Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu về XK cá tra vào thị trường Mỹ. Từ đầu năm đến nay, XK cá tra sang Mỹ có nhiều thuận lợi, liên tục tăng trưởng cả khối lượng và giá trị XK. Hiệp hội Thủy sản quốc gia Mỹ vừa xếp cá tra Việt Nam vào top 10 loại thủy sản được ưa chuộng nhất tại Mỹ năm 2010, trong đó cá pagasius đứng ở vị trí thứ chín, tăng một bậc so với năm 2009. (Năm 2009 là năm đầu tiên cá tra lọt vào danh sách các loại thủy sản được ưa chuộng nhất tại Mỹ và xếp thứ 10 với mức tiêu thụ bình quân 0,78kg/người, sang năm 2010 tăng lên 0,89kg/người). Đáng chú ý là, cá tra là một trong 4 loại thủy sản có mức tiêu thụ tăng so với năm trước đó (cùng với cá rô phi, cá ngừ, cá tuyết), trong khi 6 loại khác có mức tiêu thụ giảm, chứng tỏ cá tra ngày càng khẳng định được vị thế tại Mỹ.
Trong số các DN XK cá tra hàng đầu vào Mỹ, duy nhất Công ty CP Vĩnh Hoàn có mức thuế bằng 0, trong khi mức thuế của các DN bị đơn khác là 0,56 USD/kg (15%) và mức thuế chung cho các DN là 2,11 USD/kg - theo kết quả sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần 7 (POR 7) giai đoạn từ 1/8/2009 đến 31/7/2010. Trong đợt xem xét này, Mỹ đã sử dụng số liệu của Inđônêxia để tính giá thành nguyên liệu cá, trong khi các yếu tố tài chính khác lấy từ Bănglađet. Như vậy, Công ty CP Vĩnh Hoàn có khả năng trở thành DN thủy sản đầu tiên và duy nhất của Việt Nam thoát khỏi vụ kiện chống bán phá giá cá tra của Mỹ nếu như trong kết quả cuối cùng của POR7, DN này vẫn có mức thuế bằng 0.
Châu Âu là thị trường NK cá tra lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 30,7% trong tổng XK cá tra Việt Nam. Theo một DN lớn về XK cá tra của Việt Nam, đầu tháng 9 các nước trong khối EU đã tăng lượng NK cá tra philê cỡ nhỏ (tương đương cá tra nguyên liệu loại 850 gam/con) lên gấp đôi quý III/2011. Mặc dù cá tra Việt Nam không bị cạnh tranh với cá da trơn trên thị trường EU, nhưng với mức giá “phải chăng”, một số người kinh doanh cá thịt trắng đã tìm cách kìm hãm sự phát triển cá tra trên thị trường này và giá cá tra tại đây cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều từ nguồn cung của cá thịt trắng và cá rô phi NK từ Trung Quốc.
Tây Ban Nha là nước NK cá tra nhiều nhất từ Việt Nam trong khối EU với giá trị NK trong 8 tháng đầu năm đạt 72,87 triệu USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, bước sang tháng 8, NK cá tra từ Tây Ban Nha đã bắt đầu tăng trưởng sau nhiều tháng sụt giảm, đạt giá trị 13,6 triệu USD, tăng 46,5% so với tháng 8 năm 2010. XK cá tra của Việt Nam sang Hà Lan trong tháng 8 đạt 8,89 triệu USD, tăng so với 6,39 triệu USD của tháng trước đó và tăng 87,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là 2 nước NK nhiều nhất cá tra từ Việt Nam, chiếm trên 10% tỷ trọng NK cá tra trong khối EU nên việc tăng trưởng của 2 thị trường này trong tháng 8 đã có ảnh hưởng tích cực đến giá trị NK cá tra của toàn khối EU và trong 8 tháng đầu năm, NK cá tra Việt Nam của EU đã đạt mức tăng trưởng dương.
EU hiện là thị trường có nhiều DN tham gia XK nhất, nên với nhu cầu NK cá tra tăng trở lại trong 2 tháng gần đây của thị trường này đã buộc các DN trong nước tăng tiến độ mua và chế biến, dẫn đến giá cá tra nguyên liệu trong nước cũng có xu hướng tăng theo. Giá cá tra đang nhích lên từng tuần, tuy nhiên “mức đỉnh” giá cá tra nguyên liệu vẫn chưa vượt quá 26.000 đồng/kg.
XK cá tra vẫn tiếp tục tăng trưởng tại các thị trường như Mêhicô, Nga, Xingapo, Philippin, Malaixia, Trung Quốc va Hồng Kông, Braxin…. Tám tháng đầu năm nay, XK cá tra sang Braxin tăng 137%, đạt giá trị 45,01 triệu USD, sang Ả rập Xêut tăng 45,2%, đạt 40,12 triệu USD… Với sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ cá tra của thị trường trọng điểm EU, cùng với đà tăng trưởng của các thị trường còn lại, XK cá tra của Việt Nam năm nay sẽ đạt giá trị trên 1,5 tỷ USD.
Theo Vasep