Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá cà phê mới đầu mùa đã quay như chong chóng
08 | 10 | 2011
Từ đầu tháng đến nay, giá tất cả các thị trường hàng hóa xoay vùn vụt, lên xuống bất thường. Tạo biến động, rồi lại trấn an: sau khi giá của các thị trường tài chính trên toàn thế giới sụp đổ vào ngày “thứ Năm đen tối” 22-9-2011, từ mấy ngày nay, các ông lớn đều tung chiêu trấn an để dìu dắt lại thị trường.

Nếu như tại Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (Fed) Ben Bernanke hứa bơm đô la thêm vào nền kinh tế Mỹ đang rất “dễ ngả”, thì hôm thứ Năm 6-10, tại châu Âu, Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet quyết định giữ nguyên lãi suất đồng euro và cũng hứa tái cấp vốn cho các ngân hàng châu Âu đang ngập ngụa vì “cục nợ” Hy Lạp.

Tuy suốt nửa tháng nay, ảnh hưởng của ba bốn cơn bão và áp thấp nhiệt đới, cây cà phê tại tất cả các vùng trồng từ Tây Nguyên đến các tỉnh vùng Đông Nam bộ đều thiếu nắng, làm chậm ngày thu hoạch, giá cà phê nội địa vẫn không thoát khỏi ảnh hưởng dao động của thị trường kỳ hạn cà phê (TTKH) robusta Liffe và arabica Ice.
Giá nguyên liệu vẫn quay như con vụ, dù hàng thành phẩm vụ mới vẫn chưa có trong tay nông dân bao nhiêu do ảnh hưởng thời tiết.

Trong tuần qua, một số hợp đồng xuất khẩu cà phê cho hàng đi ngay được thực hiện. Theo hãng tin Reuters, Việt Nam đã ký được hợp đồng với một số nhà nhập khẩu Indonesia để bán hàng robusta loại 2, 5% đen vỡ với giá cộng chừng 20 đến 30 đô la Mỹ/tấn FOB.

Cùng lúc với nguồn tin ấy, một nhà kinh doanh có văn phòng đại diện tại TPHCM và một nhà xuất khẩu báo rằng họ đã mua bán với nhau cho hàng loại 2, 5% đen vỡ giao hàng ngay lập tức với giá cộng 70-80 đô la/tấn trên giá tháng 11 cơ sở TTKH robusta Liffe.

Như vậy, giá xuất khẩu của các hợp đồng giao sau (forwards sales) dựa trên giá chênh lệch trong cùng một thời điểm cũng được ghi nhận cách nhau khá xa, hơn thua nhau cả 50 đô la/tấn.

Điều này có thể hiểu được vì các nhà xuất khẩu Indonesia thường mua hàng của Việt Nam để thay thế hàng giao xuất khẩu của họ mỗi khi thị trường nội địa nước bạn thiếu hàng với tư cách trung gian, một số rất ít sẽ được bán cho rang xay trong nước đang tiêu thụ ngày càng nhiều hơn (xin xem biểu đồ 2).

Riêng về hàng giao xa hơn từ tháng 12 trở đi, khách mua châu Âu và Mỹ vẫn tiến thoái lưỡng nan do một phần vì giá chào bán và mua chưa gặp nhau: giá chào bán chênh lệch mức cộng trên giá TTKH, trong khi giá chào mua đang phổ biến ở mức trừ 70 – 80 đô la/tấn FOB dưới giá Liffe.

Mặt khác, đầu tuần này, thị trường lại hâm nóng bởi tin của Reuters nói rằng Hiệp hội kinh doanh cà phê Thụy sỹ (Swiss Coffee Trade Association - SCTA), trung tâm kinh doanh cà phê thế giới hiện nay, đang vận động Liên đoàn cà phê châu Âu (ECF) đưa trường hợp xù hàng của một số doanh nghiệp cà phê Việt Nam ra trọng tài kinh tế.

Cách đây nửa tháng, SCTA ước chỉ trong niên vụ 2010/11, họ bị các nhà xuất khẩu xù hàng không giao lên đến trên 70.000 tấn, gây thiệt hại lớn về tiền bạc và uy tín cho họ. Cho nên, hình như khách mua muốn đợi một khi hàng có trong kho các nhà xuất khẩu, họ mới mua và giao ngay.

Phải chăng, vì lẽ này mà Sở giao dịch Liffe NYSE quyết định mở kho tại nước ta, cho phép gửi mẫu từ Việt Nam sang London (Anh quốc) kiểm tra chất lượng, để rút ngắn lại thời gian giao hàng.

Với phương thức này, thời gian giao hàng từ ngày ký hợp đồng đến lúc giao hàng có thể còn chừng từ bảy đến mươi ngày so với thói quen cũ, đôi khi phải đợi hàng nhiều tháng. Trước đây, vào thời điểm này, Việt Nam thường bán trước chừng vài ba trăm ngàn tấn cho giao hàng từ tháng 11 đến giữa năm sau. Hiện nay, lượng bán trước không đáng kể, theo ước đoán của các hãng kinh doanh, lượng bán trước chỉ bằng chừng 20% vụ cũ, tức 40 đến 60 ngàn tấn.

Theo nhận định của một số bản tin nước ngoài, tin này cũng giúp giá Liffe tăng mạnh vào ngày thứ Ba 4-10 khi từ đang giảm 100 đô la, chỉ 30 phút cuối trước khi đóng cửa, giá tăng lên 80 đô la trong một ngày giao dịch, dao động 180 đô la/tấn.

Giá mua bán “tiền trao cháo múc” (outright) cũng nhờ đó mà tăng. Đầu tuần, chịu ảnh hưởng lây lất của ngày “thứ Năm đen tối” trên toàn bộ thị trường tài chính thế giới, giá cà phê nhân xô nội địa có khi dội xuống mức 41.000 đồng/kg. Mức này thấp cả trên chục ngàn đồng  so với đỉnh của năm 2011.

Song, giá nội địa nhanh chóng vươn lên lại trên mức 44.000 đồng/kg, có thể nhờ các lý do sau: thời tiết ẩm ướt tại Việt Nam làm hàng ra trễ, các hợp đồng xuất khẩu giao ngay có giá tốt và trấn an của các “ông trùm tài chính” Âu Mỹ đã giúp kéo giá cà phê khắp nơi lên lại.

Đến sáng hôm nay, 8-10 giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên ở mức 42.000 – 42.500 đồng/kg cho hàng giao ngay, giảm theo Liffe đóng cửa xuống mạnh khuya hôm qua. Như thế, ta ngầm hiểu rằng lượng hàng bán giao ngay này là hàng của vụ cũ vì vụ mới chưa thu hái kịp.

Sau khi xuống mức sâu 1.983 đô la/tấn vào ngày 23-9, giá tại các TTKH cà phê như rướn nhanh lên lại để bù đắp những gì đã mất. Giá kỳ hạn robusta hôm thứ Năm 6-10 lên được mức 2.051 đô la nhưng lại đổ ào xuống lại vào ngày thứ Sáu cuối tuần này. Đóng cửa khuya hôm qua 7-10 tức rạng sáng 8-10 giờ Việt Nam, giá kỳ hạn robusta  Liffe tháng 1-2012 chốt mức 1.983 đô la giảm 68 đô la/tấn, tại sàn arabica Ice tháng 12-2011 nằm tại mức 224,35 giảm 10,05 cts/lb tức 221 đô la/tấn.

Như vậy, so với cuối tuần trước, giá arabica giảm 170 đô la/tấn và giá robusta giảm 31 đô la nhưng lại đúng ngay mức thấp của ngày 23/9, sau ngày “thứ Năm đen tối”. (Xin xem biểu đồ 1)

Cứ tưởng giá chỉ chao đảo trên các chốn thương trường, giá cách biệt (arbitrage) giữa arabica Ice và robusta Liffe cũng dao động không kém. Cách đây một tháng, ở thời điểm này, giá cách biệt 2 chủng loại cà phê lúc ấy đang trên 4.000 đô la/tấn thì trong thời gian ấy có lúc xuống dưới 3.000 đô la và hiện nay quanh mức 3.000-3.100 đô la/tấn. Giá cách biệt chủng loại co lại sẽ là một bất lợi cho hàng robusta nói chung. Robusta là loại cà phê được sử dụng chủ yếu để pha trộn, trong khi arabica là nhân tố chính quyết định vị thơm ngon của tách cà phê.

Nếu như giá cách biệt xa, các hãng rang xay sẽ châm thêm hàng robusta loại tốt để giảm mua lượng hàng arabica quá đắt. Còn, giá cách biệt càng ít, khả năng thay thế arabica để dùng robusta của rang xay trong các mẻ hàng của họ sẽ ít đi. Vì thế, robusta sẽ bán khó chạy hơn nếu như arabica có giá rẻ (xin xem biểu đồ 3).

Sẽ đáng lo hơn nếu như Brazil được mùa vào niên vụ 2012/13, bấy giờ hàng arabica có nhiều, nên robusta hoặc sẽ được tiêu thụ ít hơn, hoặc sẽ bị đánh rớt giá trên các thị trường, và có thể thị phần của robusta  thu hẹp lại vì arabica bấy giờ nhiều buộc Brazil bán mạnh ra.

Giá cả 2 TTKH cà phê trong tuần tăng giảm như con vụ cũng còn vì tin thời tiết Brazil: có tin khô hanh giá lên, tin mưa giá xuống; trong khi đó, giá robusta Liffe được củng cố vào ngày thứ Năm 6-10 khi có tin tồn kho robusta có giấy chứng nhận chất lượng Liffe (certifieds) giảm lần thứ sáu liên tiếp.

Lượng tồn kho certifieds robusta Liffe tính đến hết ngày 3-10 giảm thêm 10.130 tấn, chỉ còn 368.080 tấn, giảm từ đỉnh lịch sử 412.940 tấn được ghi nhận vào ngày 27-6-2011. Thế nhưng, mức hiện tại vẫn còn cao hơn mức cùng kỳ năm ngoái đến 70%, tức 216.850 tấn (xin xem biểu đồ 4).

Giá cà phê Liffe và xuất khẩu trong tuần tuy tăng, vẫn chưa vươn được đỉnh cao, thậm chí vẫn còn ngầm đó các rủi ro khôn lường: giá đóng cửa cuối tuần quay về lại đúng mức sâu của  “ngày đen tối”. Nếu như giá Liffe xem như được chỉnh tăng lại sau cú sốc quá nặng cách đây 2 tuần, thì giá xuất khẩu hàng giao nhanh từ Việt Nam cũng tăng, nhưng chỉ cho một giai đoạn ngắn hạn trước mắt.

Lượng hàng này chỉ bán được rải rác và hầu hết đều dùng hàng vụ cũ. Sản lượng của niên vụ mới 2011/12 có thể lớn hơn so với năm cũ. Nếu các nhà xuất khẩu không chung tay điều tiết thị trường, thì ngay nay mai thôi, một lượng hàng khổng lồ do không khéo tổ chức từ các vườn cà phê bung ra mạnh sẽ tạo “tức nước vỡ bờ” và có thể kéo giá cà phê xuống vực. Nông dân sẽ hứng chịu nổi khổ ấy, không ai khác! Đây chính là lúc Hiệp hội cà phê Việt Nam (Vicofa) và Câu lạc bộ 20 nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu ra tay điều tiết thị trường, thay vì chỉ “nói cho sướng miệng” trong các cuộc họp rồi sau đó mọi việc vẫn như cũ.

Mặt khác, giá trên các thị trường kỳ hạn chao đảo khủng khiếp. Ngay trong tuần này, ngày cuối tuần có dao động từ mức thấp đến mức cao chừng 115 đô la và  ngày thứ Ba đầu tuần đến cả 180 đô la. Áp dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro về giá đang trở thành một bức bách cho những ai muốn còn tồn tại trên thương trường cà phê đầy sóng gió này.

Theo TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường