Xuất khẩu gạo giảm nghĩa là Ấn Độ sẽ mất thị phần tại các thị trường châu Á và châu Phi quan trọng, theo các thương nhân trong ngành dự báo, trong khi nguồn cung xuất khẩu gạo từ các nước như Thái Lan, Việt Nam và Myanmar có thể sẽ lấp đầy khoảng trống Ấn Độ để lại.
Tuần trước, chính phủ Ấn Độ thông báo sẽ nâng giá thu mua lúa tối thiểu cho nông dân thêm 13% so với niên vụ trước, lên 1.750 Rupees/100kg, tương đương 255 USD/tấn, khi thủ tơngs Narendra Modi tìm cách lấy lòng người nghèo ở nông thôn cho cuộc tổng tuyển cử năm 2019. Chính phủ thường thu mua hơn 1/3 tổng sản lượng lúa trên cả nước với giá cố định, và mức giá này tác động trực tiếp tới mức giá của tư nhân. “Với mức tăng giá này, xuất khẩu gạo Ấn Độ sẽ trở nên thực sự đắt đỏ và kém cạnh tranh”, theo B V Krishna Rao, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ (REA). “Khách hàng mà chúng tôi đã xây dựng mối quan hệ kinh doanh lâu năm sẽ chuyển sang mua gạo từ Thái Lan và Việt Nam”.
Tuần này, các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ chào bán gạo đồ 5% tấm ở mức 388 – 392 USD/tấn, FOB, gần tương đương mức giá gạo chào bán từ các nhà xuất khẩu Thái Lan. Nhưng giá thu mua tối thiểu tăng sẽ buộc các nhà xuất khẩu phải chào bán gạo vụ mới mức giá khoảng 430 USD/tấn từ tháng 10 tới, khiến xuất khẩu gạo Ấn Đô trở nên kém cạnh tranh.
Trong năm tài khóa 2017/18 kết thúc vào tháng 3 vừa qua, xuất khẩu gạo Ấn Độ tăng tới 18% so với năm tài khóa 2016/17 lên mức cao kỷ lục 12,7 triệu tấn, nhờ nhu cầu mạnh từ Bangladesh và Sri Lanka. Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu gạo của cả hai nước này đều giảm, đặc biệt khi Bangladesh đưa thuế nhập khẩu gạo trở lại mức 28% từ tháng 6 vừa qua để hỗ trợ nông dân nội địa, theo Nitin Gupta, lãnh đạo Olam Ấn Độ cho hay.
Thậm chí, các bang như Chhattisgarh có thể triển khai giá thu mua cao hơn giá thu mua tối thiểu mà chính phủ liên bang đề ra. “Chhattisgarh có thể tăng giá thu mua thêm khoảng 200 – 300 Rupees/kg, càng làm nới rộng chênh lệch giá nội địa và giá quốc tế”, theo một nhà giao dịch tại Mumbai cho hay.
Ấn Độ thường thu mua lúa gạo và lúa mỳ từ nông dân với mức giá cố định để cung cấp thực phẩm được trợ giá cho người nghèo và ứng phó với bất cứ tình huống khẩn cấp nào. Tuy nhiên, đại diện REA cho rằng chính phủ có thể sẽ buộc phải bán một phần gạo tồn kho ra thị trường quốc tế khi công suất các kho được sử dụng hết cho lúa gạo vụ mới.
Theo Reuters (gappingworld.com)