Khối lượng xuất khẩu gạo tháng 7 năm 2018 ước đạt 382 nghìn tấn với giá trị đạt 195 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,9 triệu tấn với kim ngạch gần 2 tỷ USD, tăng 12,2% về khối lượng và tăng 29,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
6 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất nhập khẩu gạo của Việt Nam với 26,8% thị phần (891,7 nghìn tấn tương đương 474,8 triệu USD, giảm 27,4% về khối lượng và giảm 14,6% về giá trị). Tiếp theo là Indonesia với 18,2% thị phần (đạt giá trị 322 triệu USD), Philippines với thị phần 10,4% (đạt giá trị 183,5 triệu USD). Các thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017 là Indonesia (đạt 322 triệu USD), Iraq (đạt 85,5 triệu USD gấp 2,5 lần), Malaysia (đạt 138,2 triệu USD tăng gấp 2,1 lần), Philippines (đạt 183,4 triệu USD, tăng 76,8%), và Bờ Biển Ngà (đạt 66,4 triệu USD, tăng 16,8%).
Trong tháng 7, nhu cầu gạo nguyên liệu phục vụ xuất khẩu giảm do các doanh nghiệp đã hoàn tất các hợp đồng xuất khẩu cho Indonesia và Philippines. Trong khi đó, nguồn cung trong nước tăng từ vụ Hè Thu khiến giá gạo trắng 5% tấm còn 385 USD/ tấn, giảm 14,4% so với tháng trước, thấp hơn giá gạo cùng loại của Thái Lan (397 USD/ tấn) và Ấn Độ (410 USD/ tấn). Giá lúa gạo trong nước cùng thời điểm cũng giảm. Tại ĐBSCL, giá lúa tươi IR50405 đạt bình quân 5.000 đồng/kg, giá lúa khô IR50405 bình quân 6.000 đồng/kg, thấp hơn 100 – 200đồng/kg so với cùng kỳ tháng trước. Giá lúa Jasmine và lúa thơm cũng giảm xuống còn 6.300 đồng/kg với lúa khô và 5.600 đồng với lúa tươi, thấp hơn khoảng 100 – 200 đồng so với tháng trước. Tuy nhiên, giá lúa các loại vẫn cao hơn từ 400 – 600 đồng/kg so với cùng thời điểm năm 2017.
Về cơ cấu gạo xuất khẩu, trong 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu của gạo trắng 5% tấm đạt 550,4 triệu USD, chiếm tỷ lệ cao nhất 30,8%, chủ yếu sang thị trường Indonesia và Philippines. Các loại gạo thơm có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2 với giá trị 472,6 triệu USD chiếm tỷ lệ 26,5%, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc, Ghana và Iraq. Gạo nếp đứng thứ 4 sau gạo trắng 15% tấm với giá trị xuất khẩu 249,3 triệu USD, chiếm tỷ lệ 13,9%. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ gạo nếp lớn nhất với thị phần 81,6% mặc dù từ tháng 7/2018, Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch với gạo nếp từ 5% lên 50% khiến xuất khẩu gạo nếp sang thị trường này giảm mạnh và giá xuất khẩu giảm 50 – 60 USD/tấn so với trước khi áp thuế còn 425 – 435 USD/tấn. Ngoài ra, xuất khẩu gạo cũng bị ảnh hưởng do Trung Quốc tăng cường kiểm soát nhập khẩu và nâng cao tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Qua phân tích diễn biến thị trường, dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam trong nửa cuối năm 2018 có dấu hiệu tích cực từ thị trường Philippines với nhu cầu nhập thêm 500.000 tấn gạo vào tháng 12. Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ sẽ có khả năng cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh như Việt Nam hay Thái Lan do Chính phủ Ấn Độ vừa công bố nâng giá mua gạo từ nông dân lên 13% so với cùng kỳ năm ngoái bắt đầu từ vụ mùa hiện tại. Nhu cầu nhập khẩu của Iraq trong các tháng tiếp theo sẽ tăng do Iraq đang phải cắt giảm diện tích canh tác lúa để đối phó với tình trạng thiếu nước. Ngoài ra, các nước Châu Phi vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo tăng để đáp ứng nhu cầu nội địa ngày càng cao. Đây là những cơ hội cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, ngành gạo cũng sẽ đối mặt nhiều khó khăn khi muốn tăng xuất khẩu do thị trường lớn nhất là Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu và tăng cường kiểm soát chất lượng. Đồng thời giá gạo cũng sẽ khó đạt được mức cao do đồng USD tăng giá gây sức ép lên giá xuất khẩu, nguồn cung từ vụ Hè Thu ở Việt Nam, Thái Lan cũng đang tăng cao. Do đó, các doanh nghiệp cần tập trung đẩy mạnh kiểm soát chất lượng gạo xuất khẩu và tìm kiếm thêm các thị trường xuất khẩu mới.
Lưu ý:
Mặc dù xuất khẩu gạo trong các tháng tiếp theo được dự báo sẽ có nhiều cơ hội do nhu cầu nhập khẩu về cuối năm của một số thị trường chính như Philippines và các nước Trung Đông sẽ tăng. Tuy nhiên, ngành gạo cũng sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn khi muốn tăng xuất khẩu trong những tháng tiếp theo do thị trường lớn nhất là Trung Quốc đã tăng thuế nhập khẩu gạo nếp và tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu vào nước này. Đồng thời, giá gạo cũng sẽ khó giữ ở mức cao do đồng USD tăng giá gây sức ép lên giá xuất khẩu; nguồn cung ở Việt Nam và Thái Lan cũng đang tăng do sắp thu hoạch vụ Hè-Thu với tín hiệu được mùa. Do đó, các doanh nghiệp cần tập trung đẩy mạnh kiểm soát và nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, chủ động tìm kiếm thêm các thị trường mới có nhiều tiềm năng hơn, có giá trị cao.
Theo IPSARD - MARD