Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đau đầu xuất khẩu cà phê
04 | 11 | 2008
Hiệp hội Cà phê Cao cao Việt Nam (Vicofa) vừa tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất - xuất khẩu cà phê vụ 2007- 2008. Theo Vicofa, đây là vụ mùa thứ 3 liên tiếp ngành cà phê Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và là vụ mùa đầu tiên vượt ngưỡng 2 tỷ USD.
Đây được coi là một thắng lợi của ngành, song, lãi suất tăng cao, giá cả giảm mạnh đang khiến các nhà xuất khẩu đau đầu.

Những tín hiệu vui...

Theo Vicofa, vụ sản xuất 2007-2008, cũng như tình hình chung của các nước xuất khẩu cà phê trên thế giới, sản lượng cà phê Việt Nam không cao. Tuy vậy, cả nước đã xuất khẩu trên một triệu tấn cà phê nhân với giá 1.937 USD/tấn, đạt kim ngạch 2 tỷ USD.

Đáng mừng là cà phê Việt Nam đã bắt đầu thể hiện vị trí của mình trong ngành xuất khẩu cà phê thế giới.

Theo nhận định của ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty CafeControl, hiện nay, cà phê Việt Nam có sức hút rất lớn trên thị trường. Cà phê Việt Nam đã áp đặt được tiêu chuẩn của mình lên cà phê thế giới. Thế giới đã theo chuẩn của Việt Nam. Xu hướng phụ thuộc vào chuẩn áp đặt từ cà phê các nước đã đổi chiều. Đó là một lợi thế.

Ông Tuấn cho biết, năm nay, riêng CafeControl đã xuất được 30 loại hàng hóa với chất lượng khác nhau, trong đó, tỷ lệ cà phê chất lượng kém giảm hơn 50%.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Vicofa, 60 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội đã xuất khẩu xấp xỉ 600.000 tấn cà phê. Ngoài ra, 85 doanh nghiệp khác cũng đóng góp lớn với khoảng 25,66% tổng kim ngạch.

Chủ tịch Vicofa, ông Lương Văn Tự cho biết, hiện nay, cà phê Việt Nam đã chiếm ưu thế xuất khẩu tại nhiều nước như: Đức, Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Anh...

Gần đây, Nga trở thành một thị trường mới nổi của cà phê Việt Nam. 7 vụ trước đây, Nga đứng ở vị trí thứ 12 trong các thị trường châu Âu với lượng mua bình quân 5.550 tấn/vụ. Riêng năm nay, thị trường này đã mua tới 20.589 tấn và xếp thứ 12 trong số 75 thị trường cà phê xuất khẩu của Việt Nam.

Ám ảnh vốn vay...

Không nằm ngoài tác động của cơn khủng hoảng tài chính thế giới và việc thắt chặt tín dụng trong nước, các DN cà phê cũng đang đau đầu vì thiếu vốn. Theo ông Lương Văn Tự, hầu hết DN xuất khẩu cà phê trong nước đều có quy mô vừa và nhỏ, ít vốn, mỗi khi vào vụ mới đều phải vay ngân hàng. Bình quân, mỗi năm các DN cần từ 12.000-15.000 tỷ đồng để mua cà phê trong dân.

Thế nhưng, việc tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng hiện vẫn còn quá khó khăn. Điều này khiến các DN lo đứng lo ngồi, nhất là khi vụ mùa mới 2008-2009 có nhiều diễn biến không thuận lợi: mưa nhiều, giá cà phê trên thị trường thế giới đang hạ.

Cảnh báo về nguy cơ sắp tới nếu mà khó khăn về tài chính không được tháo gỡ, ông Nguyễn Xuân Hàn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) cho biết: Hiện các khách hàng nước ngoài đang có dấu hiệu thiếu hụt tài chính, cho nên không ít trường hợp, khi giá xuống, khách không chịu nhận hàng. Riêng Maseco, dù đã ký nhiều hợp đồng giá cao nhưng khi giá cà phê xuống thấp như hiện nay, bị từ chối là điều không tránh khỏi và thiệt hại là không nhỏ.

Do vậy, các doanh nghiệp trong nước nên rà soát, kiểm tra lại khả năng tài chính, độ tin cậy của đối tác, nhất là khi phương thức giao dịch trên mạng ngày càng phổ biến.

Giá cà phê hạ khiến giá thu mua trong dân cũng hạ. Tại Đắk Lắk, giá thu mua cà phê nhân của các doanh nghiệp chỉ còn 24.000 đồng/kg, giảm tới 18.000 đồng/kg so với quý I/2008. Theo tính toán, chi phí đầu tư cho cà phê thấp nhất cũng trên 25 triệu đồng/ha. Như vậy, với mức giá thu mua hiện nay, người trồng cà phê bị lỗ nặng. Đáng lo là tình trạng giá cà phê “tuột dốc” vẫn chưa có dấu hiệu dừng.

Có ý kiến cho rằng nếu tiếp tục thu mua với giá thấp, liệu rằng DN có tội với người trồng cà phê hay không? Nên chăng khuyến khích nông dân trữ cà phê đến khoảng tháng 6, 7 năm sau, đợi giá cà phê thế giới phục hồi?

Theo ông Nguyễn Xuân Thái - Tổng Giám đốc Công ty Cà phê Thắng Lợi (Đắk Lắk): “Nếu nông dân tiếp tục bán ra ồ ạt khi giá cả xuống thấp thì sẽ càng làm cho giá cà phê thấp hơn. Và khi đó, thiệt hại lớn nhất thuộc về người trồng cà phê chứ không phải DN. Bởi nếu làm ăn không hiệu quả, DN có thể tạm ngừng, chứ người dân đã sản xuất ra cà phê thì sẽ "chết đứng".

Tuy nhiên vấn đề là lãi suất ngân hàng quá cao cùng với việc hạn chế vay ngoại tệ của các ngân hàng đã gây khó khăn cho DN”.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Vifaco, vào niên vụ mới, nếu nắm rõ số lượng cà phê trong nước và đánh giá đúng nhu cầu thật của thế giới (loại trừ yếu tố đầu cơ), vẫn có thể bán với giá tốt để có thể mua với giá tốt nhất cho nông dân.

Ông Nam cho rằng, Chính phủ cần sớm có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để bà con giữ hàng, không ồ ạt bán ra, làm giá xuống nhanh. Như vậy sẽ góp phần hạn chế tác động xấu đến thị trường và giá cà phê trong nước.




Nguồn: chebien
Báo cáo phân tích thị trường