Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hiện đại hóa nông nghiệp ĐBSCL: Gieo hạt hôm nay, 10 năm sau hái quả
03 | 06 | 2009
Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) dự báo trong 10-20 năm tới diện tích lúa và năng suất lúa của ĐBSCL không tăng. Điều này sẽ đe dọa an ninh lương thực và thu nhập, đời sống của hàng chục triệu nông dân trong tương lai gần. TTCT đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ PHAN HIẾU HIỀN (Trường ĐH Nông lâm TP.HCM).

- TS Phan Hiếu Hiền: Năm 2007 sản lượng lúa của ĐBSCL là khoảng 19 triệu tấn trên 1,9 triệu ha đất. Dự báo năm 2020 diện tích sản xuất lúa giảm còn 1,8 triệu ha, cao lắm cũng chỉ đạt 21 triệu tấn lúa. Trong 20 năm qua, sản lượng lúa tăng nhiều nhờ các tiến bộ về nông học, nhưng dần dần sẽ không tăng nhanh được như trước. Năm 2020 dân số ĐBSCL sẽ tăng khoảng 3 triệu người, còn cả nước tăng khoảng 13 triệu người. Điều này cảnh báo rằng nếu tiếp tục “duy trì” nền nông nghiệp lạc hậu như hiện nay thì đến lúc đó chúng ta sẽ “chén” hết lúa gạo làm ra, không còn xuất khẩu được nữa.

* ĐBSCL có đặc điểm “cái gì cũng yếu kém” nhưng gánh trên vai trọng trách quá lớn: đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu lúa gạo. Theo ông, điều này có quá sức với nông dân ĐBSCL hay không?

- Gánh nặng và trọng trách đó đã được nông dân ĐBSCL hoàn thành xuất sắc trong 20 năm qua. Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ vắt kiệt sức họ mà không “bồi bổ” gì thì chắc chắn tới lúc nào đó họ sẽ bị “đột quỵ” mà thôi. Điều tôi muốn nói ở đây là phải đẩy nhanh hiện đại hóa nông nghiệp ĐBSCL. Dĩ nhiên, song song đó cũng cần san sẻ trọng trách đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu cho sáu vùng nông nghiệp khác của cả nước.

* Hiện đại hóa nông nghiệp đòi hỏi phải có chiến lược, tiền bạc và thời gian. Theo ông, chúng ta nên ưu tiên đầu tư vào những trọng điểm nào?

- Nông nghiệp là lĩnh vực lớn bao gồm nhiều mặt: sinh học, thủy lợi, hóa học, cơ khí... đã được ông cha ta tóm tắt rất súc tích là: “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Nhà nước và nhân dân đã đầu tư nhiều vào công tác thủy lợi và sẽ tiếp tục nhiều hơn nữa. Sinh học và hóa học đã đạt được nhiều thành tựu trong 20 năm qua (giống lúa năng suất cao và kháng dịch bệnh, nhiều loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hữu hiệu...). Chúng ta cũng có đội ngũ các nhà khoa học nông nghiệp rất đông đảo, nhiệt tâm và đặc biệt có sự theo dõi quản lý khá sâu sát của Nhà nước. Tuy nhiên, vấn đề cơ giới hóa (ở đây là chữ “cần”) hầu như chỉ là tự phát của người dân, cộng thêm vài cố gắng lẻ tẻ của một số nhà nghiên cứu. Tôi cho rằng đây chính là điểm yếu nhất cần phải ưu tiên khắc phục.

* Cụ thể là làm gì, thưa ông?

- Cần ưu tiên tập trung cho các thiết bị góp phần tăng năng suất cây trồng, đồng thời giảm vật tư đầu vào và các thiết bị giảm hao hụt sau thu hoạch. Đó là ba loại máy: san phẳng mặt ruộng điều khiển bằng laser (san laser), máy gặt đập liên hợp và máy sấy lúa.

* Vì sao phải đầu tư ba loại máy này mà không phải các loại khác?

- San laser có khả năng biến những mảnh ruộng chênh lệch bề mặt 0,1-1m thành ruộng phẳng, chỉ chênh lệch 0,02m (giữa điểm cao nhất và điểm thấp nhất). Công nghệ này đã được ứng dụng rộng rãi trên thế giới và hiệu quả rất cao. Từ năm 2005 Viện Lúa quốc tế (IRRI) đã chuyển giao công nghệ này cho Trường đại học Nông lâm TP.HCM áp dụng thử nghiệm ở Bạc Liêu, An Giang, Lâm Đồng... với tổng diện tích đã san hơn 100ha. Hiệu quả ghi nhận được khá rõ, đó là giảm 50% số lần bơm nước và giảm chi phí dầu diesel, giảm lượng phân bón, giảm mật độ cỏ dại còn 45-66%, bỏ bớt bờ bao ruộng, nghĩa là diện tích canh tác tăng thêm 4-7%.

Thửa ruộng lớn hơn sẽ thuận lợi cho cơ giới hóa. Lúa cứng cây, ít đổ ngã, thuận tiện cho máy gặt đập liên hợp thu hoạch. Và cuối cùng, năng suất lúa cao hơn khoảng 350-800 kg/ha. Chất lượng xay xát thể hiện qua tỉ lệ gạo nguyên cao hơn khoảng 3%, do hạt lúa chín đều hơn. Quy ra lợi nhuận tăng thêm 1,5-2,5 triệu đồng/vụ/ha.

Còn máy gặt đập liên hợp sẽ góp phần khắc phục được tình trạng thiếu nhân công, giảm tỉ lệ thất thoát. Hiện nay, một máy gặt đập liên hợp chỉ cần bốn người vận hành có thể thu hoạch 4ha trong một ngày, tổng tổn thất dưới 2% hoặc dưới 3% (tùy vụ). Theo Viện Lúa ĐBSCL, nếu toàn vùng thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp thì mỗi vụ sẽ không bị thất thoát 300.000 tấn lúa.

Để giữ chất lượng, nghĩa là để xay xát đạt tỉ lệ gạo nguyên cao, bảo quản được hơn nửa năm cần phải sấy đạt 14% độ ẩm. Nhưng hiện nay sản lượng lúa sấy đạt độ ẩm này chưa bao nhiêu mà chủ yếu sấy đạt 17-18%. Nếu sấy đạt chuẩn sẽ tránh được thất thoát chất lượng do xay lúa ướt, tính ra khoảng 7% giá trị hạt lúa.

* Vốn đầu tư cho ba loại máy trên là bao nhiêu? Và nên đầu tư theo hướng nào là nhanh nhất, thưa ông?

- Một thiết bị san phẳng laser có giá khoảng 150 triệu đồng (làm được 50 ha/năm), máy gặt đập liên hợp khoảng 150-200 triệu đồng (bề rộng cắt 1,6-2m), một cụm máy sấy 100 tấn/ngày (gồm năm máy sấy đảo gió, năng suất 10 tấn/mẻ, liên hợp với nhà máy xay xát 6 tấn/giờ) giá khoảng 600 triệu đồng. Số vốn đầu tư này hoàn toàn có thể thu hồi được chỉ trong vòng hai năm mà thôi. Nếu dùng máy sấy tháp hiện đại hơn, ít tốn lao động hơn thì đầu tư khoảng 2 tỉ đồng, thời gian hoàn vốn khoảng năm năm.

Về cơ bản vẫn là huy động đầu tư từ người dân. Thực tế cho thấy trung bình cứ 200 hộ nông dân thì chắc chắn sẽ có một hộ đủ sức đầu tư vài trăm triệu đồng. Do đó phải tổ chức được các mô hình kinh doanh có lãi cho người dân thấy để họ mạnh dạn đầu tư. Để tạo được các mô hình kinh doanh này cần sự hỗ trợ của Nhà nước như: hỗ trợ khoa học kỹ thuật và tài chính cho doanh nghiệp sản xuất máy móc, cho nông dân vay ưu đãi lãi suất 0% trong 4-8 năm hoặc lâu hơn nữa theo nguyên tắc “hỗ trợ để sau này không hỗ trợ nữa”. Vì vậy cũng nên cho nhập thiết bị của nước ngoài để sau này không nhập nữa. Vốn hỗ trợ làm mô hình có lẽ không thiếu, từ vốn nghiên cứu, vốn khuyến nông, vốn hỗ trợ doanh nghiệp, vốn vay ngân hàng, kể cả từ WB, ADB...

* Hiện đại hóa nông nghiệp đòi hỏi nông dân phải nắm rõ và sử dụng có hiệu quả các loại máy móc thiết bị hiện đại. Ai sẽ giúp đào tạo nông dân đây, thưa ông?

- Chính những mô hình kinh doanh hiệu quả đã và sẽ có ở ĐBSCL là trường học tốt nhất cho nông dân. Đã là “trường” thì phải không quá xa. Vài xã phải có một mô hình để người dân không phải đi quá 20km. Tính ra ĐBSCL cần ít nhất 100 mô hình cho mỗi loại máy. Các lớp khuyến nông và đào tạo cũng tập trung quanh các mô hình này. Theo tôi, nên đào tạo theo hình thức: các trường ĐH, viện nghiên cứu, các nhà sản xuất thiết bị... huấn luyện cho cán bộ nòng cốt. Họ sẽ huấn luyện lại cho cán bộ cơ sở hoặc trực tiếp cho nông dân. Ngoài ra, hệ thống truyền thông (sách báo, phát thanh truyền hình, Internet) nên có nhiều chuyên mục thông tin về hiện đại hóa nông nghiệp, để nông dân có cơ hội tự học.

* Theo ông, đến bao giờ chúng ta mới cơ bản hoàn thành việc cơ giới hóa nông nghiệp, trước mắt là ba loại máy móc thiết bị mà ông đề xuất? Và khi đó bức tranh nông nghiệp ĐBSCL sẽ như thế nào?

- Ước tính ĐBSCL trong 10 năm tới cần có 15.000 máy gặt đập liên hợp. Trong 20 năm tới cần 20.000 máy san laser và 2.000 cụm máy sấy. Khi đó cùng với các tiến bộ đồng hành về nông học, nền nông nghiệp sản xuất lúa của ĐBSCL và VN sẽ hiện đại không thua ai cả.

Vấn đề quan trọng chính là sự khởi đầu. Hiện nay, tốc độ phát triển kinh tế chung thường được quy hoạch 7-8%. Gấp đôi mức này (15%) đã là tăng trưởng “nóng”, đòi hỏi nỗ lực vượt bậc, còn gấp ba (25%) có thể nói là chuyện thần kỳ. Nhưng thực tế trên lĩnh vực nông nghiệp đã có chuyện thần kỳ này rồi. Đó là số lượng máy sấy tăng với mức hơn 15% trong 20 năm qua, máy gặt đập liên hợp tăng hơn mức 25% trong năm năm qua. Như vậy, nếu bây giờ có 100 máy thì 10 năm sau, với nỗ lực vượt bậc sẽ có được 400-900 máy. Điều này muốn nói rằng nếu chúng ta bắt đầu “gieo hạt” ngay trong năm 2009-2010 thì mới mong “gặt hái” được thành quả sau 10 hoặc 20 năm tới.



(tuoitre.com.vn)
Báo cáo phân tích thị trường