Theo đại diện một công ty xuất nhập khẩu tỉnh Kiên Giang tại hội nghị hướng dẫn triển khai thực hiện thông tư 89 tổ chức ngày 23-9 tại TPHCM, giá sàn xuất khẩu gạo cũng được tính dựa trên giá lúa định hướng hay giá sàn mua lúa. Trong khi đó, việc tính toán giá sàn mua lúa để tổ chức thu mua theo hướng dẫn vẫn còn chưa chính xác.
Điển hình như giá sàn mua lúa vụ hè thu 2011 được theo giá lúa hè thu 2010, rồi chia ra cho sản lượng của khoảng 11 tỉnh sản xuất lúa. Trong khi đó, mỗi tỉnh có sản lượng lúa rất khác nhau nên xác định giá sàn sẽ không chính xác.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp thì còn cho rằng cần phải có hướng dẫn thực tế hơn vì nội dung trong văn bản còn nhiều điểm khó hiểu. Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng cho rằng cần có quy định các hình thức xử lý các vi phạm vì việc công bố giá sàn đã trở thành quy định mang tính pháp lý, trong khi xử lý vi phạm thì chưa thấy nhắc đến.
Còn theo đại diện của Sở Công Thương Long An, cũng cần công bố cách tính giá sàn xuất khẩu gạo mà trước đây Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã từng áp dụng và thường xuyên công bố trên website của hiệp hội để so sánh và làm rõ hơn các điểm khác biệt với cách tính mới của Bộ Tài chính.
Đại diện của nhiều doanh nghiệp cho rằng việc tính toán và đưa ra giá sàn xuất khẩu gạo còn mang nặng tính lý thuyết và chưa sát với thực tế trong bối cảnh thị trường lúa gạo luôn biến động.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục quản lý giá nói, Bộ Tài chính chỉ là người đưa ra phương pháp tính, còn việc tính toán và hàng tháng báo cáo là trách nhiệm của Hiệp hội Lương thực Việt Nam xác định và công bố theo từng thời kỳ, báo cáo cho Bộ Tài chính và Bộ Công Thương để giám sát.
Theo ông Tuấn, các doanh nghiệp phải tự tính, báo cáo về hiệp hội, dựa trên đó, hiệp hội sẽ đưa ra 1 mức giá sàn nhất định rồi báo cáo lên 2 bộ.
“Trong tháng vừa rồi, hiệp hội cũng đã có giá sàn và gửi lên Bộ Tài chính nhưng chúng tôi vẫn nghiên cứu xem có tác động như thế nào lên xuất khẩu gạo” ông nói.
Hai phương pháp chủ yếu trong tính giá sàn xuất khẩu gạo gồm phương pháp chi phí, xác định dựa trên giá vốn xuất khẩu bình quân theo từng tiêu chuẩn, phẩm cấp và mức lợi nhuận dự kiến.
Phương pháp thứ 2 là phương pháp khấu trừ, dựa trên giá gạo theo từng phẩm cấp được doanh nghiệp Việt Nam giao dịch trên các thị trường nhập khẩu chính do VFA xác định sau khi chiết trừ chi phí xếp dỡ và vận chuyển quốc tế, bảo hiểm vận tải, bảo hiểm hàng hoá, phí bến cảng, phí hải quan, kiểm tra chất lượng.
|
Theo TBKTSG