Điển hình của câu chuyện vi phạm “tả pí lù” chất lượng là quyết định xử phạt Công ty TNHH Vi Dan (1/9B Bùi Văn Ngữ, ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, Hóc Môn) 91 triệu đồng của UBND TP HCM mới đây.
Sờ đâu cũng thấy vi phạm
Công ty Vi Dan với hàng tá vi phạm: sản xuất phân bón không đạt mức sai số định lượng cho phép so với mức quy định, kinh doanh hàng hóa có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc, không có giấy phép hoạt động chi nhánh, vi phạm nguyên tắc đặt tên phân bón… Ngoài việc đặt tên nhãn hiệu Vidan tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên được ghi trên nhãn hiệu hàng hóa phân bón của Vedan đã bảo hộ tại Việt Nam, cơ quan QLTT khi kiểm tra chất lượng 5 mẫu sản phẩm thì 4 mẫu không đạt. Số lượng hàng kèm mẫu bị buộc phải tái sản xuất đến gần 50.000 đơn vị sản phẩm, gồm cả chai và gói.
Trước đó, đội QLTT 4A cũng đã đình chỉ hoạt động sản xuất phân bón tại chi nhánh Công ty CP phân bón Mỹ Việt (huyện Củ Chi, TP HCM) do chưa được cơ quan chức năng cấp phép, tạm giữ hàng chục tấn phân bón thành phẩm do có dấu hiệu kém chất lượng.
Coi thường luật pháp
Thông tin tại hội thảo về thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bất hợp pháp gần đây tại TP HCM, bà Phùng Thị Mai Vân, Phó chánh thanh tra Cục BVTV (Bộ NNPT-NT) nhận định, hiện tượng buôn bán thuốc BVTV giả có chiều hướng tăng từ chủng loại đến khối lượng. Thuốc BVTV giả được sản xuất có tổ chức, quy mô cao, hàng hóa tinh vi với bao gói mẫu mã giống hàng thật (như thuốc Nativo 750 WG, Oshin 20 WP, Chess 50 WG...), thuốc giả lại có cả tem chống hàng giả (như thuốc Beam 75 WP)! Hàng giả lại có người tiếp thị đến đại lý, cửa hàng, giao hàng với số lượng nhiều, có khuyến mãi.
Đáng lưu ý, nếu như tỷ lệ vi phạm hàng kém chất lượng trước khi xuất xưởng là 1 - 2% mẫu được kiểm tra thì ở khâu lưu thông, tỷ lệ hàng kém chất lượng lên đến 6 - 7%.
Theo ông Robert Hulme, Chủ tịch CropLife Việt Nam, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, những sản phẩm bảo vệ cây trồng giả mạo là một hình thức coi thường luật pháp, đi ngược lợi ích của người nông dân, người tiêu dùng, môi trường và những giá trị hợp pháp của các nhà sản xuất và xuất khẩu. Trên thực tế, những sản phẩm bất hợp pháp có thể gây ra tác hại khôn lường với mọi cấp trong hệ sinh vật, phá hủy những cánh đồng và hơn nữa, gây ra những ảnh hưởng tai hại lên nền kinh tế của những nước xuất khẩu”.
Cạnh tranh khốc liệt
Để tồn tại trên thị trường phân bón “trămhoa đua nở” như hiện nay, các doanh nghiệp phải có nhiều chiêu “độc”. Gần đây, công ty sản xuất phân bón T.P.N (huyện Củ Chi) bị công ty T.L tố “nhái” nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ độc quyền. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng kiểm tra thì phát hiện sản phẩm bị tố “nhái” được sản xuất trước sản phẩm được bảo hộ, nên ai nhái của ai là cả vấn đề còn tranh chấp.
|
Theo Dân Việt