Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lo tranh giành nguyên liệu
22 | 09 | 2011
Theo Bangkok Post, từ ngày 7.10 tới, Thái Lan sẽ bắt đầu chương trình trị giá 470 tỷ baht (gần 16 tỷ USD) nhằm nâng giá thu mua gạo cho nông dân lên 15.000 baht/tấn (khoảng 500 USD), gần gấp đôi mức giá trung bình 8.500 baht/tấn hiện tại.

Và chính sách mua gạo với giá cao theo chương trình trợ giá cho nông dân của Thủ tướng Yingluck Shinawatra có thể làm giá gạo tại nước này tăng 20%.

Nhưng theo giới quan sát, có lẽ Thái Lan không duy trì chương trình này được lâu. Bởi quốc gia này vẫn bị “ám ảnh” bởi gánh nặng kinh tế, chính sách bao cấp như vậy sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm. Và không chỉ các chuyên gia, mà chính các Đảng đối lập của Thái Lan cũng đã và sẽ phê phán chương trình bao cấp lúa gạo này rất mạnh.

Cái lợi chưa tính tới, nhưng cái dễ thấy là gánh nặng ngân sách, làm cách nào kham nổi? Năm 2008, Thái Lan từng áp dụng kế hoạch hỗ trợ nâng giá gạo khiến thị trường gạo xuất khẩu của nước này lỗ 16 tỷ baht!

Chỉ có điều, dù “tuổi thọ” có dài ngắn đến đâu, nhưng chương trình này vẫn sẽ được thực thi. Bởi đó là một trong những cam kết đã giúp bà Yingluck Shinawatra ngồi được lên ghế Thủ tướng. Một chuyên gia về lúa gạo cho biết, khi chương trình này thực thi, về lý thuyết thì Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi. Bởi áp giá mua mới, tức giá gạo xuất khẩu của Thái Lan sẽ tăng, nên gạo Việt Nam cũng sẽ theo đó tăng theo.

Nhưng hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo tương ứng với sản lượng sẽ thu hoạch trong những tháng cuối năm nên cũng khó hy vọng gạo tăng giá nhiều trong thời điểm này. Nhưng điều chắc chắn xảy ra khi Thái Lan áp dụng giá mua mới, là tình trạng “buôn lậu” gạo sẽ diễn ra rầm rộ. Giới kinh doanh chắc chắn sẽ tìm nguồn lúa gạo nguyên liệu rẻ được nhập lậu từ Việt Nam và Campuchia.

Như vậy, Campuchia chắc chắn sẽ hưởng lợi, bởi xuất khẩu gạo của họ chưa lớn và việc Thái Lan tăng cường mua để nhập lậu sẽ giúp lúa gạo nước này tăng giá. Nhưng còn Việt Nam? Nếu không có chính sách quản lý tốt, các doanh nghiệp chưa hưởng lợi bao nhiêu nhờ giá gạo lên thì phải đau đầu vì thiếu nguyên liệu khi phải “tranh mua” với Thái Lan và cả Trung Quốc (như lâu nay). Thậm chí, lại càng có nhiều doanh nghiệp buộc phải phá vỡ hợp đồng xuất khẩu vì không dự báo được sự tăng giá của nguyên liệu khi có quá nhiều phía tham gia mua.

Theo Dân Việt



Báo cáo phân tích thị trường