Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Con đường phát triển nông nghiệp bền vững - Bài 2: Chưa đạt hiệu quả như mong muốn
04 | 04 | 2018
Phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế là hướng đi đã rõ, nhưng những năm qua, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp ở đây vẫn còn nhiều bất cập, chưa tạo động lực mạnh mẽ để nhân rộng các mô hình phát triển nông nghiệp giá trị cao và bền vững.

Cho đến nay, sự phát triển chính của vùng vẫn dựa trên nền nông nghiệp tăng trưởng theo chiều rộng. Mặc dù quá trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng giá trị và bền vững đã được triển khai tích cực tại nhiều địa phương nhưng các mô hình nông nghiệp giá trị cao và bền vững với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu vẫn còn chưa thực sự phổ biến. 

*Còn nhiều thách thức 

Đánh giá việc thực hiện 3 năm tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan nhìn nhận tỉnh đã xem việc thúc đẩy liên kết doanh nghiệp – nông dân, hợp tác xã trong thực hiện chuỗi giá trị là một trong những giải pháp chính. “Gần đây có một tín hiệu đáng mừng là có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch trong nông dân, từ những nông dân trẻ 9X đến các lão nông”, Bí thư Lê Minh Hoan cho biết. 

Tuy nhiên, theo ông Hoan, những mô hình sản xuất hiệu quả, thân thiện với môi trường chỉ là những “điểm son” nhỏ trong bức tranh ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp còn nhiều “gam màu tối”, thách thức do việc tổ chức sản xuất vẫn manh mún, nhỏ lẻ. Chính vì vậy, việc mở rộng phương thức sản xuất nông nghiệp xanh còn gặp nhiều vướng mắc. 

Ông Hoan chia sẻ, "cái vướng lớn nhất chính là “thói quen, tập quán và tư duy” sản xuất của nông dân chậm thay đổi, sản xuất theo đám đông, không gắn với thị trường của doanh nghiệp. Quan điểm sản xuất xanh, sạch nhưng vẫn bán giá như sản xuất “bẩn”, trong khi sản xuất “bẩn” thì nhiều nơi vẫn bán được cho thương lái, không sợ không có đầu ra”. 

Vấn đề sản xuất “bẩn”, tập quán canh tác như ông Hoan đề cập không chỉ phản ánh sự thiếu bền vững của ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, mà còn phản ánh cho nhiều địa phương khác của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Tại tỉnh Bạc Liêu, báo cáo tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong năm 2017 ghi nhận tình trạng người nông dân vẫn còn tập quán sử dụng lượng giống gieo sạ cao, lên tới 150 kg/ha, chiếm gần 22% diện tích gieo trồng và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn khuyến cáo. Đến nay, chỉ có khoảng 20% diện tích lúa có doanh nghiệp bao tiêu. Điều đáng nói là các cơ sở kinh doanh sản phẩm nông, thủy sản của tỉnh còn nhỏ lẻ nên việc thực hiện mô hình chuỗi sản xuất an toàn còn hạn chế. 

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung nhìn nhận, những nguyên nhân nói trên ngoài những yếu tố khách quan thì một nguyên nhân chủ quan chính là trách nhiệm của chính quyền chưa tới nơi tới chốn. “Vận động người dân sản xuất theo hướng xanh, sạch nhưng hiệu quả đầu ra không rõ ràng. Chúng ta chưa đi đến trách nhiệm cuối cùng nên sự đồng lòng của người dân bị hạn chế. Do đó, muốn tạo được sự đồng lòng đó chính là phải tạo ra hiệu quả về kinh tế”, Chủ tịch Dương Thành Trung cho biết. 

Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, muốn phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nông sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì phải giải quyết gốc rễ của vấn đề là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Dù rằng, việc phát triển hợp tác xã kiểu mới nhằm xóa bỏ cách tổ chức sản xuất lạc hậu nói trên đã được Chính phủ, chính quyền địa phương của vùng quan tâm triển khai trong những năm qua. Nhưng đến nay, các tổ chức tập thể này lại chưa phát huy hiệu quả và chưa thu hút được nhiều nông dân tham gia, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp theo hình thức hợp đồng nông sản vẫn còn còn ít và lỏng lẻo. 

Đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, sự phát triển thiếu bền vững của ngành nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã bộc lộ trong những năm gần đây khi tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp của vùng đã chậm lại, từ mức 7,15%/năm giai đoạn 2001-2010, xuống còn khoảng 5% vào giai đoạn 2011- 2016. 

Cụ thể là sự phát triển của ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông sản của vùng còn chậm, số lượng cơ sở kinh doanh trong ngành công nghiệp chế biến của vùng năm 2016 khoảng hơn 107.000 cơ sở, chỉ chiếm khoảng 13,3% tổng số cơ sở sản xuất chế biến cả nước, thấp hơn nhiều so với các vùng khác. 

Cơ cấu nội ngành nông nghiệp của vùng cũng đang dịch chuyển với tốc độ khá chậm, đến gần đây vẫn chủ yếu dựa vào trồng trọt (trên 60% tổng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản) và sinh kế của người nông dân cải thiện tương đối chậm so với mặt bằng chung cả nước. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người hàng tháng của người dân là 1,8 triệu đồng, thấp hơn mức trung bình toàn quốc khoảng 200.000 đồng. 

*Cần hành động cụ thể 

Thời gian qua có nhiều ý kiến cho rằng, nên sớm ban hành các chính sách mạnh mẽ hơn nữa nhằm khuyến khích tích tụ ruộng đất nhằm xây dựng vùng sản xuất lớn, “dọn đường” cho công nghiệp chế biến tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, các quy trình sản xuất tiên tiến, thúc đẩy sản xuất an toàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch theo chuỗi giá trị. Đây sẽ là một “chìa khóa” để đưa ngành nông nghiệp phát triển bền vững, đúng tinh thần Nghị quyết 120/NQ – CP của Chính Phủ nhằm phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long trước thách thức biến đổi khí hậu. 

Những ý kiến này hoàn toàn hợp lý, thế nhưng một vấn đề đặt ra là những chính sách đó không chỉ được đặt ra ở một góc độ “cộng đất” từ mảnh đất nhỏ sang mảnh đất lớn hơn để tăng sản lượng. Mà cần phải nhìn nhận thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” ngay từ nhà quản lý cho đến người nông dân. Đây là điều quan trọng nhất lúc này như nhiều chuyên gia kinh tế nông nghiệp đã khuyến nghị. 

Cụ thể hơn, từ thực tế ghi nhận tại vùng nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương của vùng phải có những hành động quyết liệt, mạnh mẽ thúc đẩy vai trò tiên phong của hợp tác xã nông nghiệp liên liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong tất cả các ngành hàng, các khâu sản xuất đến lưu thông trong mối liên kết chặt chẽ giữa tiểu vùng và toàn vùng. 

Theo các chuyên gia nông nghiệp, để thúc đẩy vai trò tiên phong nói trên của hợp tác xã thì nhà nước không nên có những quy hoạch “cứng”, “bàn tay hữu hình” của nhà nước càng can thiệp sâu, đặc biệt là can thiệp sâu vào thị trường, trồng cây gì, nuôi con gì, quy định sản lượng là hành động sai lầm. Thay vào đó hãy cho người nông dân kết nối được thông tin thị trường và tự quyết định việc sản xuất của mình. 

“Nghĩa vụ của nhà nước là giúp nông dân nâng cao năng lực và cung cấp nhiều nhất thông tin cho nông dân, cùng nông dân thảo luận. Tự nông dân sẽ suy nghĩ, nắm được giá, giảm chi phí sản xuất và sản xuất sạch”, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan khẳng định. 

Chính vì vậy, chỉ ra những “điểm nghẽn”, tìm ra giải pháp khai thông sức mạnh của hợp tác xã chính là vấn đề hết sức quan trọng, tác động trực tiếp đến nông dân. Bởi trong mối quan hệ giữa nông dân - nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà nước trong thời buổi mới, người nông dân rất cần và phải tiếp cận nguồn tri thức nông nghiệp tiên tiến, nông nghiệp 4.0. Người nông dân không phải chỉ đơn thuần sản xuất mà cần trở thành chủ thể tham gia và làm ra chuỗi giá trị gia tăng để mang lại lợi nhuận cho chính mình. Doanh nghiệp, nhà khoa học có vai trò định hướng, định hình để kích hoạt người nông dân tham gia vào công nghệ, tiếp cận kiến thức khoa học./. 

Theo TTXVN

 



Báo cáo phân tích thị trường