Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chậm công bố giá lúa, khó cho thu mua
19 | 03 | 2010
Do phải chờ hướng dẫn giá thu mua quá lâu nên đầu tháng 3, VFA tự đứng ra tạm tính mức giá. VFA công bố giá mua từ 4.000 đồng/kg trở lên không những không được khen mà còn mang tiếng oan “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Đã thu hoạch xong vụ đông xuân nhưng đến nay Bộ Tài chính - đơn vị được Chính phủ giao nhiệm vụ vẫn chưa chịu công bố giá thành sản xuất lúa dù việc công bố nằm trong khả năng.

Doanh nghiệp đợi mòn mỏi

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thừa nhận bức xúc lớn nhất hiện nay là việc chậm công bố giá thành sản xuất lúa. Mặc dù Chính phủ giao Bộ Tài chính công bố giá thành từ đầu vụ nhưng đến nay vẫn chưa có.

Do phải chờ đợi hướng dẫn giá thu mua quá lâu trong khi lại vào vụ mùa chính đông xuân nên trong đầu tháng 3, VFA tự đứng ra tạm tính mức giá là 2.200 đồng/kg và mua tối thiểu 4.000 đồng/kg. Mức giá này đảm bảo nông dân có lời tối thiểu 30% trở lên. Để đưa ra được con số này, VFA phải dựa trên báo cáo của các tỉnh về giá thành sản xuất để làm ra sản phẩm như giống, phân bón, phí thủy lợi, thuốc trừ sâu, công lao động, phơi sấy…

Ông Phạm Thành Ngọc, Trưởng phòng Kinh doanh của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2), cho biết do điều kiện tự nhiên, sâu bệnh… khác nhau nên mỗi tỉnh sẽ có chi phí trồng lúa khác nhau. Có tỉnh chi phí chỉ 2.500 đồng/kg lúa nhưng có tỉnh sẽ trên 3.000 đồng/kg vì mất nhiều chi phí trị sâu bệnh. “Như vậy cần phải có định nghĩa giá thành sản xuất lúa bao gồm những gì để doanh nghiệp và người trồng lúa thống nhất” - ông Ngọc nói.

Ông Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết sau chỉ đạo của Chính phủ, hiện các vụ đang xây dựng kế hoạch hướng dẫn giá thành sản xuất. Tuy nhiên để làm được việc này, trước mắt Bộ Tài chính phải lấy ý kiến từ phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, VFA. Khác với những năm trước, trong năm nay, sau khi hướng dẫn giá thành sản xuất, Bộ Tài chính sẽ giao UBND các tỉnh sẽ công bố giá thu mua sau khi có tổng hợp thống kê các biểu mẫu về chi phí đầu vào từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính báo lên.

Phó Tổng Giám đốc Vinafood 2 Nguyễn Thọ Trí nói: “Việc Bộ Tài chính chậm công bố giá hướng dẫn khiến doanh nghiệp không biết mua với giá nào cho khách quan. Vừa qua, việc VFA công bố giá mua từ 4.000 đồng/kg trở lên không những không được khen mà còn mang tiếng oan “vừa đá bóng vừa thổi còi” khi vừa là người thu mua, vừa là người công bố giá thu mua”. Theo ông Trí, cơ quan chức năng cần công bố chi phí sản xuất trước hay ngay sau khi thu hoạch xong.

Xuất khẩu gạo đang khó

Một thông tin không vui cho các nước xuất khẩu gạo là mới đây, Philippines - nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới phát đi thông tin sẽ ngừng nhập khẩu gạo từ nay cho tới sau kỳ bầu cử vào tháng 5. Nếu điều này xảy ra thì trong thời gian tới, giá xuất khẩu gạo sẽ giảm. Trong đó, giá gạo xuất khẩu Việt Nam chắc chắn sẽ bị tác động mạnh bởi Philippines đang là thị trường chủ lực của nước ta.

Ngoài ra, các thị trường được đánh giá sẽ nhập khẩu một lượng gạo lớn như châu Phi, Ấn Độ… cũng đang lần lữa đợi giá xuống thấp. Riêng Ấn Độ trước đây có kế hoạch nhập khẩu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia nhưng đến nay không những không nhập mà còn cho phép xuất khẩu một số loại gạo.

Giám đốc một doanh nghiệp lương thực cho biết ngoài các hợp đồng ký tập trung cấp chính phủ thì thời gian qua, các hợp đồng thương mại hầu như vắng bóng. Giá sàn xuất khẩu ở thời điểm hiện tại mà VFA đề ra trên 400 USD/tấn được xem là thấp so với năm trước nhưng các nước nhập khẩu vẫn hy vọng giá sàn sẽ xuống thấp hơn mới quyết định mua vào.

Ông Phạm Thành Ngọc cho biết khó khăn của các nước xuất khẩu gạo là trong năm qua, nhiều nước trên thế giới lại được mùa đậu, bắp, lúa mì - lương thực được coi là thay thế cho gạo. Hiện giá trung bình xuất khẩu gạo là 360-400 USD/tấn nhưng lúa mì chỉ 260 USD/tấn.

Việc thu mua lúa tạm trữ của các doanh nghiệp đang diễn ra khá nhanh chóng. Nhưng trước tình hình xuất khẩu kém sôi động như hiện nay, cùng với việc nguồn cung liên tục được bổ sung bởi lúa đông xuân thì việc giữ được giá thu mua lúa gạo như hiện nay được coi là khó chứ không dám hy vọng giá thu mua tăng cao.

Vừa qua, thông tin Việt Nam trúng thầu bán gạo cho Iraq đã phần nào tác động tích cực đến xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, nguồn cung trong nước và thế giới tiếp tục tăng lên trong khi nhu cầu của một số nước khác chưa tăng sẽ ảnh hưởng mạnh đến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam. Hơn nữa, trong thời gian tới, gạo Việt Nam sẽ còn gặp khó khăn khi chịu sự cạnh tranh từ các nước tăng cường xuất khẩu, điển hình là Pakistan.



Theo Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường