Nuntawan Sakuntanaga, thư ký thường trực thương mại, cho biết các chính sách ngành gạo này phần lớn tương tự như các chính sách hỗ trợ niên vụ lúa 2017/18, bao gồm 3 phần: cơ chế cho vay đối với những nông dân đồng ý hoãn bán lúa và hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho chi phí thu hoạch và cải thiện chất lượng lúa gạo ngay sau thu hoạch; cơ chế cho vay đối với các HTX nông nghiệp để thu mua lúa gạo và gia tăng giá trị cho lúa gạo; chương trình cho vay lãi suất ưu đãi 3% đối với các thương nhân ngành lúa gạo đồng ý giữ gạo trong kho và hoãn bán.
Các chính sách này sẽ triển khai từ cuối tháng 10/2018 đến tháng 3/2019, ngoại trừ tại các tỉnh miền nam do hoạt động sản xuất tại khu vực này trễ hơn cả nước. Các chính sách này sẽ triển khai tại khu vực miền nam cho tới tháng 6 – 7/2019. Cơ chế cho vay đối với nông dân hoãn bán lúa gạo và hỗ trợ tiền mặt cho hoạt động thu hoạch và gia tăng giá trị cho lúa gạo ngay sau thu hoạch sẽ dành khoản ngân sách khoảng 22 tỷ Baht và cơ chế cho các HTX nông nghiệp vay để thu mua lúa gạo và gia tăng giá trị vào khoảng 12,5 tỷ Baht. Cơ chế cho vay ưu đãi đối với thương nhân ngành gạo hiện vẫn chưa có thông tin chi tiết.
Các chính sách này được kỳ vọng sẽ giúp hoãn nguồn cung 9,5 triệu tấn gạo – cao hơn so với mức 6,4 triệu tấn gạo trong niên vụ trước. Các chính sách này nhằm điều tiết nguồn cung gạo ra thị trường, đặc biệt là trong giai đoạn thu hoạch cao điểm, bà Nuntawan cho ay. Theo đó, chính phủ sẽ trợ cấp tiền mặt 1.500 Baht/rai cho hoạt động thu hoạch và gia tăng giá trị cho lúa gạo ngay sau thu hoạch, giới hạn ở 18.000 Baht/hộ và không quá 12 rai. Những nông dân đủ điều kiện tham gia chính sách này là các nông dân sản xuất nhỏ, có đăng ký với Cơ quan Khuyến nông Thái Lan. Nông dân cũng được hỗ trợ 11.800 Baht/tấn gạo Hom Mali, 10.200 Baht/tấn gạo nếp, 7.500 Baht/tấn gạo trắng và8.900 Baht/tấn gạo thơm Pathum Thani nếu họ đồng ý giữ lúa gạo trong kho theo cơ chế điều tiết nguồn cung của chính phủ.
Hội đồng cũng phê chuẩn gói tín dụng 250 triệu Baht cho nông dân từ Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác Nông nghiệp để tự xây dựng các kho thóc, với tối đa 150.000 Baht/cá nhân và 3 triệu Baht/tổ chức nông dân với lãi suất hàng năm chỉ 1%.
Theo Bangkok Post (gappingworld.com)