Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lúa vàng đồng vắng bóng người mua
23 | 07 | 2010
Cho đến nay trà lúa hè thu của bà con nông dân bán đảo Cà Mau (BĐCM) đã thu hoạch rộ. Mùa này, nông dân thất mùa do đầu vụ chịu đợt nắng nóng kéo dài, đến mùa thu hoạch lại chịu ảnh hưởng của những cơn bão.
 

Tuy vậy, đó chưa phải là điều nông dân lo lắng bởi họ đang đối mặt với việc sản xuất ra hàng hóa nhưng chẳng có đầu ra. Chính phủ liên tiếp có chủ trương mua lúa tạm trữ cho nông dân nhưng xem ra chủ trương này mới tới doanh nghiệp còn người nông dân thì...

Đi qua vùng lúa ế

Cho đến nay, bà con nông dân huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) đã thu hoạch rộ trà lúa hè thu. Theo Phòng NNPTNT huyện, năng suất trà lúa này năm nay giảm mạnh, khoảng 4,2tấn/ha. Nguyên nhân được xác định do đầu vụ người nông dân đối mặt với hạn, mặn đến khi thu hoạch lai rơi đúng vào mùa mưa nên năng suất giảm đáng kể. Tuy nhiên, chuyện năng suất giảm chưa phải là lo lắng thật sự của người nông dân bởi họ đang ngồi trên lửa vì lúa đầy đồng nhưng chẳng mấy người mua.

Ông Trần Văn Tho, ấp Tà Ben, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân sản xuất trên 2ha lúa hè thu vừa rồi thu về 8 tấn lúa phân tích chi ly: “Trong tất cả vụ mùa thì vụ hè thu là khó sản xuất nhất vì mưa gió thất thường và chi phí sản xuất rất cao. Chúng tôi tính toán giá thành hạt lúa hè thu lên đến 3.200 đồng/kg nhưng bán rất chậm”.

Hiện tại giá lúa thu mua tại ruộng của khu vực này chỉ dao động 3.200 đến 3.500 đồng/kg đối với lúa khô; lúa ướt thương lái không mua họa hoằn lắm cũng chỉ mua với giá 2.200 đến 2.500 đồng/kg. Trong khi đó, nhân công cho mùa vụ này rất cao. Ông Nguyễn Văn Thanh, xã Ninh Quới cho biết: “Công cắt lúa năm nay cao quá, vừa rồi tôi có 10 công lúa bị sập họ bảo một công 250.000 đồng mới chịu cắt. Lúa sập, chất lượng, năng suất giảm bán giá thấp mà công cán lại cao, chịu sao thấu”.

Dân tự tạm trữ

Để tạm trữ lúa chờ giá, ông Trần Văn Thọ mua nhiều bao về để đựng lúa sau khi đã phơi khô. Sau đó ông để ở nhà sau chờ giá. Theo ông, đó là cách tốt nhất để giữ lúa được lâu, nhưng cũng thừa nhận là chỉ giữ được khoảng 3 tháng không bị mốc. Tại huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) tình trạng cũng tương tự. Theo Phòng NNPTNT huyện đến nay toàn huyện còn tồn trên 250.000 tấn trên tổng số gần 300.000 tấn lúa hè thu đã thu hoạch. Người dân tự tạm trữ chờ giá vì càng bán càng lỗ vốn.

Chị  Nguyễn Thị Út, xã Khánh Bình (huyện Trần Văn Thời) đành ngậm ngùi bán bớt 2 tấn lúa với giá chỉ 3.200 đồng/kg để trả tiền vật tư nông nghiệp cho các chủ vựa theo hợp đồng.

Trước tình hình lúa vàng đồng không có người mua, chính quyền địa phương đã đề nghị doanh nghiệp thu mua theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhưng mọi việc diễn ra không mấy thuận lợi. Về phí, doanh nghiệp (Cty Lương thực Bạc Liêu) cho rằng nhu cầu xuất khẩu gạo hiện nay thấp, Cty ký hợp đồng theo phân bổ của Tổng Cty lương thực miền Nam nên khó mua tạm trữ theo giá để nông dân lãi 30% theo quy định.

Về chủ trương mua tạm trữ lúa cho dân đảm bảo để người nông dân có lãi, ông Lương Phương Đông, Trưởng phòng NNPTNT huyện Hồng Dân phân tích: “Đã đến lúc Chính phủ cần hỗ trợ trực tiếp đến người nông dân thay vì hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp thu mua, bởi hơn ai hết, chính người nông dân mới tính toán được sản phẩm mình làm ra lời lỗ thế nào, đằng này giá lúa xuống thấp như vậy mà cứ đưa ra giá sàn rồi cộng vào 30% để nói nông dân lãi 30% là chưa thật sự công bằng với nông dân”.

Lúa được chở ra tận ngoài QL1A chờ người mua nhưng luôn bị hàng xáo chê lên chê xuống.
Chờ đến bao giờ

Theo tính toán của Sở NNPTNT Bạc Liêu giá thành của mùa vụ đông xuân (vụ mùa có chi phí thấp nhất và năng suất cao nhất tại Bạc Liêu) đã là 3.000đ/kg. Tuy nhiên, giá này vẫn chưa tính đến giá trị tài sản  và khấu hao tài sản (ruộng lúa) của nông dân, chính vì vậy đối với những người thuê mướn ruộng giá thành sẽ đội lên khoảng 3.600 đồng/kg.

Vụ hè thu đã chính thức thu hoạch, lúa vẫn đang đầy trong nhà bán chẳng người mua nhưng nông dân không thể ngồi nhìn ruộng bỏ hoang. Họ vẫn tiếp tục ra đồng gieo sạ vụ mùa mới trong tâm trạng không biết đến 3 tháng sau lúa có còn lãi. Ông Nguyễn Minh Đấu, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân nhắn nhủ: “Các chú nói thế nào cho giá lúa nó lên chút đỉnh chớ thêm một vụ nữa mà giá vẫn nằm như vầy thì tụi tôi chắc mang nợ hết”.

Mang lời nhắn nhủ này gửi đến ông Phan Minh Quang, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu. Ông Quang thừa nhận, chuyện giá cả hạt lúa phụ thuộc rất nhiều yếu tố, chủ yếu là thị trường xuất khẩu gạo và chủ trương tạm trữ gạo của Chính phủ. “Chúng tôi hết sức thông cảm với bà con nông dân trước tình trạng lúa hàng hóa có giá thấp, nhưng bản thân ngành nông nghiệp ở địa phương khó can thiệp. Về lâu dài chúng tôi quy hoạch, hướng bà con đến việc sản xuất lúa chất lượng cao, phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng nhằm giảm giá thành” - ông Quang phân trần.

Rõ ràng, người nông dân sản xuất ra hạt lúa để ế ẩm, bán không người mua sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Dù vậy, người nông dân vùng BĐCM này vẫn đang mòn mỏi đợi chờ giá lúa tăng lên để họ có chút lãi trang trải trong gia đình và cho con học hành vào mùa tựu trường sắp tới...



Theo www.laodong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường