Mặc dù 2 năm trở lại đây do lo ngại dịch bệnh, giá đầu vào cao, đầu ra không ổn định, tiếp cận vốn khó khăn nên nhiều người chăn nuôi quy mô nhỏ bỏ chuồng khiến tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm từ mức 70-75% xuống còn 50-55%, chăn nuôi trang trại tăng lên ở mức 13,4% (giai đoạn 2009-2010) nhưng tính trung bình thì tỷ lệ các hộ chăn nuôi theo phương thức nông hộ dẫn đầu cả về số lượng đầu gia súc gia cầm cũng như tổng sản lượng thịt.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT các tỉnh, hiện nay ở nước ta chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm chủ yếu về số đầu gia súc cũng như sản lượng thịt hơi sản xuất cung cấp cho thị trường. Hiện số lượng heo được chăn nuôi theo phương thức nông hộ nhỏ lẻ (bình quân 3- 4 con/hộ) chiếm tới 65% tổng đàn heo, cung cấp hơn ½ sản lượng thịt heo của cả nước. Số lượng đàn gà được chăn nuôi tại nông hộ cũng chiếm 70% tổng đàn và 60% sản lượng thịt gà. Năm 2008 cả nước có 7,8 triệu hộ chăn nuôi gà. Trong đó quy mô nuôi dưới 20 con là 5,2 triệu hộ, chỉ có khoảng 97.000 hộ có quy mô nuôi trên 100 con và 4.000 hộ có quy mô trên 1.000 con. Hiện nay số lượng hộ chăn nuôi gà cả nước đã giảm xuống còn khoảng 6,5 triệu hộ. Tuy nhiên số hộ chăn nuôi dưới 20 con vẫn còn chiếm khoảng 60%. Đàn trâu bò thì gần như 100% được nuôi tại nông hộ.
Nghiên cứu của Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho thấy nếu nuôi heo thịt ở quy mô 20 con trở lên thì mặc dù mức chi phí cho thức ăn chiếm hơn 63% nhưng mỗi kg thịt hơi sẽ cho lãi hơn 1.400 đồng, ngược lại nếu chỉ nuôi từ 1-2 con thì so với giá thành sản xuất, mỗi kg thịt hơi người nuôi chỉ được hưởng lãi khoảng 200 đồng. Các thống dựa trên kết quả khảo sát ở 660 hộ nuôi heo cũng cho thấy rằng nuôi heo thịt với quy mô 50 con trở lên cho hiệu quả kinh tế cao nhất, còn chăn nuôi hộ gia đình với quy mô dưới 10 con thì sẽ không có lãi hoặc lãi không đáng kể. Nhất là trong bối cảnh hiện nay tất cả các chi phí đầu vào đều tăng (tại thời điểm tháng 11 giá điện tăng 15,5%, xăng dầu tăng 43,2%, than tăng 32,3%, thức ăn chăn nuôi tăng 12-14%, chi phí vận chuyển tăng 20,2%, lãi suất vay tăng 9,2% so với hổi đầu năm 2011) thì khả năng thua lỗ càng cao.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, trong những năm tới, để phát triển bền vững ngành chăn nuôi, đồng thời tạo điều kiện để người nuôi nhỏ lẻ có hướng đi phù hợp, Cục sẽ phối hợp với các địa phương tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Trong đó các giải pháp sẽ tập trung vào 4 nhóm chính là tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu phương thức chăn nuôi, tái cơ cấu nhóm sản phẩm và tái cơ cấu phát triển vùng chăn nuôi.
Cụ thể, Cục sẽ kiến nghị Bộ NN&PTNT tăng tỷ trọng vốn cho công nghệ sản xuất giống và giết mổ. Tạo điều kiện pháp lý để khuyến khích các DN nước ngoài đầu tư vào công nghệ chăn nuôi tại VN, phối hợp với các địa phương (nhất là các tỉnh ven các thành phố lớn) nhanh chóng quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng để di dời các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, gây ô nhiễm môi trường vào các khu vực mới. Tuỳ theo điều kiện sinh thái ở từng địa phương sẽ từng bước hình thành các trang trại tập trung với quy mô vừa và lớn. Các trang trại chăn nuôi này có thể thành lập và hoạt động theo 3 phương thức chăn nuôi hộ gia đình theo quy hoạch (chỉ một chủ trang trại đầu tư); trang trại gắn với khu chăn nuôi tập trung (nhiều chủ đầu tư); trang trại chăn nuôi hỗn hợp (vừa chăn nuôi vừa trồng trọt kết hợp nuôi trồng thuỷ sản). Song song đó, các địa phương cần tiếp tục khuyến khích thành lập các hiệp hội chăn nuôi trang trại, HTX dịch vụ chăn nuôi. Tạo mọi điều kiện để các tổ chức này tiếp cận nguồn vốn, thị trường tiêu thụ cũng như kết hợp xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi từ chăn nuôi tới giết mổ và đưa hàng hoá vào siêu thị.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vang (Hội Chăn nuôi Việt Nam) sở dĩ chăn nuôi nông hộ luôn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu ngành chăn nuôi chia theo phương thức vì chăn nuôi nông hộ tận dụng được nguồn phụ phẩm nông nghiệp, đất đai, công lao động nhàn rỗi và nguồn vốn tự có. Theo ông Vang thực tế này là thực tế chung ở hầu hết các nước có thu nhập thấp trên thế giới. Thống kê của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) cho thấy trong khi ở các nước có thu nhập cao các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ đóng góp khoảng 30% tổng sản lượng thì ở các nước thu nhập thấp tỷ lệ này là trên 60%. Ông Vang cũng cho rằng, cần nhận thức đúng về vai trò của chăn nuôi nông hộ vì phương thức này mặc dù tồn tại nhiều bất cập như năng suất hiệu quả thấp, nguy cơ dịch bệnh cao, độ vệ sinh an toàn thú y kém… nhưng giúp tạo ra công ăn việc làm cũng như đóng góp rất lớn vào công cuộc xoá đói giảm nghèo. “Năm 2010 tổng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi khoảng 167 tỷ đồng. Cả nước có khoảng 23.500 trang trại. Giả thiết rằng 50% số trang trại có doanh thu 1 tỷ đồng/năm trở lên thì phần lớn giá trị sản xuất ngành chăn nuôi vẫn do 7,5 triệu hộ chăn nuôi nhỏ đóng góp. Hơn 7,5 triệu hộ nuôi này, tạo ra việc làm cho hàng chục triệu lao động nông thôn, đóng góp rất lớn cho công cuộc xoá đói giảm nghèo ở các địa phương”-ông Vang phân tích.
Tổng hợp