Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
WB: Kháng thuốc ở người và động vật có thể đẩy hàng triệu người lâm vào cảnh nghèo
22 | 09 | 2016
Nếu tình trạng kháng thuốc trên người và động vật lan rộng không kiểm soát, nghiên cứu của WB cho rằng khoảng 28 triệu người sẽ lâm vào cảnh nghèo đến năm 2050, và một thế kỷ tiến bộ về chăm sóc sức khỏe sẽ bị kìm hãm.

Đến năm 2050, GDP toàn cầu hàng năm sẽ giảm ít nhất 1,1%, mặc dù mức suy giảm có thể lên tới 3,8%, tương đương cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 – WB cho biết trong báo cáo công bố trước thềm cuộc họp cấp cao tại UN tuần này.

Sự gia tăng loại siêu khuẩn kháng thuốc gây ra bởi tăng sử dụng và sử dụng sai cách các loại kháng sinh và các thuốc kháng vi trùng khác trong trị bệnh trên người và động vật. Theo ông Tim Evans, giám đốc cao cấp của WB về sức khỏe, dinh dưỡng và dân số cho biết: “Chúng ta không thể để mất đi thành tựu trong thập kỷ qua đạt được nhờ kháng sinh. Bằng bất cứ biện pháp nào, chi phí để giải quyết tình trạng kháng thuốc là quá lớn và cần phải được giải quyết khẩn trương, triệt để.”

Lượng kháng sinh sử dụng trong nông nghiệp cao hơn nhiều so với sử dụng để trị bệnh trên người và phần lớn việc sử dụng thuốc là để kích thích tăng trưởng vật nuôi hơn là trị bệnh, theo nhà kinh tế học Jim O’Neil cho biết trong một báo cáo hồi tháng 5. Báo cáo của ông O’Neil ước tính rằng tình trạng kháng thuốc lan rộng có thể cướp đi sinh mạng của hơn 10 triệu người đến năm 2050, tăng từ hơn nửa triệu người hiện nay, và chi phí trị bệnh sẽ tăng vọt.

Nông dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. WB ước tính đến năm 2050, sản xuất chăn nuôi toàn cầu có thể giảm từ 2,6 – 7,5% nếu vấn đề kháng thuốc không được giải quyết. Theo ông Evans, đầu tư thiết lập năng lực chăm sóc sức khỏe thú y cơ bản đang rất bức thiết tại các nước đang phát triển. Giám sát dịch bệnh được nâng cao, các phòng thí nghiệm chuẩn đoán nhằm đảm bảo bệnh được xác định nhanh chóng, kiểm tra các cơ sở sản xuất nông nghiệp và lò mổ, tập huấn cho thú y viên và giám sát sử dụng kháng sinh cũng rất cần thiết.

FAO ước tính 60.000 tấn kháng sinh được sử dụng trên vật nuôi hàng năm, con số này đang tăng nhanh do nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm thịt. Một trong những cách quan trọng nhất để giảm sự phát tán các khuẩn kháng thuốc là thúc đẩy các thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, theo ông Juan Lubroth, trưởng cơ quan thú y của FAO cho biết.

Nhu cầu đối với thực phẩm không bị nhiễm bệnh, đào tạo các chuyên gia chăm sóc sức khỏe – bao gồm bác sỹ cho người và bác sỹ thú y – cũng rất quan trọng để giải quyết vấn đề. Bệnh viện và các công ty dược cũng cần tham gia tích cực hơn để giải quyết vấn đề.

Theo Reuters



Gappingworld
Báo cáo phân tích thị trường