Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phòng chống cúm gia cầm – cần có những chủ trương kịp thời và cụ thể
24 | 09 | 2007
8 tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long đã có dịch cúm gia cầm và tại mỗi tỉnh thành, số điểm bùng phát dịch cũng không ngừng tăng lên. Thực tế cho thấy, ngay khi có những ổ dịch đầu tiên xuất hiện, tỉnh thành nào có những chủ trương chống dịch kịp thời, cụ thể và thực hiện quyết liệt, thì tỉnh đó sẽ ngăn chặn được tình trạng lây lan cúm gia cầm…

Tại Kiên Giang, ngay khi có thông tin về một đàn vịt chưa tiêm phòng bị chết hàng loạt vào đầu tháng 1/2007, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chuyên môn trong vòng một tuần lễ phải tiêm phòng xong cho số vịt mới tái đàn, dù thống kê ban đầu cho thấy số này lên đến gần 400.000 con. Tiếp đó, khi đàn vịt chết này có kết quả dương tính với H5 và thêm vài điểm nữa có gia cầm chết phải tiêu huỷ do tiếp xúc với vịt đàn từ tỉnh khác sang thì Kiên Giang tiếp tục chỉ đạo tiêm phòng cả cho số vịt của tỉnh khác đang thả nuôi trên địa bàn tỉnh mình. Sau đó là hàng loạt những chủ trương khác được ban hành liên tục như thành lập Ban chỉ huy chống dịch ở từng ấp, do chính trưởng ấp làm trưởng ban; giữ gia cầm trong phạm vi ấp, không di chuyển; gia cầm dưới 14 ngày tuổi phải được tiêu huỷ hết; tiêu độc khử trùng trên diện rộng… Những chủ trương này được thực hiện một cách quyết liệt và kết quả là Kiên Giang giữ ở mức chỉ có 6 ổ dịch ở 5 xã và không bùng phát thêm điểm dịch nào trong nhiều ngày nay, đàn gia cầm hơn 3 triệu con đang được quản lý khá tốt. Ông Trần Đắc Thắng, phó ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm huyện Gò Quao, địa phương đầu tiên của tỉnh xuất hiện ổ dịch, cho biết về việc tiêm phòng cho gia cầm tái đàn: "Sau khi huyện chỉ đạo thì các xã đã lên lịch ngày nào tiêm phòng cho ấp nào, cả huyện quyết ra quân tiêm phòng đồng loạt vét đuôi số tái đàn. Huy động thú y, y tế và những người kinh doanh thuốc thú y tham gia tiêm phòng…"

Trong khi đó, Cà Mau là tỉnh phát dịch đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long. Và chỉ với đàn gia cầm trên 800.000 con nhưng đã chính thức ghi nhận ổ dịch ở 26 xã, phường, thị trấn. Gia cầm bị chết phải tiêu huỷ cũng vẫn là những con tái đàn chưa được tiêm phòng mũi nào. Ngay từ cuối tháng 12/2006, tỉnh Cà Mau sớm đưa ra chủ trương phải tiêm cho số gia cầm tái đàn, nhưng lại không quy định thời hạn cụ thể và cho đến thời điểm này thì Chi cục thú y tỉnh cũng chỉ cho biết sẽ cố gắng tiêm xong trong 10 ngày nữa. Và dù Chi cục Thú y tỉnh liên tục khẳng định là vẫn có vắcxin để tiêm phòng nhưng ngay lúc phát dịch, nhiều xã có nhu cầu thì lại không có vắc xin. Chính vì vậy, ở nhiều điểm đã phát dịch, cách xử lý các ổ dịch chỉ là thiêu huỷ; phun thuốc sát trùng mà thiếu hẳn việc tiêm phòng cho các gia cầm xung quanh để bao vây ổ dịch.

Theo lý giải của những người làm công tác phòng chống dịch ở Cà Mau thì ổ dịch phát sinh là do gia cầm chưa được tiêm phòng tự phát bệnh chứ không phải do lây lan từ ổ dịch này sang ổ dịch khác. Vậy thì, cách thiêu huỷ toàn bộ số gia cầm nhỏ này có thể chưa phải là cách hay nhất nhưng là việc cần thiết phải làm trong thời điểm này, để ngăn chặn mầm bệnh dịch tiếp tục dây dưa ở đây.

Giáp với Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu có đàn gia cầm khoảng 1 triệu 200 con cũng bị phát dịch ở nhiều nơi. Bạc Liêu cũng có những chủ trương rất quyết liệt trong chống dịch như: thiêu huỷ gia cầm dưới 14 ngày tuổi, tiêm phòng sớm cho gia cầm tái đàn. Nhưng tình trạng gia cầm chết hàng loạt vẫn diễn ra, trong đó có 16 xã với 26 ấp chính thức có ổ dịch, ngay cả những ngày gần đây vẫn tiếp tục phát hiện thêm ổ dịch mới. Ông Phạm Hoàng Bê, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm của tỉnh lý giải nguyên nhân khiến dịch lây lan: "Nguyên nhân cơ bản là do chưa giải quyết tốt về mặt môi trường, thứ hai là không làm tốt tiêm phòng cho đàn gia cầm sau 1/9. Thực tế cho thấy số vịt chết đều là do chưa tiêm phòng".

Ngành thú y tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện chủ trương của tỉnh không quyết liệt. Việc tiêm phòng cho số gia cầm tái đàn kéo dài từ ngày 10/12 đến nay vẫn chưa xong, không huy động được lực lượng cộng tác viên cùng tiêm phòng để giải quyết dứt điểm, tiêu độc khử trùng trên diện rộng thực hiện chưa triệt để, việc khoanh vùng gia cầm mới chỉ thực hiện ở phạm vi xã, gia cầm thả đàn vẫn di chuyển từ ấp này sang ấp khác nên không loại trừ khả năng lây nan mầm bệnh. Ông Lâm Trí Thông, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bạc Liêu nói: "Do vịt chạy đồng từ nơi này sang nơi khác, việc sát trùng trên đồng ruộng thì không thể thực hiện được nên mầm bệnh còn tồn tại và khi đàn vịt mới lùa vào rất dễ phát bệnh. Vấn đề tiêm phòng cho số tái đàn đã gần 1 tháng rồi chưa hết vì lực lượng thú y quá mỏng, mỗi xã chỉ có một người, gà nuôi lẻ tẻ khó tiêm và người dân vẫn giấu".

Để chống dịch cúm gia cầm tốt, không để dịch tiếp tục lây lan, các tỉnh cần có những chủ trương nhanh, cập nhật kịp thời với thực tế diễn biến của dịch, chủ trương phải cụ thể và nhất thiết phải giám sát việc thực hiện chủ trương đó. Các tỉnh thành cũng nên rút kinh nghiệm lẫn nhau. Một ví dụ cụ thể là với địa bàn rộng - điều được coi là khó khăn nhất trong công tác quản lý và chống dịch cúm gia cầm hiện nay, thì cách làm của Kiên Giang là thành lập Ban chỉ huy ở ấp và khoanh vùng gia cầm ở phạm vi ấp cần phải được nhân rộng.



Nguồn tin: VOV
Báo cáo phân tích thị trường