Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu 1,03 triệu tấn phân bón các loại, trị giá 330 triệu đô la Mỹ. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng phân bón nhập khẩu giảm 6,6% nhưng giá trị giảm đến gần 27,5%. Phân bón nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc.
Chia từng loại phân bón, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết lượng phân đạm (Urea) nhập khẩu ước đạt 22.000 tấn, trị giá 7,4 triệu đô la Mỹ, giảm khoảng 64% về lượng, nhưng giá trị giảm đến 69% so với cùng kỳ năm 2013; phân SA nhập khẩu đạt 300.000 tấn, trị giá 42 triệu đô la Mỹ, về lượng giảm 1,8% nhưng giá giảm tới 33%…
Qua số liệu thống kê chung cũng như từng loại phân bón được, rõ ràng giá phân bón nhập khẩu đã có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy giá phân bón bán đến tay người nông dân vẫn không giảm, thậm chí còn tăng ở một số thời điểm nhu cầu tăng mạnh.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Minh Đăng, Giám đốc doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp Minh Đăng (Cần Thơ), hồi cuối năm 2013 (cụ thể ở vụ thu đông năm 2013) phân đạm được doanh nghiệp ông bán ra với giá 370.000-380.000 đồng/bao 50 kg, thì hiện có giá khoảng 380.000-390.000 đồng/bao 50 kg.
Còn theo bà Nguyễn Thị Chiến, Giám đốc doanh nghiệp Hai Chiến, Cai Lậy, Tiền Giang, phân đạm hiện được doanh nghiệp bà bán ra thị trường với giá 380.000-390.000 đồng/bao 50 kg (tùy loại), ổn định so với mức giá hồi cuối năm 2013. Đối với phân DAP hiệu Đầu Trâu, hiện giá cũng ổn định so với mức giá hồi cuối năm ngoái và được bán ra với giá 510.000-520.000 đồng/bao 50 kg.
Tuy nhiên, vào những đợt cao điểm xuống giống vụ lúa đông xuân và hè thu năm nay, giá phân được các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng thêm khoảng 10.000-20.000 đồng/bao 50 kg (tùy loại) so với mức giá bình quân được họ bán ra từ đầu năm đến nay.
Lý giải nguyên nhân khiến giá phân tăng mạnh trong những đợt cao điểm xuống giống, bà Chiến của doanh nghiệp Hai Chiến thừa nhận: “Chúng tôi điều chỉnh tăng giá bán vào những đợt người dân có nhu cầu nhiều là quy luật của thị trường thôi, khi cầu tăng thì giá bán phải tăng theo, ngược lại, khi cầu giảm chúng tôi cũng cho điều chỉnh giảm lại”.
Nguồn: TBKTSG