Thưa ông, trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo giảm tới 32% về lượng và gần 30% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Mới đây, đã có tín hiệu lạc quan khi doanh nghiệp Việt Nam nhận được nhiều đơn hàng từ Trung Quốc, nhưng có không ít lo ngại về rủi ro ở thị trường này. Ông nhận định gì về việc này?
Đúng là vừa rồi, đơn hàng xuất khẩu gạo có tăng, nhưng chủ yếu từ thị trường Trung Quốc, mỗi ngày có hàng vạn tấn gạo xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là cơ hội tốt cho xuất khẩu gạo Việt Nam. Thực tế, với dân số đông, nhu cầu lớn và đa dạng, Trung Quốc luôn là thị trường tiêu thụ nông sản chủ yếu của Việt Nam, Tuy nhiên, thị trường này cũng chứa đựng nhiều rủi ro, bởi hai nguyên nhân sau.
Thứ nhất, những quy chế thương mại thông thường giữa hai nước còn bộc lộ nhiều bất cập.
Thứ hai, xuất khẩu nông sản của nước ta sang Trung Quốc chủ yếu qua đường tiểu ngạch, không có kiểm soát, nên rủi ro càng lớn.
Tham gia xuất khẩu gạo đã lâu, nhưng tại sao nước ta vẫn thường bị động trước diễn biến của thị trường?
Nguyên nhân là thời gian qua, chúng ta chưa quan tâm nhiều tới thị trường, hầu như chỉ quan tâm đến sản xuất, đến tăng năng suất, tăng sản lượng hơn là tăng chất lượng. Rõ ràng, trong mối quan hệ giữa thị trường và tăng trưởng sản xuất, thì thị trường có vai trò quyết định. Nếu có thị trường thì sản xuất sẽ phát triển, nếu có cầu thì cung sẽ tăng.
Để tránh lúa gạo rớt giá, Chính phủ đã thực hiện chương trình mua tạm trữ lúa gạo. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây chỉ là giải pháp ngắn hạn. Nếu xu hướng giảm giá kéo dài, đâu là giải pháp để hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp?
Tạm trữ là chính sách cần thiết để giá lúa khỏi xuống thấp, khi vụ mùa bước vào thu hoạch rộ. Với Việt Nam, nếu không có những chính sách hỗ trợ ngắn hạn đó, sẽ khó khắc phục những khó khăn đột biến xảy ra với sản xuất lúa gạo. Điều này cũng thể hiện sự yếu kém của chúng ta trong dự báo thị trường, dự báo những yếu tố tác động đến thị trường. Vì vậy, để điều hành xuất khẩu gạo hiệu quả hơn, công tác dự báo cần được nâng cao hơn nữa.
Dĩ nhiên, về thị trường, mọi diễn biến đều có thể xảy ra. Năm 2012, xuất khẩu gạo của Việt Nam dự kiến gặp nhiều khó khăn, nhất là gạo phẩm cấp thấp, vì xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Pakistan và Myanmar. Trước mắt, Chính phủ quyết định thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo trong 3 tháng để giảm căng thẳng về giá lúa lúc thu hoạch rộ và để người dân có vốn sản xuất vụ hè thu. Sau đó, tùy diễn biến thị trường, sẽ có những giải pháp tiếp theo.
Về lâu dài, để tháo gỡ khó khăn thị trường, cần nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu để đáp ứng các thị trường gạo phẩm cấp cao. Bên cạnh đó, phải tăng cường tiếp thị để mở rộng thị trường.
Thái Lan định hướng sản xuất gạo chất lượng cao từ đã lâu, trong khi ở Việt Nam, người dân vẫn đua nhau xuống giống lúa chất lượng thấp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp nào điều chỉnh tình trạng này thời gian tới không, thưa ông?
Chúng ta có dân số đông hơn, với diện tích đất trồng lúa chỉ là 7,3 triệu ha. Trong khi đó, Thái Lan dân số ít hơn, diện tích đất lúa lại lớn hơn (khoảng 10 triệu ha) nên họ chỉ gieo cấy một vụ, có điều kiện sử dụng giống cổ truyền, dài ngày, năng suất thấp, nhưng chất lượng cao. Chúng ta không thể theo Thái Lan và cũng không chạy theo Thái Lan.
Dĩ nhiên, cần khắc phục tình trạng xuống giống phẩm cấp thấp ngoài quy hoạch. Ngay từ đầu vụ đông xuân vừa qua, chúng tôi đã khuyến cáo các tỉnh chỉ sử dụng tối đa 15 - 20% diện tích lúa phẩm cấp thấp. Thế nhưng, có địa phương, diện tích sử dụng lúa phẩm cấp thấp vẫn lên tới 50% do giống lúa này dễ tính, năng suất cao, ổn định.
Để khắc phục tình trạng này, phải điều chỉnh cơ cấu giống, giảm tối đa giống lúa phẩm cấp thấp.