Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Truy xuất rau quả xuất sang Trung Quốc: Không nên quá lo ngại!
29 | 04 | 2018
Trước yêu cầu truy xuất nguồn gốc hoa quả xuất sang Trung Quốc, các doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả Việt Nam lo ngại do có những yêu cầu thay đổi đối với thị trường này. Đây đang là mối quan tâm chung của ngành hàng rau quả Việt Nam.

Việc cơ quan chức năng tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) yêu cầu truy xuất nguồn gốc đối với rau quả đang là mối quan tâm chung của ngành hàng rau quả Việt Nam.

Thực tế cho thấy, đến thời điểm này, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc vẫn đang bình thường và nhiều khả năng không bị ảnh hưởng nhiều từ quy định nói trên.

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc từ đầu năm đến nay vẫn đang tiếp tục thuận lợi. Trong quý đầu tiên của năm, thị trường Trung Quốc tiếp tục thể hiện rõ là thị trường quan trọng nhất của rau quả Việt Nam. Cụ thể, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc trong quý 1 đạt 726,625 triệu USD, tăng 41,97% so cùng kỳ 2017 (Trung Quốc là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 10 thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam). Với giá trị xuất khẩu như trên, Trung Quốc đang chiếm tới 74,9% tổng giá trị XK rau quả của Việt Nam.

Theo bà Đặng Thu Thủy, chuyên viên thương mại của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), đến thời điểm này, hoạt động xuất khẩu rau quả (chủ yếu là trái cây) sang Trung Quốc vẫn diễn biến một cách bình thường, chưa thấy khó khăn, trở ngại gì.

Đóng gói quả thanh long phục vụ xuất khẩu. (Nguồn: Internet)

Ông Trần Ngọc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, cho biết, các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn đang xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc bình thường. Theo ông Hiệp, Quảng Tây chỉ chiếm khoảng 10% lượng rau quả Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Quảng Đông mới là tỉnh chiếm phần lớn lượng rau quả Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Khi vào Quảng Đông, một lượng lớn rau quả Việt Nam được đưa tiếp sang tỉnh Quảng Châu để phân phối cho khu vực phía Đông của Trung Quốc. Vì những yếu tố trên mà việc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) yêu cầu rau quả lưu thông trên địa bàn tỉnh này phải có truy xuất nguồn gốc, sẽ chưa gây ảnh hưởng nhiều tới xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc.

Mặt khác, các yêu cầu truy xuất nguồn gốc rau quả của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Tây vẫn đang mang tính hình thức là chính. Các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tự cung cấp thông tin về nhà vườn, nhà xưởng đóng gói… cho nhà nhập khẩu ở Quảng Tây.

Dầu vậy, các DN xuất khẩu rau quả cũng không thể vì thế mà không quan tâm tới việc truy xuất nguồn gốc rau quả xuất khẩu sang Quảng Tây nói riêng và Trung Quốc nói chung (nếu như sau này sẽ có quy định ở cấp quốc gia của Trung Quốc đối với truy xuất nguồn gốc rau quả). Bà Đặng Thu Thủy cho biết, từ khi có thông báo của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) về truy xuất nguồn gốc rau quả, nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đã chủ động liên hệ với các nhà nhập khẩu Trung Quốc để tìm hiểu rõ các quy định nhằm chủ động thực hiện theo đúng các yêu cầu của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Tây.

Theo ông Trần Ngọc Hiệp, nếu DN có quyết tâm và làm một cách nghiêm túc, thì làm truy xuất nguồn gốc cho rau quả XK không có gì khó khăn lắm. Vấn đề đang được đặt ra hiện nay là nhiều vùng sản xuất rau quả XK chưa có mã số vùng trồng. Nhiều DN XK rau quả Việt Nam, mới chỉ có code để XK sang Mỹ, EU…, mà chưa có code XK sang Trung Quốc. Do đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần sớm quan tâm tới việc cấp mã số vùng trồng, cấp code cho các DN XK rau quả sang Trung Quốc cũng như các thị trường khác.

Theo Vinafruit, trong tháng 4 này, ước tính kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 353,782 triệu USD, ước tăng 10% so tháng 4/2017. Ước tính trong 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả đã đạt 1,323 tỷ USD, tăng 29,5% so cùng kỳ năm ngoái.

Theo KTNT

 



Báo cáo phân tích thị trường