Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường thức ăn chăn nuôi: Bất ổn vì thiếu chiến lược
14 | 04 | 2009
Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TĂCN) của thế giới trong vòng 1 tháng qua đã tăng trở lại khiến doanh nghiệp (DN) nhập khẩu phải hoạt động cầm chừng, nông dân lao đao. Làm thế nào để bình ổn nguồn TĂCN, giúp người nông dân ổn định và có lãi?

Thị trường đỏng đảnh!

Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam, hiện nay, giá trị nguyên liệu TĂCN nhập khẩu chiếm khoảng 70% tổng giá trị nguyên liệu được đưa vào sản xuất TĂCN. Thời gian qua, giá cả nguyên liệu thế giới lên xuống hết sức thất thường, đặc biệt là khô dầu đậu tương - mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của các DN sản xuất TĂCN trong nước, khiến các DN lao đao, nông dân thua lỗ. Chỉ trong vòng một tháng, giá mặt hàng này dao động liên tục từ 370 USD/tấn tới 430 USD/ tấn. Nếu ở thời điểm giữa tháng 2, khô dầu đậu tương có giá 430 USD/tấn thì đến giữa tháng 3 giảm xuống còn 380 USD/tấn rồi chỉ đến đầu tháng 4 lại tăng vọt lên 420 USD/tấn. 

Hiện tại, khô dầu đậu tương là mặt hàng nhập khẩu chủ yếu với kim ngạch khoảng 2,5 triệu tấn mỗi năm nhưng diễn biến trên thị trường thế giới đối với mặt hàng này đang rất phức tạp. Ấn Độ là thị trường cung cấp số 1 khô dầu đậu tương cho Việt Nam từ trước đến nay, tuy nhiên, từ tháng 3 đến nay, giá khô dầu đậu tương tại thị trường này đang rất cao, chênh lệch tới 20 USD/tấn so với các thị trường khác. Còn Chính phủ Ác-hen-ti-na (nước cung cấp khô dầu đậu tương nhiều thứ hai cho Việt Nam) lại đang có chính sách đánh thuế suất tới 25% với mặt hàng này, làm giá đội lên khá cao.

Doanh nghiệp chưa "hoàn hồn"

Hết quý I-2009, tổng giá trị nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu chỉ đạt 248 triệu USD, giảm gần 52% so với cùng kỳ năm 2008. "Mức dao động giá lớn và sự không ổn định tại các thị trường nhập khẩu khiến các DN không  thể dự đoán được nên chỉ dám nhập cầm chừng" - ông Lê Bá Lịch nhận định.

Trao đổi với Hànộimới, một số DN chế biến cho biết, họ phải giảm nhập khẩu nguyên liệu TĂCN là do việc tiêu thụ TĂCN trong nước (đặc biệt là thức ăn thủy sản) giảm trong khi giá nguyên liệu trên thế giới đã tăng trở lại và tỷ giá USD tăng cao khiến DN nhập khẩu ở vào thế bất lợi. Bên cạnh đó, nhiều DN chế biến thức ăn thủy sản phải hoạt động cầm chừng do diện tích nuôi trồng thủy sản đang giảm mạnh, nhiều hộ nuôi cá tra, ba sa phải treo ao nên lượng thức ăn thủy sản bán ra của nhiều đơn vị đang bị giảm tới 60% so với hồi cuối năm 2008. Đến nay, các DN vẫn chưa "hoàn hồn" sau "vố đau" cuối năm vừa rồi vì nhập ồ ạt nguyên liệu TĂCN với giá ngất trời sau đó bị lỗ nặng nên trước sự đỏng đảnh của thị trường thế giới những ngày vừa qua, họ chọn cách "ngồi chơi" để quan sát.        

Xây dựng sàn giao dịch và quy hoạch vùng nguyên liệu

Mới đây Hiệp hội TĂCN đưa ra chủ trương xây dựng sàn giao dịch  nhằm kiểm soát giá cả ở lĩnh vực này. Sàn giao dịch TĂCN có mô hình hoạt động giống sàn giao dịch chứng khoán, mọi biến động về giá và lượng cung - cầu, nguyên liệu cũng như thành phẩm sẽ được công khai. Tuy nhiên, chỉ riêng về vốn quỹ đất để xây kho chứa cũng đã đòi hỏi một khoản đầu tư rất lớn nên ít nhất đến năm 2020 mới có thể tiến hành được. Trước mắt, các chuyên gia cho rằng để giảm bớt phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài, Nhà nước nên quy hoạch vùng nguyên liệu cho ngành chăn nuôi. Theo phân tích của Hiệp hội TĂCN Việt Nam, hiện nay, nước ta đang phải nhập gần 100% loại nguyên liệu dùng để sản xuất thức ăn hỗn hợp, trong khi nước ta có tiềm năng về một số loại nguyên liệu như: ngô, khô dầu đậu tương...

Hiện nay, cả nước chỉ có khoảng 300.000ha trồng đậu tương, nên mỗi năm mới sản xuất ra khoảng hơn 300.000 tấn đậu tương, chỉ đủ cho nhu cầu làm đậu phụ và đồ uống nên khô dầu đậu tương phải nhập 100% ở nước ngoài.

Đối với vùng trồng ngô, với lợi thế có nhiều diện tích đất vùng trung du để trồng ngô nhưng hiện nay nước ta mới trồng khoảng 1 triệu héc-ta ngô, năng suất lại rất thấp nên sản lượng ngô cả nước mới đạt khoảng 4 triệu tấn ngô. So với nhu cầu sản xuất TĂCN, mỗi năm nước ta phải nhập khoảng 500 nghìn đến 1 triệu tấn ngô. Vì vậy, bên cạnh việc quy hoạch vùng, mở rộng diện tích trồng ngô, cũng cần đầu tư hệ thống thủy lợi để đưa năng suất ngô lên cao. Đối với một số loại nguyên liệu khác như bột cá, ông Lịch cho rằng, cần hình thành rõ vùng nuôi, xây dựng hệ thống thu gom... để từng bước giảm dần việc nhập bột cá của nước ngoài.

Hiện nay, có một nghịch lý là, trong khi các DN phải nhập khẩu nguyên liệu TĂCN thì một số loại nông sản sản xuất trong nước phải bán với giá quá rẻ. Đây là do chất lượng nguyên liệu trong nước không bảo đảm do quá trình thu hoạch và bảo quản của nông dân chưa tốt. Vì vậy, cần đầu tư nguồn vốn cho nông dân tăng cường hệ thống kho bãi, phơi, sấy, bảo quản để bảo đảm chất lượng nông sản, cung cấp nguồn nguyên liệu sản xuất TĂCN.      



Nguồn: Hànộimới Online
Báo cáo phân tích thị trường