ĐẨY MẠNH ÁP DỤNG KỸ THUẬT
Thường xuyên thăm vườn, xạc cỏ, dọn cành, hun đốt lá khô và tích cực kiểm tra tình hình sâu, bệnh hại cây điều... đó là những công việc được hộ ông Đỗ Đình Lâm, thôn 1, xã Phú Văn thực hiện trong thời điểm này. Ông đã phun 1 đợt phân bón lá để kích thích rụng lá già, ra lá non và bổ sung chất dinh dưỡng cho cây. Như nhiều hộ dân trong vùng, vườn điều của gia đình ông cũng bị sâu đục thân, bọ xít muỗi gây hại... Song, nhờ có sự chăm sóc chu đáo, kịp thời nên 1,6 ha điều của gia đình ông giờ đây phục hồi tích cực, nhất là bệnh khô cành, cháy lá, mang lại những tín hiệu khả quan. Chia sẻ với chúng tôi, ông Lâm cho biết: “Những năm trước, sâu bệnh trên cây điều xuất hiện nhiều lắm, hết sâu đục thân lại đến bọ xít muỗi... Sau đó, tôi tham gia tập huấn, về áp dụng vào chăm sóc vườn nhà nên lúc này cây điều nhà tôi sinh trưởng và phát triển tốt”.
Cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây điều cho các nông hộ
Trong vụ điều 2017-2018, hộ ông Hoàng Văn Toan (thôn 1, xã Phú Văn) có vườn điều được xã chọn làm điểm để tổ chuyên môn của tỉnh, huyện hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho các hộ dân trong thôn. Là mô hình điểm nên hộ ông Toan còn được hỗ trợ 50% kinh phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ quá trình chăm sóc cho 1 ha điều (mô hình điểm) của gia đình. Đây là điều kiện thuận lợi, không chỉ giúp vườn điều của gia đình ông, mà còn giúp những nông hộ khác có cơ hội học hỏi, tích lũy kiến thức áp dụng vào thực tế. Ông Toan nói: “Gia đình tôi rất vui khi có vườn điều được chọn làm điểm, có cán bộ kỹ thuật về hướng dẫn chăm sóc và cũng như các hộ trồng điều trong khu vực được tuyên truyền, phổ biến kiến thức chăm sóc vườn điều. Gia đình tôi sẽ thực hiện tốt các kỹ thuật theo hướng dẫn của cán bộ, mong vụ điều năm nay được mùa, được giá”.
HỖ TRỢ NÔNG DÂN CHĂM SÓC VƯỜN ĐIỀU
Trên địa bàn huyện Bù Gia Mập hiện có 20.417 ha điều, giảm 40 ha so với cùng kỳ năm 2016 do ảnh hưởng chung của thiên tai, sâu bệnh gây hại. Trước tình hình đó, trong năm 2017, cùng với việc phối hợp triển khai mở các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, các cơ quan chuyên môn của huyện còn in, phát tài liệu về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây điều cho nông dân các xã.
Đặc biệt, để nâng cao năng suất vụ điều, ngay từ đầu mùa, tổ công tác của huyện đã phối hợp tổ công tác của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn triển khai chương trình hỗ trợ nông dân chăm sóc vườn điều, niên vụ 2017-2018. Chương trình được chia làm 2 giai đoạn, nhằm hướng dẫn cụ thể kỹ thuật tỉa cành tạo tán, chăm sóc cây điều cùng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, bón phân cân đối theo từng thời điểm sinh trưởng của cây. Theo đó, đã có khoảng 50 ha điều của 50 hộ dân thuộc 50 thôn của 8 xã được chọn làm mẫu. Được biết, ngoài hỗ trợ người dân về kỹ thuật, các mô hình điểm sẽ được Nhà nước hỗ trợ 50% vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho đến khi thu hoạch, số kinh phí còn lại do các hộ dân đối ứng.
Đánh giá về tình hình sinh trưởng và phát triển của cây điều trên địa bàn, ông Lê Đào Thanh Hải, Phó chủ tịch UBND xã Phú Văn cho biết: “Trên địa bàn xã hiện cây điều đã phục hồi được khoảng 50-60%, số ít đã ra chồi non, hoa, còn lại đang trong giai đoạn rụng lá. Có lẽ vụ điều năm nay sẽ rất khó khăn đối với các nông hộ chuyên canh cây điều. Tuy nhiên, thời gian qua các cấp, ngành đã tích cực hỗ trợ nhà nông chăm sóc vườn điều, hy vọng vụ điều 2017-2018 sẽ đạt năng suất tốt”.
Ông Lê Viết Kiên, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật huyện Bù Gia Mập, nói: “Qua tập huấn hướng dẫn nông dân cách chăm sóc vườn điều, chúng tôi thấy những vườn điều được hỗ trợ của tổ tập huấn hiện nay hồi phục rất tốt, bộ lá đã ra lá non hoàn chỉnh và đang chuẩn bị ra hoa. Vì vậy, người dân cần chú ý chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại kịp thời và phải có biện pháp kỹ thuật để hạn chế tác động xấu của thời tiết đến năng suất, chất lượng điều”.
Phạm Công - Văn Nguyên