Cho đến thời điểm này, Hải quan Hoa Kỳ vẫn chưa công bố số liệu chính thức về xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong 6 tháng qua - cơ sở để Bộ Thương mại Mỹ tiến hành áp cơ chế giám sát hàng dệt may xuất khẩu hay không. Con số chính thức sẽ được công bố trung tuần tháng 8 này.
Song theo dự đoán của ông Ân, dựa trên kết quả 5 tháng đầu năm thì xuất khẩu hàng dệt may trong 6 tháng tuy có tăng trưởng, nhưng không đáng kể, ở mức chấp nhận được, khoảng 25%. Năm ngoái, khi còn hạn ngạch, tăng trưởng dệt may sang Hoa Kỳ khoảng 21%.
Về giá, hiện nay hầu hết các Cat đều giữ được giá, giảm giá không đáng kể so với năm ngoái. Mặc dù khi bỏ quota chi phí sẽ giảm nhiều do không có phí quota tuy nhiên thực tế hầu hết các Cat đều giữ giá. Hầu như chưa có bất cứ biểu hiện phá giá nào.
“Thời gian qua, ngành dệt may của Việt Nam không có "cú sốc" nào để phía Hoa Kỳ có thể kiện chúng ta bán phá giá hoặc áp đặt cơ chế giám sát”, ông Ân nói.
Ông cũng cho biết trong thời gian tới, Bộ Công Thương và Hiệp hội Dệt may sẽ tranh thủ tiếp cận mạnh hơn nữa với các giới chức và Bộ Thương mại Hoa Kỳ…, nhằm hạn chế bớt các cản trở đối với ngành dệt may Việt Nam.
Ông cũng bày tỏ hy vọng, trong chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ vào tháng 10 tới đây, phía Mỹ sẽ có món quà gì đó cho Việt Nam - chẳng hạn bỏ cơ chế giám sát, hoặc giảm số lượng nhóm giám sát…
Theo dự đoán của các chuyên gia, năm nay, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt may vẫn có thể đạt chỉ tiêu 7,3 -7,5 tỷ USD, do các doanh nghiệp đã chủ động hơn trong việc đa dạng hoá thị trường, tránh tập trung xuất quá nhiều vào thị trường Mỹ, như khuyến cáo trước đó của Vitas.