Sau một thời gian liên tục giảm, giá gạo XK mấy hôm nay đã có dấu hiệu hồi phục. Giá gạo 5% tấm XK của Việt Nam từ mức dưới 380-890 USD/tấn, hiện đã tăng lên mức 405-410 USD/tấn. Gạo 10% và 15% tấm cũng tăng so với hồi đầu tháng này.
Nguyên nhân làm cho giá gạo XK của Việt Nam tăng, trước hết là do nhu cầu hỏi mua gạo từ nhiều thị trường NK lớn. Nhu cầu dự trữ tăng lên đã khiến cho Philippines, nước đã ký hợp đồng NK 1,5 triệu tấn gạo Việt Nam hồi đầu năm nay, quyết định sẽ nhập thêm khoảng 700.000 tấn gạo từ tháng 7 tới. Trong đó, 100.000 tấn gạo đang chuẩn bị được mở thầu. Malaysia cũng đang chuẩn bị mua thêm 150.000 tấn gạo để dự trữ từ nay đến cuối năm. Khách hàng từ nhiều nước châu Phi đang tìm đến để hỏi mua gạo Việt Nam.
Trong khi đó, do những lý do khác nhau, hai nước XK lớn là Thái Lan và Ấn Độ đều chưa thể tung lượng gạo dự trữ ra thị trường thế giới như đã công bố trước đây. Ở Thái Lan, do có sự bất đồng giữa 2 Bộ trưởng về giá bán gạo, mà Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đã quyết định hoãn việc bán 2 triệu tấn gạo dự trữ. Trong khi đó, nhu cầu mua gạo Thái Lan vẫn đang khá thấp do hầu hết các khách hàng vẫn đang chờ đợi giá gạo giảm xuống nếu Chính phủ nước này bán ra 2 triệu tấn gạo dự trữ. Còn ở Ấn Độ, những khó khăn do thiên tai cũng đang khiến nước này chưa triển khai việc bán ra thị trường 1,2 triệu tấn gạo dự trữ.
Tuy nhiên, nếu thị trường thu mua và XK gạo còn tiếp tục sôi động trong thời gian tới, nhiều khả năng giá lúa ở ĐBSCL sẽ tăng trở lại. Theo một nguồn tin từ Bộ Công thương, các Bộ, ngành liên quan đang cân nhắc khả năng đề nghị Chính phủ cho XK hết lúa gạo hàng hoá trong năm nay, mà không cố định ở một con số cứng nhắc là bao nhiêu triệu tấn nữa. Như vậy, nhiều khả năng năm nay nước ta có thể XK tới 5,5- 6 triệu tấn gạo. |
Chính vì vậy, trong những ngày đầu tháng 6 này, lượng gạo được các DN Việt Nam đăng ký hợp đồng XK là không nhỏ. Cụ thể, trong 10 ngày đầu tháng 6, đã có thêm 285.000 tấn gạo được các DN đăng ký XK. Như vậy, từ đầu năm đến nay, các DN đã ký hợp đồng XK được khoảng 4,76 triệu tấn. Trong đó, khoảng 3,2 triệu tấn đã được giao cho khách hàng nước ngoài, đạt kim ngạch XK khoảng 1,3 tỷ USD, tăng 87% về lượng và 51% về giá trị so với cùng kỳ 2008.
Bên cạnh đó, thị trường gạo ở ĐBSCL cũng đang trở nên sôi động khi có nhiều thương nhân Campuchia sang tìm mua gạo chất lượng từ trung bình đến cao và gạo thơm. Ông Phạm Vỹ Bền, GĐ Cty CP Tháp Sơn (Lấp Vò, Đồng Tháp) cho biết, hiện thương nhân Campuchia đang mua gạo thơm Jasmine loại gần như thành phẩm với giá 7.300 đ/kg, gạo 5% tấm gần thành phẩm với giá 6.700 đ/kg và gạo 15% tấm thành phẩm với giá trên 6.000 đ/kg.
Theo tiết lộ của một DNXK gạo ở ĐBSCL, thương nhân Campuchia đang đổ sang Việt Nam tìm mua gạo là để xuất sang Thái Lan. Vừa rồi, Chính phủ Thái Lan đã nâng mức gạo thu mua dự trữ từ nông dân lên 6 triệu tấn, cao hơn tới 4 triệu tấn so với kế hoạch trước đây, khiến cho giá gạo nội địa ở Thái Lan đã từ mức 16.000 baht/tấn tăng lên tới 17.500 baht/tấn.
Tuy nhiên, do lượng gạo còn tồn khá lớn ở ĐBSCL (gần 1,4 triệu tấn tính đến hết tháng 5/2009), nên sự sôi động trở lại của thị trường gạo ở khu vực này, hiện vẫn chưa có mấy tác động tới giá thu mua lúa của nông dân. Cũng theo ông Phạm Vỹ Bền, giá lúa ĐX chất lượng cao ở ĐBSCL vẫn đang nằm ở mức 4.100 đ/kg, còn lúa IR 50404 khoảng 3.8000 đ/kg. Với mức giá này, nông dân ĐBSCL vẫn đang có lời, bởi giá thành sản xuất lúa vụ ĐX vừa rồi chỉ vào khoảng từ 2.000-2.500 đ/kg.