Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá cà phê thất thường- Cộng hưởng từ nhiều nguyên nhân
20 | 03 | 2008
Ngoài một số tác động từ yếu tố thị trường nước ngoài thì một trong những nguyên nhân dẫn tới giá cà phê trong nước ngày một giảm hơn là do DN và người thu mua hàng khan hiếm tiền. Nếu tình trạng này kéo dài, người trồng cà phê thiệt hại nặng.
Quay đầu ngoài dự kiến

Từ cuối năm 2007 đến nay, giá cà phê XK trên thị trường thế giới và của Việt Nam tăng rất cao. Vì vậy giá cà phê thu mua cũng được đẩy lên. Từ thời điểm mức giá dưới 30.000 đồng/kg được đẩy lên 35.000 đồng/kg rồi 40.000 đồng/kg, thậm chí ngày 5/3/2008 có nơi giá thu mua lên tới 42.000 đồng/kg. Vì vậy thay vì bán ra, nhiều bà con nông dân đã găm hàng lại.Cũng chỉ sau một đêm (từ ngày 5/3), giá cà phê thế giới bỗng đột ngột giảm mạnh, khiến cho giá cà phê trong nước giảm mất tới 5.000 đồng/kg. Việc giá cà phê đột ngột quay đầu sau khi lập nên những kỷ lục về giá là điều quá bất ngờ, song nguy hiểm hơn là đã tác động đến tâm lý bất ổn của người trồng cà phê. Nhiều người đã ồ ạt bán ra sau khi giá thị trường giảm xuống làm cho thị trường càng trở nên khó dự đoán. Tại thành phố Buôn Ma Thuột khi thấy giá cà phê chững lại ở mức cao và bắt đầu có dấu hiệu giảm, không ít chủ cà phê cũng vội vàng bán ra với mức giá 39.500 đồng/kg nhưng nhiều đại lý vẫn không mua với lý do… thiếu tiền mặt. Dự báo, trước tình hình người trồng cà phê ồ ạt bán ra như hiện nay thì giá cà phê trong những ngày tới chắc chắn sẽ tiếp tục giảm. Sáng ngày 9/3, tại Đắk Lắk, giá cà phê nhân xô Robusta mua vào là 36.200 đồng/kg, giảm 200 đồng so với hôm trước đó. Tại Lâm Đồng, giá mua vào sáng ngày 9/3 chỉ còn 35.000 đồng – 35.600 đồng/kg, bằng với giá của 2 ngày trước đó. Theo ông Đoàn Triệu Nhạn, cố vấn Hiệp hội Cà phê Việt Nam, việc người dân biết giữ hàng là việc đáng mừng, tuy nhiên việc làm đó đều do tự phát. Nhất là việc các hộ trồng cà phê không có thông tin cụ thể về số lượng cung - cầu dẫn tới nguy cơ số lượng hàng dự trữ lại quá nhiều, giá cao không bán, đến khi giá xuống phải ào ạt bán ra thì sẽ hối tiếc.

Cần một quy hoạch tổng thể

Cũng trong thời gian qua, do giá cà phê tăng cao, cùng với các thông tin về sự thiếu hụt cà phê trong cán cân cung – cầu thị trường thế giới, đã khiến cho người nông dân ở một số tỉnh Tây Nguyên ồ ạt tăng diện tích cà phê trồng mới. Thực tế cho thấy, tại Đắk Lắk mấy ngày qua giá cây giống rất đắt đỏ. Nếu vào chính mùa trồng cà phê năm nay (tháng 5/2008), giá cây giống loại tốt có thể tăng vài ba lần so với giá cũ.Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Việt Nam, Hiệp hội phấn đấu ổn định diện tích khoảng 500.000 ha cà phê trên cả nước, năng suất bình quân đạt 2 - 2,4 tấn/ha, kim ngạch XK giai đoạn 2008 - 2010 đạt khoảng 1,5 - 1,6 tỷ USD/năm. Việc mở rộng trồng mới cây cà phê nhằm thay thế một số diện tích cà phê đến thời kỳ già cỗi là hoàn toàn đúng, song những việc làm này phải được thống kê, nghiên cứu, quy hoạch cụ thể, nếu không sẽ khó mà kiểm soát được.Trong cuộc họp Bàn về các biện pháp đẩy mạnh XK do Bộ Công Thương tổ chức vừa qua, ông Lương Văn Tự cho rằng, cái quan trọng nhất hiện nay đối với cà phê XK của Việt Nam là chất lượng. Năm 2007, Bộ NN&PTNT đã đưa ra việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng mới cho cà phê XK, song việc làm này chưa được sự ủng hộ mặn mà của DN cũng như người trồng cà phê. Thậm chí nhiều ý kiến còn cho rằng, các nhà NK chấp nhận nhập cà phê Việt Nam kể cả chất lượng không tốt. Điều này ở một thời điểm nào đó thì tốt nhưng nếu nhìn về lâu dài thì cực kỳ nguy hại. Bởi điều đó dẫn tới việc các DN Việt Nam sẽ ít chú ý tới việc nâng cao chất lượng cà phê, và mãi mãi chỉ XK các loại cà phê chất lượng trung bình, điều đó sẽ có lợi cho các nhà NK. Sở dĩ họ chấp nhận NK cả cà phê kém chất lượng, là bởi họ phải trả giá rất thấp, sau đó đem về tinh chế và XK đi nước thứ ba với giá cao hơn rất nhiều. Như vậy, phần giá trị gia tăng cao nhất thì DN và người trồng cà phê Việt Nam không được hưởng.




Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường