Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lúa ế
16 | 03 | 2015
Dù đang vào đợt mua tạm trữ lúa gạo, giá lúa đông xuân tại ruộng các tỉnh ĐBSCL lại giảm liên tục. Thậm chí nhiều nơi không bán được lúa mới thu hoạch.

 Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), tính đến hết ngày 9-3 toàn ĐBSCL chỉ mới mua tạm trữ được gần 80.000 tấn lúa, tức chỉ đạt gần 8% so với chỉ tiêu 1 triệu tấn quy gạo của chương trình mua tạm trữ của Chính phủ.

Tạm trữ tại nhà

Ghi nhận tại nhiều nơi ở Vĩnh Long, những ngày này giá lúa đối với giống lúa chất lượng cao như OM 4900, OM 5451, OM 7347 chỉ 4.300-4.500 đồng/kg. Thế nhưng không dễ tìm thương lái đến mua lúa.

Giữa cái nắng chang chang, bà Nguyễn Thị Thắm (xã Phú Lộc, huyện Tam Bình) đi một vòng nhổ bỏ những bông lúa bị đen hay trụi hạt do đã quá “già” ngày tuổi. Vụ đông xuân này bà Thắm sạ giống lúa thơm (OM 4900) do những năm trước bán rất “chạy”, song đám lúa của bà vẫn chưa thể thu hoạch vì không thương lái nào chịu mua. “Bán không được, cắt về thì không có chỗ phơi, không có người phơi. Thuê người thì không biết lấy tiền đâu ra trả” - bà Thắm nói.

Gần đó, ông Lê Hoàng Thanh (cùng xã Phú Lộc) vừa thu hoạch 1,2ha lúa đã quyết định mang lúa về nhà tự “tạm trữ”. Khác với những năm trước thu hoạch xong là có thể bán ngay cho thương lái, năm nay ông phải giữ toàn bộ số lúa lại để phơi vì không có người mua.

Tương tự, trên cánh đồng lúa tại xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp sáng 14-3 không còn cảnh thương lái tấp nập mua như cách đây hai tuần, thời điểm chương trình mua tạm trữ lúa gạo mới được triển khai.

Chỉ tay về ruộng lúa chín vàng rực gần 2ha, ông Nguyễn Văn Diều cho biết phải chờ ba ngày nữa thương lái mới vào mua lúa. “Họ nói đang là đợt cao điểm mua lúa, ai cũng gọi bán lúa nên phải đợi” - ông Diều cho biết.

Ghi nhận tại địa bàn các xã An Phong, Tân Thạnh, huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp), ở nhiều nhà dân lúa khô thành đống đến nóc nhà chờ thương lái đến mua.

Ông Nguyễn Thanh Điền, xã An Phong có hơn 20 tấn lúa hàng hóa cho biết vì thời điểm trước tạm trữ giá lúa quá thấp nên gia đình ông phải mướn nhân công phơi sấy, bốc vác đem vào nhà chờ giá lúa nhích lên. Thế nhưng những ngày qua gọi mãi chẳng thấy thương lái ngó ngàng tới.

Thu hoạch nhiều, mua không bao nhiêu

Vụ đông xuân năm nay Kiên Giang có 370.000ha, được giao chỉ tiêu mua tạm trữ 82.000 tấn quy gạo, hiện đã thu hoạch hơn 50% diện tích. Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh, tiến độ mua tạm trữ đến ngày 13-3 mới gần 20.000 tấn, có doanh nghiệp chưa triển khai mua. Tại An Giang hiện đã thu hoạch được khoảng 50.000ha trên 240.000ha lúa. VFA phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này là 251.433 tấn quy gạo, đến nay đã mua được 80.000 tấn, đạt 30% chỉ tiêu.

Theo Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long, đợt tạm trữ này tỉnh được giao chỉ tiêu mua hơn 45.000 tấn quy gạo, nhưng hiện mới mua được 15% chỉ tiêu đề ra. Còn theo Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, tính đến ngày 10-3 toàn tỉnh chỉ mới mua được 25.869 tấn trên tổng số 158.471 tấn quy gạo mà tỉnh được phân bổ, tức chỉ đạt 16,3% chỉ tiêu mua tạm trữ.

Tại An Giang, tình trạng lúa ế cũng diễn ra ở nhiều nơi. Dọc hai bên tuyến quốc lộ 91 từ Châu Đốc đến Tịnh Biên lúa đã chín rũ từ lâu mà vẫn chưa thể thu hoạch vì... chờ người mua.

Nhiều thửa ruộng chuyển qua màu vàng sẫm, lúa nằm rạp. Người dân cho biết tuần qua thương lái có xuống đồng xem lúa, ngã giá mua tại ruộng loại hạt tròn 4.200 đồng/kg, còn nhóm chất lượng cao 4.400-4.500 đồng/kg nhưng chỉ đặt cọc trước và hẹn đến cuối tháng mới mua.

“Lúa 90 ngày thu hoạch mà phải để chờ quá 110 ngày mới cắt thì chắc... rụng hết” - ông Mai Văn Tươi, ấp Vĩnh Phước, P.Núi Sam, TP Châu Đốc, than vãn. Không thể chờ mãi để lúa chín nằm rạp đồng, trước đó nhiều hộ đành kêu máy gặt xong, thuê xe công nông, xe bò chở lúa về nhà trữ.

Doanh nghiệp “đủng đỉnh”

Giải thích nguyên nhân tình trạng nhiều doanh nghiệp mua lúa trong nông dân còn chậm, ông Trần Tấn Đức - giám đốc Công ty Lương thực Đồng Tháp - cho rằng đây là vụ lúa có diện tích và sản lượng lớn nhất năm, lại đang là giai đoạn cao điểm khi các địa phương đồng loạt thu hoạch.

Do đó nhiều doanh nghiệp với quy mô nhỏ, năng lực hạn chế không theo kịp thị trường. “Các lò sấy mặc dù hoạt động hết công suất vẫn không đáp ứng đủ. Chính thời điểm này mới thấy được năng lực thật sự của doanh nghiệp và cách ứng phó còn nhiều thiếu sót” - ông Đức cho biết.

Ông Nguyễn Văn Quang, phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Công thương và các doanh nghiệp được giao chỉ tiêu mua tạm trữ báo cáo tình hình mua trong mấy ngày qua, làm cơ sở để tổ chức cuộc họp tháo gỡ khó khăn.

Theo ông Quang, các doanh nghiệp trên địa bàn đang gặp khó chủ yếu trong việc tiếp cận nguồn vốn mua tạm trữ. Hiện tại chỉ mới có hai doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn mua tạm trữ, còn lại do những khó khăn riêng nên hai doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn vay tạm trữ. Riêng một công ty ngoài tỉnh (có chi nhánh trên địa bàn Vĩnh Long) đến ngày 16-3 mới bắt đầu triển khai mua.

“Dự kiến trong ngày 16-3, UBND tỉnh tiếp tục tổ chức cuộc họp giữa các bên thu mua với ngân hàng và các ngành chức năng để tháo gỡ cho doanh nghiệp, đồng thời quyết liệt hơn trong việc mua tạm trữ để giải quyết những khó khăn của nông dân” - ông Quang nói.

Bà Nguyễn Thị Hòa - một bạn hàng chuyên cung cấp gạo nguyên liệu cho nhiều doanh nghiệp chế biến lương thực ở Cần Thơ và TP Long Xuyên (An Giang) - cho biết sau khi có thông tin mua tạm trữ, giá lúa nhích lên 200 đồng/kg, riêng loại lúa thơm có chiều hướng giảm.

Trong khi đó tuần qua giá gạo nguyên liệu được các doanh nghiệp mua vào để làm gạo thành phẩm chỉ ở mức 6.250-6.350 đồng/kg. Giá lúa tăng nhưng giá gạo xô không tăng và phần lớn doanh nghiệp cũng chỉ mua lai rai khiến giới bạn hàng xáo chết dở.

“Với lúa và giá gạo xô như vậy, khoản chênh lệch không đủ bù nổi chi phí ghe cộ, thuê sấy, xay xát. Càng mua càng lỗ. Vì vậy hiện nay bạn hàng chỉ đặt tiền cọc cho nông dân, hẹn mươi ngày nửa tháng nữa mới cân lúa là để ngóng chờ tình hình doanh nghiệp mua thế nào rồi mới tính tiếp” - bà Hòa giải thích.

Ngân hàng giải ngân chậm

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 15-3, ông Lâm Định Quốc - giám đốc Công ty Lương thực Sóc Trăng - cho biết sau nửa tháng thực hiện mua tạm trữ, đến nay đơn vị này mới mua được 30% chỉ tiêu được giao (khoảng 3.000 tấn).

Các doanh nghiệp đang gặp khó vì các ngân hàng thương mại không giải ngân để doanh nghiệp trả tiền mua lúa từ nông dân. “Nếu được giải ngân sớm thì tiến độ mua lúa gạo tạm trữ sẽ đảm bảo chứ không chậm trễ như thời gian qua” - ông Quốc cho hay.

Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh gạo cho biết năm 2014 hầu hết doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo tham gia tạm trữ đều bị thua lỗ. Do đó, xếp hạng tín dụng bị các ngân hàng hạ điểm nên họ siết chặt cho vay tạm trữ vụ đông xuân năm nay.

“Nếu các ngân hàng thương mại không cho vay tiền thì các doanh nghiệp lúa gạo chúng tôi không thể mua tạm trữ đúng với chỉ tiêu được” - vị giám đốc này cho biết.



Theo Tuổi Trẻ
Báo cáo phân tích thị trường