâm của Chính phủ và các bộ ngành có liên quan trong những tháng cuối năm, xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2011 sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công lớn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 7 tháng đầu năm, tổng lượng gạo xuất khẩu ước đạt 4,7 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,3 tỷ USD, tăng 9,7% về lượng và 10,8% về giá trị.
Giá gạo xuất khẩu giảm nhẹ (2%) so với cùng kỳ năm 2010, giá xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm đạt 490 USD/tấn. Ngoài thị trường In-đô-nê-xia tăng trưởng mạnh, tiếp tục duy trì là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam từ đầu năm tới nay, các thị trường khác như Malaixia và Cu-ba cũng tăng lần lượt là 99,6% và 137,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Riêng Phi-lip-pin, mặc dù lượng xuất khẩu sang thị trường này chỉ gần bằng ½ cùng kỳ năm ngoái nhưng đây vẫn là thị trường lớn thứ hai của Việt Nam. Để bù vào sự sụt giảm của thị trường Phi-lip-pin, các doanh nghiệp Việt Nam đã tăng cường xuất khẩu sang các thị trường mới như Xê-nê-gan, Băng-la-đet và Bờ Biển Ngà.
Tổng hợp