Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nghịch lý giá thành sản xuất và giá sàn
18 | 04 | 2012
Giá thành sản xuất mà Bộ Tài chính đưa ra thấp hơn nhiều so với chi phí nông dân phải bỏ ra thật sự.

Tháng 1-2012, Bộ Tài chính công bố giá thành sản xuất lúa kế hoạch vụ đông xuân 2011-2012 của các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL với mức giá của địa phương thấp nhất là Kiên Giang 2.625 đồng/kg và cao nhất là Bến Tre 4.070 đồng/kg, mức bình quân khoảng 3.357 đồng/kg. Giá này là cơ sở để VFA nhân thêm 30% để đưa ra mức giá thu mua tạm trữ. Tuy nhiên, theo phản ánh từ nông dân và ghi nhận của ngành nông nghiệp các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp…, giá thành sản xuất cao hơn mức giá bình quân mà Bộ Tài chính đã công bố.

“Nghĩ sao mà nói tui lời?”

Tại buổi tọa đàm “Toàn cảnh ĐBSCL” diễn ra vào trung tuần tháng 3-2012 tại Cần Thơ, ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch VFA lý giải: Cơ sở đưa ra giá tạm trữ là dựa trên cơ sở giá điều tra của Bộ Tài chính công bố giá bình quân sản xuất lúa, tính thêm mức tối thiểu 30% đảm bảo cho nông dân có lời nên giá thu mua tạm trữ gần 4.400 đồng/kg. VFA đã có sự thống nhất với tổ điều hành xuất khẩu gạo để đưa giá tối thiểu 5.000 đồng/kg, tăng thêm 600 đồng, nhằm dự phòng trung gian là thương lái mua từ ruộng về phơi, hay tính chênh lệch cho nông dân chở lúa đến kho.

Tuy nhiên, nông dân Huỳnh Văn Đơm (xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, Hậu Giang) cho biết: “Gia đình tôi chỉ có tròm trèm ba công ruộng, vụ đông xuân năm nay chỉ trồng IR 50404, tính lúa giống, phân thuốc, công cắt, vận chuyển, phơi sấy tính ra mỗi ký lúa phải bỏ ra cỡ 3.600-3.700 đồng”. Còn anh Võ Thành Tiên (thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, Hậu Giang) cho biết: “Nếu dân làm lúa trên đất nhà không phải thuê mướn thì giá tròm trèm trên 3.500 đồng/kg, nếu mướn ruộng tính ra một công 3 triệu đồng/năm, cộng vào thì giá thành sản xuất đã hơn 4.500 đồng/kg”. Nếu cứ tính thẳng đuột con số như các nông dân vừa kê và giá sàn thu mua thì hẳn là nông dân có lời. Nhưng “trồng lúa ngặt lắm, trúng mùa thì thiếu máy móc, phải tranh nhau thuê công cắt, khi đó cắt lên gấp đôi, gấp ba; rồi thời tiết “chuyển mình”, hay mưa bão… là có hư hại, coi như từ huề tới lỗ chứ nghĩ gì tới chuyện lời 30%” - ông Đơm và anh Tiên nói.

Lúa trúng múa nhưng nông dân vẫn không trúng giá. Ảnh: GT

Chia sẻ với nông dân, ông Nguyễn Liên Khoa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết dù Bộ Tài chính đưa giá thành sản xuất tại tỉnh này là 3.559 đồng/kg nhưng ngành nông nghiệp và tài chính của tỉnh tính ra con số 3.700 đồng/kg, nếu nhân 30% để đảm bảo cho nông dân có lãi và cộng thêm 600 đồng dự phòng rủi ro thì số này phải trên 5.000 đồng/kg.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cũng cho biết giá thành sản xuất vụ đông xuân của tỉnh này dao động từ 3.800 đồng đến hơn 4.000 đồng/kg, cao hơn so với giá mà Bộ Tài chính công bố.

Áp giá cảm tính

ThS Nguyễn Phước Tuyên - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và thông tin (Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp) cho rằng: “Giá thành sản xuất lúa mà Bộ Tài chính đưa ra chỉ ghi nhận con số đầu tư thực tế và có thêm phần áp giá theo cảm tính. Trong khi trong thực tế còn có những giá trị vô hình chưa được tính vào, cụ thể theo kết quả điều tra của ĐH Cần Thơ, giá thành sản xuất lúa còn hai giá trị mà khi tính Bộ Tài chính chưa đưa vào là phí cơ hội và phí cố định”. Chẳng hạn, phí cơ hội là công sức lao động nông dân bỏ ra chưa được tính hoặc nếu nông dân lấy số tiền đầu tư cho trồng lúa để gửi ngân hàng thì rõ ràng có lãi, còn đất của họ thay vì để làm lúa, họ đem cho thuê cũng phát sinh thu nhập.

Một lãnh đạo ngành nông nghiệp ở ĐBSCL cho rằng giá thành sản xuất mà Bộ Tài chính đưa ra chỉ mang tính lý thuyết, trong khi thực tế hiện nay phát sinh rất nhiều. Như khi đang vào giai đoạn đông ken của mùa vụ, cuối tháng 3- đầu tháng 4 do thời tiết mưa và ảnh hưởng của bão số 1, lúa ở hàng loạt địa phương ở Hậu Giang, Đồng Tháp… ngã đổ, ngập nên công máy cắt tăng gấp đôi, từ 250.000 đồng/công tăng thành 500.000 đồng/công, có nơi không thể cắt máy thì cắt tay 600.000-800.000 đồng/công. “Vậy ai chia sẻ những cái khó và phí tổn này của nông dân? Trong trường hợp như thế, giá thành sản xuất như tính toán và được công bố liệu có đảm bảo bài toán đảm bảo 30% cho nông dân?” - vị lãnh đạo này băn khoăn.

Còn ông Nguyễn Liên Khoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thẳng thắn: “Cách tính để nông dân lãi 30% thực ra cái này chẳng qua là chuẩn định hướng, còn đảm bảo thực chất nó đúng hay không là chuyện khác. Nếu nói rằng nông dân đảm bảo lãi 30% sòng phẳng theo giá trị tuyệt đối thì xin thưa: Người dân chưa an tâm!”.

TS LÊ VĂN BẢNH, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL:

Trúng mùa nhưng lãi thấp

Vụ đông xuân là vụ chính, sản lượng lúa vụ này năm nay ở vùng ĐBSCL khoảng 11 triệu tấn, như vậy việc thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo tương đương 2 triệu tấn lúa chỉ có ý nghĩa giúp cho giá lúa không rớt thê thảm. Công bằng mà nói, chủ trương thu mua đã làm cho giá lúa đang rớt mạnh dừng lại và có hướng nhích lên chút đỉnh tuy còn thấp rất nhiều so với vụ trước.

Giá lúa tối thiểu được VFA công bố không dưới 5.000 đồng/kg lúa khô, mua tại kho của DN. Như vậy, nông dân muốn bán cho DN phải qua khâu bán cho thương lái tại ruộng hoặc phải làm khô (phơi sấy), sau đó vận chuyển bốc dỡ đến kho DN. Do vậy, sản xuất lúa vụ này tuy trúng mùa nhưng nông dân được lãi thấp hơn nhiều so với vụ trước.

Nếu các DN xuất khẩu gạo có tâm huyết, họ đã phải có kế hoạch thu mua tồn trữ. Nếu không kham nổi thì báo cáo xin chủ trương thu mua ngay từ đầu vụ. Họ không nên để khi thu hoạch rộ, nông dân khốn đốn vì không có nơi tiêu thụ, giá rớt thê thảm thì mới đề xuất thu mua tạm trữ.

Ta cần tổ chức lại sản xuất theo hệ thống ngành hàng lúa gạo, có sự liên kết chặt chẽ của bốn nhà, đặc biệt là DN và nông dân. DN cần có hợp đồng đặt hàng, đầu tư cho nông dân trồng lúa để tạo nguồn nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm, đầu tư thiết bị sấy lúa, xây dựng kho để bảo quản và có hệ thống xay xát hiện đại. Việc đầu tư này ắt làm cho DN tốn nhiều vốn nhưng nó sẽ mang lại hiệu quả khi họ có hàng hóa để chủ động trong kinh doanh xuất khẩu, xử lý tốt sau thu hoạch, tăng giá trị hạt gạo. Từ đó, DN xây dựng nhãn mác và thương hiệu để tăng chuỗi giá trị ngành hàng và có sự phân phối công bằng lợi ích cho các thành phần tham gia.

Theo tôi, “Cánh đồng mẫu lớn” của Bộ NN&PTNT đang triển khai là mô hình tốt để từ đó phát triển cánh đồng chuyên canh lúa nhưng nó phát triển nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào năng lực của DN tham gia.

 



Theo Pháp luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường