Đất nước Đông Nam Á này thường xuyên phải nhập khẩu gạo từ Việt Nam và Thái Lan, với lượng thường trên 1 triệu tấn hàng năm, để đáp ứng nhu cầu nội địa và duy trì tồn kho gạo. Bộ trưởng Nông nghiệp Emmanuel Piñol năm 2017 tuyên bố rằng Philippines có thể sản xuất đủ gạo để đáp ứng nhu cầu nội địa vào năm 2020 với sự giúp sức của dịch vụ thủy lợi miễn phí và các chính sách khác của chính phủ để thúc đẩy sản lượng gạo.
“Tôi không tin chúng ta có thể sản xuất đủ gạo để đáp ứng nhu cầu”, ông Duterte phát biểu trước các lãnh đạo của các trường đại học công tại tòa nhà tổng thống. “Nếu bạn hỏi tôi trong vòng bao nhiêu năm nữa, tôi cho rằng chúng ta sẽ luôn phải nhập khẩu gạo”, ông Duterte nhấn mạnh. Ông cho rằng đất nông nghiệp suy giảm và dân số tăng khiến mục tiêu sản xuất đủ gạo đáp ứng nhu cầu nội địa ngày càng xa vời.
Tháng 4/2018, ông Duterte đã yêu cầu Cơ quan Thực phẩm Quốc gia (NFA) tăng cường các kho gạo đang cạn kiệt lên mức tương đương 60 ngày tiêu dùng trên cả nước, tương đương 1,92 triệu tấn. Cho đến nay, NFA đã mua 500.000 tấn gạo, chủ yếu từ Việt Nam và Thái Lan và chuẩn bị nhập khẩu lượng bổ sung lên tới 805.200 tấn.
Ngày 13/6, ông Duterte tuyên bố ông muốn các kho của NFA đầy gạo “tới tận nóc”. “Tôi không quan tâm nếu chúng ta phải bán lượng gạo này với giá thấp hơn giá mua nếu có thể cung ứng đầy đủ cho thị trường”. Giá gạo bán lẻ tại Philippines đã liên tục tăng từ đầu năm đến nay do thiếu nguồn cung gạo được chính phủ trợ cấp trên thị trường, dẫn tới châm ngòi cho lạm phát tăng lên mức cao nhất trong vòng ít nhất 5 năm vào tháng 5 vừa qua.
Theo Reuters (gappingworld.com)