Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
’Đau tim’ với giá cà phê
13 | 03 | 2008
Ngày 11.3, giá cà phê nhân xô trên địa bàn Đắk Lắk là 35.500 đồng/kg, tụt xuống đến 5.000 đồng/kg sau khi lên đỉnh điểm là 40.500 đồng/kg vào ngày 5.3. Niềm nuối tiếc hiện rõ trên khuôn mặt của anh Lê Ba, ở thị trấn Buôn Hồ, huyện Krông Búk (Đắk Lắk). Anh Ba cho biết, gia đình anh làm 5 ha cà phê, vụ vừa qua do mất mùa nên chỉ thu hoạch được 10 tấn nhân.
Trước Tết, anh bán một nửa với giá chưa tới 30.000 đồng/kg để trả nợ và chi tiêu dịp Tết, còn 5 tấn anh để dành, thấy giá cà phê lên từng ngày mà khấp khởi mừng. Khi giá cà phê chạm ngưỡng 40.000 đồng/kg, cao nhất trong 12 năm qua, anh Ba vẫn không bán số cà phê còn lại vì hy vọng giá vươn tới mức kỷ lục 45.000 đồng của năm 1994. Nhưng hy vọng của anh Ba chuyển dần sang thất vọng vì giá cà phê đã quay đầu. Mỗi tấn cà phê anh Ba mất đi 5 triệu đồng. Hiện hàng chục ngàn hộ sản xuất cà phê ở Đắk Lắk cũng tiếc nuối nhưng đang ở thế "tiến thoái lưỡng nan" vì giờ đây không biết nên bán với giá 35.000 đồng hay là đợi thêm, "biết đâu giá lên lại trên 40.000 đồng" (!).

Giá cà phê trên thị trường cũng gây hồi hộp và khó hiểu cho chính những nhà xuất khẩu giàu kinh nghiệm. Nhiều nhận định ban đầu tỏ ra khá đúng khi cho rằng, do nguồn cung khan hiếm nên giá có thể lên đến 40.000 đồng/kg, nhưng không ai biết được mức giá đó đứng vững được bao lâu. Trong kinh doanh cà phê ở Đắk Lắk đã từng có những cảnh cười ra nước mắt ngay cả khi giá lên hoặc giá xuống. Nhiều người ôm cà phê thấy giá lên một chút đã vội bán ra, nhưng vài hôm sau giá lên nữa thì tiếc đứt ruột. Có người thấy giá "thăng hoa" cũng mua cà phê về trữ đợi giá lên nữa nhưng sau đó giá lại tuột dốc mãi đành ngậm quả đắng. Những ngày qua, nhiều đại lý ở Đắk Lắk đã lỗ không ít, vài triệu đồng trên một tấn cà phê, do khi mua vào với giá cao nhưng chưa kịp bán cho doanh nghiệp thì giá đã xuống.

Theo đánh giá của ông Lê Đức Thống, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu 2-9 (Đắk Lắk), việc giá một số loại nông sản vừa qua tăng mạnh, trong đó giá cà phê vọt lên đến 40.500 đồng/kg là "thoát ly khỏi giá trị thực", có liên quan đến hoạt động của các quỹ đầu cơ trên thế giới. Do đồng đôla xuống giá, một số quỹ đầu cơ chuyển sang mua hàng nông sản để lấy lãi bù vào thiệt hại do thị trường bất động sản ở Mỹ đang chững lại nên đẩy giá nông sản lên cao. Sau đó, các quỹ này bán ra mạnh nên giá tụt xuống lại. Mặt khác, khi giá lên cao nông dân đổ xô bán cà phê cũng góp phần làm giá giảm. Ông Thống nhận định, sắp tới giá cà phê khó có thể lên lại ở mức cao nhất như vừa qua nữa, vì mùa thu hoạch cà phê của các nước ở nam bán cầu như Brazil, Indonesia bắt đầu vào tháng 4, khi đó lượng cung bắt đầu tăng lên.

Thị trường mua bán cà phê ở Tây Nguyên đang chứng kiến sự "điều tiết" khá linh hoạt của người sản xuất. Những ngày giá đạt ngưỡng 40.000 đồng/kg, một lượng lớn cà phê đã được bán ra khiến các doanh nghiệp và đại lý "vắt chân lên cổ" đi vay tiền để mua cho kịp. Một doanh nghiệp cho biết, riêng ngày 5.3, khi giá lên đỉnh điểm, đơn vị này mua đến 1.700 tấn cà phê với doanh số gần 70 tỉ đồng. Nhưng khi giá xuống trong 3 ngày qua, lượng hàng mua vào chỉ vài trăm tấn mỗi ngày. Vẫn chưa có ai dám đưa ra dự đoán giá có tiếp tục xuống nữa hay không. Trong khi đó, người nông dân vẫn găm hàng chờ giá lên lại, cho dù mức giá cà phê hiện là "lý tưởng" trong hàng chục năm nay.

Giá gạo xuất khẩu tăng cao

Theo Bộ Thương mại, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đạt mức 460-465 USD/tấn (5% tấm), 418 USD/tấn (25% tấm), tăng bình quân 40 USD so với đầu tháng 1.2008. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đây là mức tăng giá rất cao trong nhiều năm qua. GS.TS Võ Tòng Xuân (Đại học An Giang) vừa dự hội nghị quốc tế "Thương mại gạo" ở Bali (Indonesia) cho biết: Giá gạo sẽ còn tăng ổn định trong năm 2008 do nhu cầu tiêu thụ gạo của thế giới tăng cao. Dự báo năm nay, 2 nước xuất khẩu gạo lớn ở châu Á là Ấn Độ và Pakistan sẽ giảm lượng xuất; trong khi Trung Quốc, Philippines, Indonesia, các nước châu Phi sẽ phải tăng lượng nhập để đáp ứng tiêu dùng trong nước. Sự thiếu hụt lúa mì, bắp, đậu nành... của thế giới cũng khiến cho nhiều nước quay sang sử dụng và tiêu thụ gạo nhiều hơn.

Do tác động tích cực thị trường gạo thế giới, giá lúa gạo trong nước ngay từ đầu năm 2008 cũng bắt đầu tăng. Nhiều nông dân thu hoạch lúa sớm ở ĐBSCL bán được với giá 3.600 - 4.000 đồng/kg lúa sạch. Đây là mức giá cao nhất trong nhiều năm qua. Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, để giữ được mức giá tốt và có lợi nhất lâu dài cho gạo Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần liên kết, tổ chức các vùng lúa nguyên liệu đủ lớn để có lượng gạo ổn định, thuần chủng, chất lượng đồng đều, phẩm chất tốt để chủ động đáp ứng nhu cầu thị trường. Mặt khác, cần phải tạo dựng một số thương hiệu gạo có uy tín, phẩm chất cao để gia tăng giá trị và tăng sức cạnh tranh hạt gạo Việt Nam.




Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường