Năm 2005, ngành trồng và chế biến điều đã đạt và vượt cả 4 chỉ tiêu quan trọng về nhân điều thô, giá trị sản lượng, kim ngạch xuất khẩu và năng lực chế biến mà Quyết định 120 đã phác thảo đến năm 2010. Mức tăng trưởng cao này đã đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất và xuất khẩu điều chiếm vị trí thứ 2 trên toàn thế giới.
Trong nước, đến hết quý 3/2006 mặc dù hạt điều vẫn là ngành hàng nông sản có giá trị kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 4 sau gạo, cà phê, cao su. Trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới WTO, nhiều tình huống đòi hỏi ngành điều phải có sự nỗ lực hơn nữa.
TS. Lương Văn Tác, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp cho rằng bên cạnh những thành tựu lớn, việc thực hiện QĐ 120/TTg trong thực tế đã bộc lộ những hạn chế phải giải quyết trong thời gian tới để ngành điều phát triển bền vững. Quyết định 120/TTg có ghi: "Ưu tiên phát triển điều ở duyên hải miền Trung…" trong thực tế đây lại là nơi không hoặc ít thích hợp với sinh thái cây điều, lại gặp thiên tai nên tỷ lệ đậu quả thấp, hạt và nhân điều nhỏ.
Đề án 120/TTg cũng đề ra việc bố trí 120.000 ha điều ở rừng phòng hộ, lấy hạt năng suất 0,12 tấn/ha… là không hiện thực bởi cây điều nếu không được đầu tư chăm sóc như một cây nông nghiệp thì cả 2 mục tiêu lấy hạt và phong hộ cũng không đạt kết quả cao!
Đề án gợi ý không xây mới mà tập trung các nhà máy chế biến thành 22 cơ sở bình quân mỗi nhà máy 10.000 tấn thô/năm. Ý tưởng này cũng không hoàn toàn đúng nên trong quá trình thực hiện, các địa phương và các doanh nghiệp cũng tự ý chuyển đổi theo tình hình thực tế.
Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Ninh Thuận thẳng thắn cho biết mặt hàng hạt điều từng đem lại kim ngạch xuất khẩu hàng chục triệu USD/năm nay bị giảm sút mạnh. Nguyên do vì niên vụ vừa qua vùng nguyên liệu chính ở miền Đông Nam Bộ bị mất mùa, nhiều nhà máy phải sử dụng nguồn hạt thô mua từ miền Trung.
Do bảo quản kém từ khâu sơ chế nên loại hạt này bị nám đen một bên, ra chào hàng giá sụt xuống dưới 3 USD/kg! Hạt điều Việt Nam nổi tiếng trên thế giới về chất lượng và hương vị đậm đà nhưng do lượng hạt thô trong nước cung cấp không đủ, các nhà máy phải nhập khẩu hàng năm tổng cộng 100.000 tấn hạt thô từ châu Phi, Indonesia. Các đầu mối trung gian quốc tế cũng có nhiều thủ thuật giao hàng phẩm cấp thấp nên sản phẩm hạt điều Việt Nam có nguy cơ mất tiếng thơm!
Nhiều ý kiến cũng cảnh báo gia nhập WTO rồi, biểu thuế xuất nhập khẩu mặt hàng hạt điều thô là 0%, nên các đại gia chế biến hạt điều của thế giới (như Công ty Olam của Ấn Độ đã hoạt động ở Việt Nam khá lâu) với các chiến thuật trên thương trường sẽ nắm giữ phần lớn nguồn nguyên liệu tốt để củng cố thương hiệu mình. Các doanh nghiệp Việt Nam với những khó khăn về đồng vốn, chưa có mối gắn kết giữa người sản xuất nguyên liệu và nhà chế biến sẽ gặp khó chồng lên khó.
Mặc dù thực hiện diện tích đạt 127,51% so với Đề án nhưng các vùng nguyên liệu đã thay đổi. Vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đạt mức cao: 150 – 148%, duyên hải Nam Trung Bộ chỉ đạt 52%, đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn: 27%. Năng suất bình quân của cây điều tăng trưởng 6,55% trong 10 năm qua nhưng chỉ có miền Đông Nam bộ và Đắk Nông, Đắk Lắk là đạt năng suất cao hơn 1 tấn/ha.
Nếu chỉ dừng lại ở mức năng suất này thì với giá cả hiện tại, người nông dân sẽ chỉ đạt mức trên dưới 10 triệu đồng/ha/năm khá xa với mức phấn đấu mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề ra là 50 triệu đồng/ha đất nông nghiệp. Ngành điều liệu có giữ được quỹ đất trong cuộc cạnh tranh quyết liệt của các loại cây trồng?
Đến nay mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng tại các vùng điều trọng điểm ở miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên vẫn có nhiều nhà vườn biết cải tạo vườn cũ bằng giống mới và đầu tư thâm canh nên đã đạt năng suất 4 – 5 tấn/ha. Số nhà máy chế biến đã tăng từ 60 – 219 cơ sở với công suất thiết kế 674.200 tấn/năm, nhiều nhà máy thành lập sát vùng nguyên liệu.
Duyên hải Nam Trung Bộ cũng có những tiểu vùng phù hợp, cây điều cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, nhưng để ngành điều phát triển đứng vững trong cuộc cạnh tranh thời hội nhập, việc quy hoạch, tổ chức sản xuất từ nông nghiệp đến sản xuất công nghiệp cần được điều chỉnh lại. Đề án phát triển điều theo Quyết định 120/TTg đến 2010 là 500.000 ha, chỉ nên dừng lại ở diện tích hiện có, tập trung cải tạo thâm canh cho diện tích 400.000 – 440.000 ha. Công suất thiết kế của các nhà máy cần được đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ để giữ vị trí xứng đáng đang có trên thị trường thế giới