Đơn hàng đầu năm: Khiêm tốn
Ông Lâm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre), cho biết hiện tại không chỉ riêng công ty ông mà các doanh nghiệp (DN) khác đều chưa ký được hợp đồng xuất khẩu, nếu có cũng chỉ vài ngàn tấn, cuối quý I-2012 mới giao hàng. Sản lượng gạo dự trữ chuẩn bị gối đầu cho các hợp đồng đầu năm ít hơn so năm ngoái. Hợp đồng trong năm 2011 chủ yếu là các hợp đồng ủy thác, cung ứng từ việc đàm phán của hiệp hội rồi phân chia cho các DN xuất khẩu. “Nếu tự ký theo dạng hợp đồng thương mại thì DN lỗ, vì DN sẽ bán không được giá, chịu sức ép rất lớn từ khách hàng. Hơn nữa mặt bằng giá gạo luôn biến động, tính toán không đúng DN phải thu mua nguyên liệu giá cao, xuất khẩu giá thấp thì lỗ chổng vó” - ông Tuấn chia sẻ.
Ông Tuấn cho biết vẫn đang có tình trạng DN mạnh ai nấy làm, âm thầm phá giá bán gây ảnh hưởng rất lớn đến thị trường xuất khẩu gạo chung của cả nước. Ví dụ như mức giá gạo 5% tấm xuất khẩu là 500 USD/tấn nhưng một số DN lại lén lút chào mời với giá thấp khoảng 460 USD/tấn. Như vậy là DN trong nước tự hại nhau. Yếu tố “bầy đàn” của DN nước ta cũng vẫn thường xảy ra, thấy DN người ta mua dự trữ nhiều mình cũng phải mua, dẫn đến giá nội địa lên cao. Đến khi thu mua xong không bán ra được, đó chính là nguyên nhân đẩy giá gạo rớt nhanh trong thời gian cuối năm. Chính vì vậy, VFA đã có hướng dẫn về mặt bằng giá gạo xuất khẩu cho các DN. Điều này sẽ giải quyết phần nào những tiêu cực kể trên. Khi VFA giữ giá sàn cao, xử phạt những DN nào bán phá giá thì giá nội địa cũng sẽ ổn định ở mức cao, lợi ích nông dân được đảm bảo.
Bốc dỡ gạo xuất khẩu tại cảng Công nghiệp tàu thủy (TP.HCM). Ảnh: TTXVN
Ông Nguyễn Quốc Trực, Tổng Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang, cho biết hiện tại DN mới chỉ ký được hợp đồng khoảng 1.500 tấn gạo cao cấp với Brunei trong tháng 1-2012. Các hợp đồng cho quý I rất nhỏ không đáng kể, còn gối đầu cho quý II-2012, DN hầu như không có. Nếu DN không đồng lòng giữ mặt bằng giá theo hướng dẫn niêm yết giá xuất khẩu của hiệp hội thì trên sân nhà DN tự đá nhau. Như vậy sẽ dẫn đến DN nước ngoài ép giá, người nông dân cũng bị ảnh hưởng.
Ông Trần Ngọc Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinh Phát, cũng cho biết hợp đồng của công ty ông cho tháng 1 và tháng 2-2012 số lượng rất ít, chỉ vài ngàn tấn.
Gạo thơm sẽ lên ngôi
Ông Lâm Anh Tuấn cho biết thị trường châu Phi đang mất dần vào tay Ấn Độ. Cước vận tải từ Ấn Độ, Pakistan đến các cảng của châu Phi thấp hơn khoảng 20 USD/tấn so với Việt Nam. Vì vậy mức giá gạo trắng của hai nước này thấp hơn giá gạo nước ta và Thái Lan khoảng hơn 100 USD/tấn. Các DN nước ngoài dựa vào mốc giá của Ấn Độ để ép giá gạo nước ta. Vì vậy năm tới Ấn Độ là đối thủ cạnh tranh lớn nhất ở dòng gạo bình thường. Tuy nhiên, gạo Ấn Độ chất lượng kém, sản lượng không lớn, gạo Việt có thể vẫn bám trụ được ở châu Phi.
Theo ông Tuấn, thị trường truyền thống như Malaysia, Philippines, Indonesia vẫn là ưu tiên hàng đầu của xuất khẩu gạo của nước ta. Ngoài ra, các DN đang tập trung khai thác các thị trường mới như Thụy Điển, Bỉ, Ý, Hong Kong, Trung Quốc, Úc ở dòng gạo cấp cao như gạo thơm, gạo đồ. Thời gian gần đây, gạo cao cấp nước ta đang khẳng định được uy tín về chất lượng ngang ngửa với Thái Lan. Ngoài ra, giá gạo của ta thấp hơn nên xuất khẩu gạo nước ta có thể tự tin chiếm lĩnh các thị trường mới và khó tính.
Đa số DN cho biết năm 2012, nông dân nên tăng cường trồng thêm lúa thơm Jasmine vì DN đang mở rộng thị trường bằng chính loại gạo thơm, giá cả cũng hợp lý, chất lượng đang được nâng cao.
Ông Phạm Văn Bảy cho biết VFA cũng đã có thông báo về việc sản xuất lúa thơm. Giống lúa cấp thấp cũng được chú trọng sản xuất song song vì nước ta cũng đang xuất khẩu số lượng lớn loại gạo này. Sắp tới trong cuộc họp tổng kết, VFA sẽ có những nhận định rõ ràng về thị trường xuất khẩu năm 2012, những chiến lược cho từng thị trường cụ thể để chúng ta giữ được thị phần và đảm bảo thu mua để người nông dân có lợi nhuận từ 30% trở lên theo chỉ đạo của Chính phủ.
Chăm sóc tốt thị trường truyền thống
DN nước ta cần giữ mối mật thiết với các nước thường xuyên nhập khẩu gạo VN với số lượng lớn như Malaysia, Philippines, Indonesia. Đồng thời, DN cũng như hiệp hội phải có những chiến lược hợp tác lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau giữa hai bên. Nếu không thị trường này sẵn sàng chuyển hướng nhập khẩu sang nước khác.
Ông LÂM ANH TUẤN, Chủ HĐQT Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát
|