Tại phiên họp chiều 29/9, Chính phủ đã xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy hoạch sử dụng đất năm 2020 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015 cấp quốc gia. Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho hay, trong 10 năm qua, gần 350.000 ha đất lúa được chuyển đổi mục đích, không ít diện tích thuộc dạng "bờ xôi ruộng mật" đã chuyển sang để phát triển đô thị, khu công nghiệp. Tính đến 2010, diện tích đất lúa cả nước còn hơn 4,1 triệu ha. Đến năm 2020, dự kiến sẽ có khoảng 300.000 ha đất trồng lúa chuyển sang mục đích khác, đất lúa sẽ tiếp tục bị giảm trước áp lực tăng dân số và phát triển kinh tế.
Đến năm 2020, tổng lương thực cho các nhu cầu của cả nước cần khoảng 47 triệu tấn, diện tích lúa gieo trồng cần tối thiểu khoảng 7,3 triệu ha. Chính phủ kiến nghị Quốc hội giữ chỉ tiêu đất trồng lúa trên 3,8 triệu ha từ năm 2011 - 2015. Sau năm 2015, căn cứ thực tế của từng địa phương, trong trường hợp cần thiết mới điều chỉnh lại chỉ tiêu này khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 2016 - 2020.
Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh, vấn đề quy hoạch đất sử dụng trong nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa cần phải có kế hoạch chi tiết. Bản thân ông, khi đi từ Pháp Vân về Hà Nam đã không khỏi ngỡ ngàng khi thấy trước đây, hai bên đường là cánh đồng lúa mọc tốt tươi thì nay là lèo tèo vài tòa nhà, trường học. Các nhà đầu tư đua nhau xây 5-6 công trình, nhà máy thì đều "xin từ đất lúa mà ra".
Trong khi một số nước chỉ cần chuyển tới 0,3ha đất nông nghiệp cũng cần phải trình các ông lớn, thậm chí phải khai hoang để bù lại phần đất đã lấy thì ở Việt Nam, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đang quá dễ dàng. "Cần có biện pháp ngăn chặn cơ chế xin - cho từ nhà đầu tư, để tránh việc phải sửa đổi quy hoạch. Đất trồng lúa cần phải quản lý nghiêm ngặt hơn", ông Lý nói.
Trong khi một số đại biểu lo lắng về tình trạng đất lúa bị thu hẹp thì số khác lại cho rằng, để đất nước đi lên thì việc chuyển đổi mục đích sử dụng của đất lúa là khó tránh khỏi. Do đó, bài toán đặt ra là làm sao để bà con nông dân giữ được diện tích đất trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong bối cảnh hiệu quả kinh tế của việc trồng hoa màu khác cao gấp đôi so với trồng lúa.
Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội cho hay, tới năm 2015, dự kiến 45% dân cư sẽ ở đô thị và đến năm 2020, con số này sẽ lên tới 55%. Năm 2020, đất nước sẽ phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sẽ có sự chuyển dịch lớn từ nông thôn ra thành thị. Do đó, bài toán khó mà Quốc hội cần giải là làm sao để khu công nghiệp không "lẹm" vào đất lúa.
Đồng tình với quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Cao Viết Sinh thẳng thắn, trong tương lai đất lúa buộc phải thu hẹp lại bởi thực tế đất xây dựng trường học, đất mở đường đều lấy từ đất trồng lúa mà ra. Từ Bắc tới Nam, các tỉnh đều đang gồng mình để phấn đấu thành công nghiệp hóa. "Một số tỉnh như Thái Bình và đồng bằng sông Cửu Long nếu chỉ loay hoay quanh đất lúa thì không thể phát triển được", ông Sinh thắng thắn.
Trước mắt, theo lãnh đạo, Bộ Kế hoạch Đầu tư, khi giá lúa còn đang cao lên tới 600 đôla mỗi tấn thì bà con nông dân sẽ không phá lúa để trồng hoa màu khác. "Khi giá lúa thấp thì đây là một bài toán cần nghiên cứu vì chuyện người nông dân phá cánh đồng là điều rất dễ xảy ra", ông Sinh nói.
Theo Vnexpress